Tôi nhờ đồng nghiệp gửi tài liệu hướng dẫn công việc nhưng chị ta vòng vo không làm và màn "vạch trần" giữa văn phòng
May mắn là tôi lường trước được việc này nên đã có phương án "vạch trần" người đồng nghiệp xấu tính.
Từ hồi còn học Đại học đi làm thêm cho tới bây giờ tôi ghét nhất trò "ma cũ bắt nạt ma mới". Nó thể hiện sự xấu tính và ích kỷ của một bộ phận những nhân viên đã làm lâu trong công ty, thậm chí còn làm cho những người trẻ như tôi khiếp sợ môi trường công sở. Nếu đi làm mà thấy trường hợp nào như vậy, tôi sẽ nghĩ ngay tới việc đổi môi trường làm việc.
Trước đây, vì có bằng ngoại ngữ tốt, tôi đã làm công việc dạy IELTS ở một vài trung tâm. Sau khi gắn bó một thời gian, tôi mới nhận ra bản thân chịu thiệt nhiều. Bởi mức lương dạy theo giờ của tôi không cao như những người khác. Vậy mà tôi chẳng hề hay biết. Mãi tới khi một chị đồng nghiệp cũ - cũng là sếp của công ty đó "lật bài ngửa", tôi mới ê chề nhận ra. Thậm chí, chị ấy còn tuyên bố thẳng vì không ưa tôi, do tôi sống khép kín khó hòa đồng.
Tôi bẽ bàng tột độ. Từ khi nào tính cách hướng nội của tôi trở thành cái gai trong mắt mọi người như vậy? Sau thời gian đó, tôi bỗng chán việc dạy học, muốn tìm một hướng đi khác cho bản thân. Giờ đây, sau gần 1 năm ra trường, tôi mới tìm được con đường đi đúng đắn sắp tới. Đó là biên dịch. Để nâng cao kỹ năng chuyên môn, tôi cũng có đi học các khóa biên dịch ở ngoài chứ chưa vội đi làm.
Ra Tết, tôi xin vào làm tại một tập đoàn lớn về dịch vụ. Trong đó, nhiệm vụ của vị trí tôi ứng tuyển là dịch hợp đồng, dịch nội dung quảng cáo... Mức đãi ngộ khá tốt, cộng thêm môi trường nhiều phúc lợi khiến cho tôi tin rằng đây sẽ là nơi phù hợp để gắn bó lâu dài.
Cũng may mắn là đợt tôi ứng tuyển không có quá nhiều người cạnh tranh, nên khả năng đỗ cao hơn. Cuối cùng, sau nhiều vòng phỏng vấn, sát hạch, tôi đã chính thức trở thành nhân viên của công ty mà không cần qua thử việc. Chị HR còn nói với tôi là sếp rất ưng ý với khả năng dịch thuật của tôi, vậy nên anh ấy đã miễn cho tôi 2 tháng thử việc.
Thế nhưng, tới lúc bắt đầu với cuộc sống công sở ở đây, tôi mới chợt bẽ bàng nhận ra, lại là một tình huống rất quen: "Ma cũ bắt nạt ma mới".
Chả là ngay những buổi đầu, tôi được sếp giao cho nhiệm vụ dịch một kịch bản quảng cáo ngắn. Tuy nhiên trong đó có những thuật ngữ hơi đặc thù, có lẽ cần một bộ tài liệu chuyên môn để hoàn thành công việc chỉn chu hơn. Tôi hỏi sếp thì anh ấy bảo là hỏi chị A - một người đồng nghiệp trong phòng. Sau đó anh ấy đi công tác ở Sài Gòn, tôi cũng không tiện nhắn tin thêm.
Tôi hỏi chị A mail để được gửi tài liệu. Chị A có đưa tôi mail ra giấy nhưng với thái độ khá vùng vằng. Tôi không để bụng mà viết mail rất lịch sự, dạ dạ vâng vâng liên tục. Sau đó tôi ngồi dịch những phần mà bản thân có thể dịch ngay được.
Tuy nhiên tới buổi chiều, chị A vẫn chưa phản hồi. Tôi sang tận nơi để hỏi chị A thì chị ấy đã về rồi (dù lúc đó mới 4 giờ chiều). Công việc lại để đến ngày hôm sau. Sở dĩ tôi không nhắn tin cho chị A vì tôi nghĩ có thể chị ấy quên.
Ngày hôm sau, khi hỏi chị ấy, người này bảo là không nhận được mail, còn yêu cầu tôi gửi lại. Tôi tức lắm rồi nhưng vẫn ngoan ngoãn. Song lần thứ 2 này, tôi cài Mail Track vào hòm thư của mình. Nôm na thì nó là ứng dụng để xem đối phương đã mở thư ra hay chưa.
Và quả là hữu hiệu, chị A rõ ràng đã mở mail của tôi ra đọc, mà vẫn chẳng hề gửi lại tôi tài liệu công việc. Tôi đến tận nơi của chị A, nói thì chị lại bảo "Em kiểm tra lại xem có đúng mail không?"
Lần này, tôi không nhân nhượng, dù chỉ mới mấy buổi đầu đi làm, tôi cũng phải nói: "Chị ơi, em cài Mail Track chị ạ. Chị đã mở mail rồi sao còn gây khó dễ với em thế ạ? Phải chăng em làm chuyện gì sai?"
Sau đó, vì bị bẽ mặt với mọi người, chị A đã lườm tôi một cái sắc lẹm rồi gửi tài liệu, yêu cầu tôi "Em về chỗ đi".
Người đồng nghiệp bên cạnh tôi bảo: "Bà A này nổi tiếng khó tính, nói chung cứ lựa lựa mà chung sống, chứ em dám bật lại thế này là hơi bị cao tay đó".
Phải nói, nhờ có công cụ Mail Track, tôi mới có thể có được những quyền lợi chính đáng của bản thân. Chắc chắn sau này, tôi sẽ cẩn trọng với chị A hơn.