Nhà hai "mẹ chồng"

An Hoàng,
Chia sẻ

Mối quan hệ mẹ chồng - nàng dâu trong mỗi gia đình vốn đã chẳng mấy tốt đẹp. Vậy mà những người phụ nữ này còn phải sống cảnh nhà có hai "mẹ chồng".

Oan ức vì bà của chồng

Gia đình chồng Mến (Thanh Miện - Hải Dương), ngoài bố mẹ chồng thì còn có bà nội năm nay đã bước sang tuổi 80.

Trưa hôm ấy, vừa đi dạy về, chị hàng xóm đã kéo Mến vào thủ thỉ: "Này, sao sáng không nấu gì cho bà cụ ăn để cụ đói thế?". Mến nghẹn đắng: "Sáng em hỏi bà muốn ăn gì con nấu thì bà bảo mệt không muốn ăn, thế là em đi dạy luôn". "Vậy mà chị vừa nghe bà cụ ngồi than thở ở nhà bên là em không chịu nấu nướng gì đấy", chị hàng xóm giải thích.

Vào nhà, Mến càng bực hơn, nhưng vẫn cố vui vẻ cất lời chào bà. Chuyện lần này thực ra chỉ là một trong vô số oan ức vặt vãnh mà cô phải hứng chịu từ ngày về nhà chồng.

Bị oan nhiều quá khiến Mến trở thành cô cháu dâu xấu xí từ lúc nào không hay. Mà chuyện đâu có to tát gì. Nào là thức ăn thừa, cô đổ đi thì bà nói với mẹ chồng "Nó hoang phí, giờ mới đi dạy hợp đồng được mấy đồng. Cầm tiền của chồng tiêu không biết xót" hay "Con gái con đứa ngủ đến bảnh mắt mới dậy"...

Khổ nỗi, bà không ngủ được. Ngày nào cũng 5 giờ sáng đã lọ mọ dậy rồi. Còn Mến, từ ngày về nhà chồng, cô đã cố gắng dậy lúc 6 giờ, quanh quẩn nấu ăn sáng, lau nhà, quét dọn cũng chưa đến giờ đi làm, thế mà bà vẫn nói được...

Nhiều lần Mến than thở với chồng thì anh động viên ngay: "Người già mà em, bà cũng không có ý gì đâu". Nhưng chẳng lẽ cô cứ phải đi thanh minh hết với mẹ chồng và hàng xóm toàn chuyện cơm thừa, đổ rác, quét nhà ấy...

Thêm vào đó, từ ngày có con dâu, mẹ chồng Mến như trút được gánh nặng. Mẹ chồng trao hết trách nhiệm cơm bưng nước rót cho bà đến tay Mến. Thành ra, cứ không vừa ‎ý bà, Mến càng bị soi xét.

Sau khi Mến sinh cu Bon được 2 năm thì hai vợ chồng xin phép bà và bố mẹ cho xây lại căn nhà đang ở khang trang hơn. Nào ngờ chồng vừa cất lời, bà nội đã chĩa về phía Mến: “Xây gì mà xây, nhà này các cụ để lại, muốn xây đi chỗ khác. Chắc lại con vợ xúi chồng chứ gì, bao nhiêu năm nay ở vậy có sao đâu?”. Mến uất ức mà không dám hé răng đến nửa lời. Chồng cô cũng bực, giải thích mãi không được, anh nổi nóng bỏ ra ngoài.

Tâm sự với mẹ đẻ, Mến rơm rớm nước mắt: “Con đã cố gắng lắm rồi mà sao bà cứ moi móc, nghĩ xấu đủ thứ chuyện. Mà trước mẹ chồng con cũng bình thường, không xét nét gì, giờ hình như nghe bà nói nhiều điều không hay đâm ra càng để ‎ý con. Sống thế này chả khác nào nhà hai "mẹ chồng'”.

Con trai thì ngày một lớn mà nhà cửa chật chội, xây không được xây, ra riêng thì bố mẹ chồng nhất quyết không cho vì ông bà chỉ có chồng Mến là con trai duy nhất. May thay cuối năm vừa rồi Mến chính thức được vào biên chế nhưng phải chuyển lên dạy ở trường giáp thành phố. Hai vợ chồng như mở cờ trong bụng, Mến cũng có cớ xin chuyển lên Bưu điện trung tâm làm.

Chỉ sau một thời gian ổn định công việc ở chỗ mới, hai vợ chồng Mến đã dồn toàn bộ tiền dành dụm được và vay mượn thêm mua một căn nhà gần chỗ làm.

Cứ cuối tuần, gia đình Mến lại đưa con về thăm nhà, không quên quà cáp chu đáo cho bà. Dù chỉ là gói bánh, ít hoa quả nhưng bà vui ra mặt, lại còn khen cháu dâu chu đáo. 

Mến tâm sự: “Bạn bè mình cũng khốn khổ vì mẹ chồng nhưng không ai có đến hai 'mẹ chồng' như mình. May mà giờ đã ở xa, không thì khó mà sống êm ấm, thoải mái được”.

