Từ vụ triệt phá gần 600 loại sữa giả: Khi trẻ sinh non và thai phụ trở thành mục tiêu để gian thương trục lợi!
Đau lòng nhất chính là khi những người yếu ớt nhất lại dùng 1 món bồi bổ, không hay biết nó sẽ ngấm ngầm rút tiếp sức khỏe của mình...
Đã nhiều ngày trôi qua nhưng vụ phanh phui gần 600 loại sữa giả vẫn không ngừng dậy sóng trong dư luận. Đường dây sản xuất sữa giả thu lợi gần 500 tỷ đồng suốt 4 năm qua, người sử dụng kể bao nhiêu cũng không hết nhưng tập trung chủ yếu vào những người đang bệnh tật cần bồi bổ, người có sức đề kháng yếu, miễn dịch kém cần tăng cường. Trong đó không thể kể đến nhan nhản các loại sữa giả sản xuất đánh vào nhóm đối tượng bà bầu và trẻ sinh non.

Cả 2 nhóm đối tượng này đều là những người yếu thế nhất. Thai phụ thì đang mang trong mình sinh linh bé nhỏ, thường xuyên mệt mỏi, yếu ớt. Còn trẻ sinh non, đó là những em bé đáng thương nhất, cần nuôi dưỡng, chăm sóc và bảo vệ nhất. Người ta nói 1 ngày trong bụng mẹ bằng cả tuần, cả tháng chăm con bên ngoài. Chào đời khi không đủ ngày, đủ tháng, con thiếu thốn một sức khỏe tương đối hoàn thiện khi mới sinh.
Ấy vậy mà những đối tượng cần được bảo vệ nhất, nâng niu nhất lại chẳng may dùng phải sữa giả thì tác hại sẽ còn đến mức độ nào? DS Khuê Vũ (làm việc tại Hà Nội), trong gia đình là 1 ông bố có 2 con nhỏ còn đang tuổi dùng sữa, đã có những chia sẻ đến độc giả.
1. Uống sữa giả gây hại cho phụ nữ mang thai thế nào?
Phụ nữ mang thai là nhóm đối tượng có hệ miễn dịch yếu, có thể gặp các tình trạng như ốm nghén, tiểu đường thai kỳ, tăng huyết áp thai kỳ...
Họ cần chế độ dinh dưỡng đầy đủ để hỗ trợ sự phát triển của thai nhi và bản thân. Sữa giả thiếu hụt chất dinh dưỡng hoặc chứa chất không an toàn có thể gây ra các vấn đề nghiêm trọng. Cụ thể như:

Thiếu hụt dinh dưỡng thiết yếu
Theo WHO, phụ nữ mang thai cần lượng lớn protein, sắt, canxi, axit folic, DHA, các vi chất để hỗ trợ sự phát triển não bộ, xương, hệ miễn dịch của thai nhi. Sữa giả không cung cấp đủ các chất này, dẫn đến:
- Thiếu máu do thiếu sắt: Gây mệt mỏi, suy nhược, tăng nguy cơ sinh non hoặc thai nhẹ cân.
- Thiếu axit folic: Tăng nguy cơ dị tật ống thần kinh ở thai nhi, như nứt đốt sống.
- Thiếu DHA và omega-3: Ảnh hưởng đến phát triển trí não và thị lực của thai nhi.
- Thiếu canxi: Gây loãng xương ở mẹ và còi xương bẩm sinh ở trẻ.
"Nếu thiếu hụt kéo dài, bao gồm cả trước và trong thai kỳ, thai nhi có nguy cơ bị chậm phát triển trong tử cung, dẫn đến cân nặng thấp khi sinh, suy giảm miễn dịch..." , DS Khuê Vũ cho biết.
Nguy cơ từ phụ gia không rõ nguồn gốc
Sữa giả có thể chứa phụ gia thực phẩm không được phê duyệt hoặc chất bảo quản độc hại, không được kiểm soát theo tiêu chuẩn. Những chất này có thể:

- Gây phản ứng dị ứng hoặc rối loạn tiêu hóa ở mẹ (nôn, tiêu chảy).
- Tích lũy trong cơ thể, gây độc tính cho thai nhi, đặc biệt nếu chứa các chất như kim loại nặng (chì, cadmium) hoặc hóa chất công nghiệp.
- Ảnh hưởng đến hệ nội tiết của mẹ và thai nhi, gây rối loạn hormone hoặc nguy cơ dị tật bẩm sinh.
Tăng nguy cơ biến chứng thai kỳ
Thiếu dinh dưỡng kéo dài làm mẹ suy nhược, tăng nguy cơ tiền sản giật, đái tháo đường thai kỳ hoặc sinh non.
Sữa giả không cung cấp năng lượng và vi chất cần thiết, khiến mẹ bầu dễ bị suy dinh dưỡng, ảnh hưởng đến khả năng nuôi con sau sinh, ví dụ như thiếu sữa mẹ.
2. Uống sữa giả gây hại thế nào đối với trẻ sinh non?
Trẻ sinh non có thể gặp các vấn đề sức khỏe như hệ hô hấp chưa phát triển hoàn chỉnh, dễ gặp các vấn đề về tiêu hóa, hệ thần kinh chưa hoàn thiện có thể gặp các vấn đề về phát triển trí tuệ, học tập sau này. Đặc biệt, nhóm đối tượng này có hệ miễn dịch yếu, rất dễ bị nhiễm trùng.
Bởi vậy, trẻ sinh non có nhu cầu dinh dưỡng đặc biệt cao để bắt kịp tốc độ tăng trưởng và phát triển. Sữa giả không đáp ứng các tiêu chuẩn dinh dưỡng có thể gây ra các vấn đề nghiêm trọng sau:

