Vụ triệt phá gần 600 loại sữa giả: Khi nhiều nghệ sĩ, người nổi tiếng "tiếp tay" cho kẻ ác trục lợi người tiêu dùng
Vì trao niềm tin vào những quảng cáo trên mạng, cho rằng có nghệ sĩ, người nổi tiếng nói về sữa tốt, sữa chất lượng... là yên tâm mua dùng, nhiều người giờ đây hối hận cũng không kịp.
Trong thời đại thông tin bùng nổ, mỗi sản phẩm, dịch vụ đều có thể được truyền tải nhanh chóng đến người tiêu dùng qua những quảng cáo trên mạng. Cũng chính vì tính tiện lợi, nhanh chóng và dễ dàng mà hơn bao giờ hết, việc bảo vệ sức khỏe cộng đồng càng trở nên cấp thiết.
Mới đây, đường dây sữa giả bị phanh phui, gây rúng động dư luận đã làm dấy lên nỗi sợ hãi khi người tiêu dùng bị đánh lừa, lợi dụng lòng tin, bị trục lợi từ chính những quảng cáo hấp dẫn, cuốn hút từ nghệ sĩ, người nổi tiếng. Điều đáng lo ngại nhất là khi những người nổi tiếng, có ảnh hưởng đến xã hội, lại tiếp tay cho những sản phẩm nguy hiểm, khiến người dân phải trả giá bằng sức khỏe của chính mình.

Gần 600 loại sữa giả "quảng cáo một đằng, chất lượng một nẻo"
Theo công bố, có đến gần 600 loại sữa không rõ nguồn gốc, chứa đựng hàng loạt chất phụ gia thay thế nguyên liệu tự nhiên bị phanh phui tràn lan trên thị trường.
Những loại sữa này có các thành phần công bố như chiết xuất tổ yến, đông trùng hạ thảo, bột macca, bột óc chó... Trên thực tế, hoàn toàn không có những chất này.
Các đối tượng đã bỏ một số nguyên liệu đầu vào và thay thế, bổ sung thêm một số chất phụ gia. Cơ quan công an xác định, sữa bột có chỉ tiêu chất lượng một số chất đạt dưới 70% so với mức công bố, đủ điều kiện để xác định là hàng giả.
Theo quảng cáo trước đó, các sản phẩm của các công ty này đã được bán rộng rãi tại nhiều địa phương trên toàn quốc, được phân phối qua cửa hàng bỉm sữa, hệ thống siêu thị... tại nhiều tỉnh, thành. Một số sản phẩm sữa bột của công ty này được người nổi tiếng quảng cáo rầm rộ trên mạng xã hội và chuyên gia đánh giá chất lượng. Trong đó, có cả sản xuất các loại sữa dành cho những người bị tiểu đường, suy thận, trẻ sinh non, thiếu tháng và phụ nữ có thai.

Đặc biệt, uống những sản phẩm này không chỉ làm tổn hại đến sức khỏe thể chất mà còn gây ra những hệ lụy lâu dài cho sức khỏe của trẻ em và người già, người đang mắc bệnh khi tiêu thụ phải sản phẩm không đảm bảo chất lượng.
Nhiều nghệ sĩ, người nổi tiếng quảng cáo "thổi phồng" công dụng của sữa giả
Sau khi vụ việc gần 600 loại sữa giả bị phanh phui, nhiều người tiêu dùng tỏ ra bức xúc bởi họ đã mua dùng những loại sữa do hai công ty Rance Pharma và công ty Hacofood Group sản xuất, bán ra thị trường.
Sau sự việc này, BTV Quang Minh, Vân Hugo cũng bị réo tên vì tham gia quảng cáo cho 1 dòng sữa từng bị phạt do vi phạm về quảng cáo.
MC Hoàng Linh, diễn viên Doãn Quốc Đam từng quảng cáo cho sữa Cilonmum. Đây cũng là một trong những loại sữa giả mới bị phanh phui.