Nhà hai
Dù sống chung một mái nhà nhưng mẹ chồng và cô của chồng hiếm khi trò chuyện với nhau (Ảnh minh họa).

Giặc bên Ngô” của bố chồng


Cùng chung cảnh hai "mẹ chồng" như Mến, nhưng Ly (Vĩnh Bảo - Hải Phòng) lại khổ vì phải sống cùng em gái của bố chồng.

Theo lời Hiếu - chồng Ly kể, cô không có chồng, chung sống với gia đình Hiếu từ ngày anh chưa chào đời. Cô cũng chính là người đã bế ẵm, chăm chút cho anh em Hiếu suốt những năm tháng ấu thơ. Thương cô đơn côi nên bố Hiếu quyết định xây thêm một phòng cho cô ở chứ không cho cô xây nhà riêng.

Mọi việc trong nhà Ly đều thấy cô tham gia rất nhiệt tình, thậm chí còn nhiều hơn cả mẹ chồng. Ban đầu, Ly nghĩ do vốn tính ít nói nên mẹ chồng mới thế. Sau để ‎ý kĩ Ly đoán ra ngay là bà và cô Hà có vẻ không hợp nhau nên hầu như chẳng bao giờ nói chuyện, kể cả trong mâm cơm.

Biết ‎ý, ở bên người này, Ly chẳng bao giờ dám nhắc đến người kia. Nhưng bấy lâu ít có ai tâm sự, từ ngày Ly về, cô chồng như bắt được vàng, suốt ngày rủ rỉ đủ chuyện, ra trò qu‎ý Ly lắm.

Mới đầu là “ngày xưa, thằng Hiếu nó nghịch lắm…”. Sau chủ đề là các câu chuyện luôn xoay quanh mẹ chồng Ly. Cô chê bai đủ kiểu, nào là không biết ăn nói, cư xử nên cả họ ghét, hay “trước mặt người khác thì im im như không, sau thì sai chồng răm rắp”… Ly cũng chỉ biết nghe để đấy, chả dám gật gù chứ đừng nói bình luận.

Sau vài lần bắt gặp Ly đi ra từ phòng cô, mẹ chồng không nói không rằng nhưng mặt càng khó đăm đăm hơn.

Đợt vừa rồi, vợ chồng Ly dồn tiền mua chung xe tải với ông anh họ, còn thiếu một ít. Ly đang định gọi điện về nhà vay mẹ đẻ thì cô chồng đã mau miệng: “Cần nhiều không? Cô có đấy, lấy luôn tiền của cô này, không phải vay đâu nữa”. “May quá, cháu ngại không dám hỏi cô” - Ly đáp lời.

Nói xong, cô vào ngay phòng đếm tiền đưa cho Ly. Đúng một tháng sau, cô Hà gọi Ly bảo: “Không biết người ngoài cho vay bao nhiêu nhưng chỗ người nhà cô lấy 1% lãi thôi. Chỗ ấy 200 triệu là 2 triệu lãi tháng vừa rồi…”.

Ly chết đứng, nghĩ thầm: “Lúc cho vay, cô chẳng nói năng gì đến lãi. Biết thế này vay mẹ đẻ cho xong”.

Rồi cứ thế, đến tháng cô chồng lại gọi hoặc Ly hay chồng Ly để nhắc nhở chuyện trả lãi vay. Xe ít việc, Hiếu đánh bạo trình bày với cô mong cô không tính lãi thì cô lại giở giọng. Thậm chí cô chồng còn bảo: “Cô bảo, vốn liếng của cô có ngần ấy, cô đã thu xếp giãn chỗ khác cho hai đứa vay giá rẻ thế còn gì nữa?” - Hiếu tiu ngỉu kể lại với vợ. 

Không chỉ lần ấy mà rất nhiều lần dính đến tiền, vợ chồng Ly đều như bị cô “đánh lừa” vậy. Có lần Ly mượn cô 200 nghìn nộp tiền điện vì ngại chạy lên tầng, lúc trả cô nhất quyết là Ly đã vay 500 nghìn.

Đỉnh điểm nhất phải kể đến Tết vừa rồi, Ly biếu mẹ chồng 2 triệu để bà sắm Tết. Không hiểu sao cô lại biết. Đến khi mừng tuổi cô chỉ 500 nghìn, thế là cô đặt điều: “Vợ chồng nó ở đây tôi giúp đủ thứ, thế mà nó coi chẳng bằng một góc của bà mẹ miệng suốt ngày ngậm hột thị kia”.

Đúng là nhờ có cô trông con mà vợ chồng Ly mới yên tâm đi làm từ sáng đến tối mới về. Nhưng sau khi nghe vợ kể lại chuyện này, Hiếu là đàn ông còn phải ngao ngán: “Nhanh nhanh chóng chóng mà ra riêng thôi. Chừng nào còn ở đây, em đừng có mà động chạm tiền nong gì với cô nữa”.


   
Mới làm dâu vài tháng mà Lê đã choáng váng hết lần này đến lần khác trước lối sống “đẹp” của mẹ chồng.
Nhà hai
Chia sẻ