Chậm phát triển thể chất
DS Khuê Vũ thông tin, theo WHO, trẻ sinh non cần sữa công thức đặc biệt chứa protein chất lượng cao, DHA, canxi, vi chất để hỗ trợ tăng cân, phát triển xương và hệ thần kinh. Sữa giả thiếu các chất này dẫn đến:
- Chậm tăng cân hoặc suy dinh dưỡng, ảnh hưởng đến chiều cao và cân nặng lâu dài.
- Còi xương do thiếu canxi và vitamin D, gây biến dạng xương hoặc gãy xương.
- Thiếu máu do thiếu sắt, làm giảm khả năng vận chuyển oxy, gây mệt mỏi và suy giảm miễn dịch.
Chậm phát triển trí não
Thiếu DHA, ARA... (các chất cần thiết cho phát triển não bộ) trong sữa giả làm giảm sự hình thành tế bào thần kinh và kết nối não bộ, dẫn đến:
- Chậm phát triển nhận thức: Trẻ có thể gặp khó khăn trong học tập, tư duy và ngôn ngữ khi lớn lên.
- Suy giảm thị lực và thính giác: Thiếu DHA ảnh hưởng đến võng mạc và hệ thần kinh thính giác.
Nguy cơ nhiễm độc từ phụ gia
Trẻ sinh non có hệ miễn dịch yếu và chức năng gan, thận chưa hoàn thiện nên đặc biệt nhạy cảm với các chất độc hại trong sữa giả. Các phụ gia không rõ nguồn gốc có thể gây:
- Rối loạn tiêu hóa: Nôn trớ, tiêu chảy kéo dài, dẫn đến mất nước và suy dinh dưỡng.
- Tổn thương gan, thận: Tích lũy hóa chất độc hại như melamine... gây suy gan, suy thận.
- Phản ứng dị ứng: Gây viêm da, mẩn ngứa, hoặc sốc phản vệ.
Hậu quả lâu dài
Sử dụng sữa giả trong 1-2 năm ở giai đoạn đầu đời có thể gây tổn thương không thể phục hồi, như:
- Chậm phát triển trí tuệ: IQ thấp hơn, khả năng học tập kém.
- Nguy cơ mắc bệnh mãn tính: Suy dinh dưỡng sớm dễ béo phì, tiểu đường type 2, bệnh tim mạch khi trưởng thành (WHO).

Thêm nữa, tác hại của chúng không kém với trẻ nhỏ, nhất là độ tuổi 1-3 tuổi. Đây là giai đoạn đang phát triển nhanh về thể chất, trí não và hệ miễn dịch. Sữa giả không đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng hoặc chứa chất độc hại sẽ gây ra các vấn đề: Suy dinh dưỡng, chậm phát triển, rối loạn tiêu hóa, tăng tổn thương niêm mạc ruột, hệ miễn dịch, nhiễm độc mãn tính (tổn thương thần kinh, suy giảm chức năng gan, thận, rối loạn nội tiết)...
Dựa trên các hướng dẫn từ WHO và nghiên cứu, chuyên gia khuyến cáo:
- Ngừng sử dụng ngay các sản phẩm nghi ngờ: Nếu nghi ngờ sữa giả, phụ nữ mang thai và cha mẹ cần chuyển sang các thương hiệu uy tín, được chứng nhận bởi cơ quan y tế.
- Khám sức khỏe định kỳ: Phụ nữ mang thai cần xét nghiệm máu để kiểm tra thiếu máu, thiếu vi chất, siêu âm để đánh giá sự phát triển của thai nhi.
- Trẻ sinh non và trẻ nhỏ cần được bác sĩ nhi khoa đánh giá về tăng trưởng (cân nặng, chiều cao), phát triển trí não và các dấu hiệu nhiễm độc gan, thận.
- Bổ sung dinh dưỡng kịp thời:
Phụ nữ mang thai: Uống viên bổ sung sắt, axit folic, canxi, và DHA... theo chỉ định bác sĩ.
Trẻ sinh non: Sử dụng sữa công thức đặc biệt (dành riêng cho trẻ sinh non) hoặc sữa mẹ tăng cường dinh dưỡng.
- Theo dõi lâu dài: Trẻ sử dụng sữa giả trong 1-2 năm cần được theo dõi định kỳ về trí não, thể chất, và sức khỏe nội tạng đến ít nhất 5-7 tuổi để phát hiện sớm các vấn đề.
"Giai đoạn mang thai và 1.000 ngày đầu đời là thời kỳ nhạy cảm, nên những tác hại này từ sữa giả có thể khó phục hồi. Người tiêu dùng cần cảnh giác, chọn sản phẩm từ nguồn đáng tin cậy, tham khảo ý kiến bác sĩ uy tín để giảm thiểu rủi ro", DS Khuê Vũ nói.