Trước sự việc hàng loạt những người nổi tiếng tham gia quảng cáo cho các nhãn sữa giả, công chúng bày tỏ thất vọng. Họ cho rằng các nghệ sĩ với danh tiếng và tầm ảnh hưởng lớn trong xã hội đã thiếu trách nhiệm khi không kiểm chứng chất lượng sản phẩm, dễ dàng trở thành gương mặt đại diện để quảng bá cho các sản phẩm sữa giả.
Nghệ sĩ quảng cáo sữa giả, người dân bị lợi dụng lòng tin và những hậu quả không ai dám nghĩ tới
Hiện tượng nghệ sĩ, người nổi tiếng quảng cáo lố, quảng cáo hàng kém chất lượng không còn xa lạ. Trước đây nhiều nghệ sĩ, nhân vật giải trí Việt từng lên tiếng xin lỗi vì quảng cáo sai sự thật. Quảng cáo lố, quảng cáo sai sự thật từ những người nổi tiếng, gây ảnh hưởng không nhỏ đến người tiêu dùng khi họ luôn tin vào những gì người nổi tiếng đang giới thiệu.
Việc thổi phồng công dụng sản phẩm, từ mỹ phẩm đến thực phẩm chức năng, không chỉ làm xói mòn lòng tin mà còn tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng sức khỏe, tài chính người tiêu dùng. Vì tin theo người nổi tiếng, người tiêu dùng sẵn sàng chi tiền mua sản phẩm.
Thế nhưng đến khi sự thật được phơi bày, người tiêu dùng mới vỡ lẽ ra rằng mình đã bị lợi dụng. Họ phẫn nộ vì lòng tin của mình bị lợi dụng. Cũng từ lòng tin đó thông qua nhiều người nổi tiếng, khối lượng sữa khổng lồ đã được tuồn ra thị trường, vào các cửa hàng, chuỗi bán lẻ và đến tay người tiêu dùng trong một thời gian dài.
Với số lượng gần 600 loại sữa giả được tung ra thị trường, đã có hàng vạn gia đình trở thành nạn nhân của những thứ sữa rởm được "đánh bóng" bởi những lời quảng cáo có cánh, thổi phồng công dụng từ người nổi tiếng.
Hãy thử tưởng tượng khi những em bé sinh non, sức đề kháng kém dùng phải những loại sữa giả này thì sức khỏe sẽ ra sao? Những người mắc bệnh thận, bệnh tiểu đường... dùng sản phẩm sữa giả này thì hậu quả sẽ thế nào? Những người phụ nữ đang mang thai uống phải sữa giả thì sức khỏe của cả mẹ và thai nhi sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng thế nào... Hậu quả thật khó đo đếm và không thể tưởng tượng được.
Bởi thế, người tiêu dùng hãy tỉnh táo, nâng cao nhận thức về những sản phẩm được quảng bá bằng lời lẽ hào nhoáng nhưng không có giá trị thực sự. Đồng thời, pháp luật cũng cần phải có biện pháp xử lý mạnh tay hơn với những người lợi dụng sự nổi tiếng để trục lợi, đặc biệt là trong những vấn đề ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe cộng đồng.

Chúng ta cần một môi trường quảng cáo minh bạch, không bị che mờ bởi những lợi ích cá nhân, một sự giám sát chặt chẽ hơn nữa để không ai có thể lợi dụng lòng tin của người dân và sức khỏe cộng đồng. Hi vọng rằng sau vụ sữa giả bị phanh phui gây chấn động cả nước, mỗi người hãy rút ra bài học cho mình, đừng cả tin để rồi tiền mất tật mang.
Vậy làm sao để không mua phải sữa giả, sữa kém chất lượng?
Mua hàng từ các cửa hàng uy tín: Lựa chọn các siêu thị, cửa hàng, hoặc trang web có uy tín, được kiểm định và chứng nhận chất lượng sản phẩm. Tránh mua hàng ở những nguồn không rõ ràng, đặc biệt là các gian hàng không có thông tin chi tiết về sản phẩm.
Kiểm tra bao bì và nhãn mác: Chú ý kiểm tra bao bì sản phẩm, đặc biệt là các chi tiết như hạn sử dụng, mã vạch, thông tin nhà sản xuất và tem chống giả. Sữa thật thường có bao bì chắc chắn, không bị biến dạng hoặc có dấu hiệu bị làm giả. Nếu bao bì có dấu hiệu rách, mờ hoặc không rõ ràng, đó có thể là dấu hiệu của sữa giả.
Tìm hiểu thông tin về sản phẩm: Tìm hiểu về sản phẩm từ các nguồn đáng tin cậy như website của nhà sản xuất, cơ quan chức năng, hoặc các chuyên gia uy tín. Nếu sản phẩm có công dụng quá tốt so với thực tế hoặc công thức chưa được chứng nhận, thì không nên tin.
Kiểm tra mã vạch và tem chống giả: Mã vạch và tem chống giả là các phương pháp phổ biến để giúp người tiêu dùng nhận diện sản phẩm thật. Trước khi mua, bạn có thể sử dụng các ứng dụng kiểm tra mã vạch để xác minh sản phẩm.