“Đừng gọi chúng tôi là... đám đàn bà”

N.Mai,
Chia sẻ

"Bởi vì trong cái ‘đám đàn bà’ đó có người đã sinh ra các anh; có người sinh con cho các anh, rồi đang phục vụ và thu vén gia đình để các anh thoải mái ở bên ngoài... Nghe cái cụm từ đó chỉ thấy thái độ coi khinh, rẻ rúm mà các anh dành cho chúng tôi".

Đó là chia sẻ của chị Vũ T. (30 tuổi) hiện đã lập gia đình và là bà mẹ của 2 con. Chị T. cho rằng, mọi phụ nữ trên thế giới này lúc nào cũng nhiệt huyết, tận tâm trong vai trò người vợ, người mẹ rồi thì cũng phải có những lúc các chị có khoảng thời gian dành cho riêng mình. Và điều đó cần phải được nam giới – những người chồng tôn trọng, ủng hộ.

Chào chị, trông chị khá lạ lẫm so với những người phụ nữ khác ở vẻ bề ngoài…?

Ý anh là kiểu cách ăn mặc và chắc là tại… mái tóc tomboy của tôi?! Anh không phải là người đầu tiên bày tỏ thắc mắc với tôi về điều đó.

Một điều trái khoáy là dù ở thời đại nào các anh luôn thích vợ e ấp, thướt tha, thùy mị với mái tóc dài điển hình. Các anh cho rằng để tóc dài thì nhìn mặt vợ hiền khô, ngoan ngoãn. Vợ có muốn nổi loạn thì cũng phải cân nhắc cho nó “xứng” với cái mặt ấy. Cứ cho là vô tình thì cuối cùng các anh cũng thành hữu ý “xiềng” chúng tôi với cái quan niệm “hàm răng mái tóc là góc con người”. Và dù muốn, chúng cũng phải sợ khi đi ngược hoặc cố thoát ra cái quan niệm cố hữu ấy…

Xin lỗi vì đã ngắt lời chị! Nhưng nói như thế có nghĩa chị muốn làm cuộc lột xác để từ bỏ vai trò “xây tổ ấm” của mình?

Tôi không từ bỏ gì cả. Cái gì thuộc về thiên chức, bản năng thì làm sao mà từ bỏ được. Mà thực ra, phàm đã là con người, tầm thường, tốt đẹp hay xấu xa thì nằm ở tính nết, cách đối nhân xử thế chứ đâu phải ở hình thức. Cho nên nếu có muốn lột thì cũng đâu dễ mà lột được. Chúng tôi là phụ nữ, chúng tôi cũng có cái chất “điên” riêng của mình. Chúng tôi cũng muốn nổi loạn, thay đổi một chút khi cuộc sống quá bí bách… Bởi vậy những gì anh thấy ở vẻ bề ngoài mới thay đổi của tôi chỉ là để nó hợp với con người và cá tính của tôi mà thôi. Không có gì là lạ cả. 

Biết chắc tư tưởng của các ông chồng là như thế nhưng chị vẫn quyết hành động theo ý của mình. Phải chăng đây là một trong những kiểu nổi loạn chung của các chị?

Có thể nói là đúng. Song nổi loạn ở đây không có nghĩa là tiêu cực nhé. Nhiều khi chúng tôi gào thét, phàn nàn chán chê không được thì chúng tôi buộc phải làm cú hích mạnh vào điều người ta không muốn để buộc họ phải lưu tâm đến mình. Nghe có vẻ thiếu chín chắn và trẻ con nhưng rất hiệu quả. Chả thế mà khi tôi thay đổi vẻ bề ngoài thì cả gia đình tôi xôn xao. Chồng tôi mọi khi về nhà chả thèm nhìn mặt vợ, thì hôm đó, vừa bước chân vào nhà đã tỉ mẩn săm soi: “Dạo này em làm sao thế?”, mẹ chồng tôi thì kéo chồng vào nhắc khéo: “Quan tâm đến vợ chút đi”…

Phần nữa là chúng tôi muốn tự làm mới mình. Ít nhất điều đó cũng làm cho chúng tôi vui và hài lòng với bản thân hơn. Sống mãi với một kiểu người cũ, phong cách cũ, đến tự bản thân chúng tôi còn chán mình nữa huống hồ gì là người khác. 

“Đừng gọi chúng tôi là... đám đàn bà” 1
Chúng tôi sẽ hạnh phúc hơn khi chồng chia sẻ mọi điều trong cuộc sống... (Ảnh minh họa)

Nhưng hình ảnh mà các anh ấy quen thấy không giống với hình ảnh hiện tại của chị. Chị không sợ ư?

Công bằng ra mà nói, chúng tôi làm việc ở cơ quan có thua kém gì các anh đâu. Nhưng khi về nhà thì chúng tôi lại phải “đánh vật” với việc nhà, cơm nước, con cái theo kiểu “trăm dâu đổ đầu tằm”. Tôi nghiệm ra một điều rằng, lâu nay, phụ nữ sau khi kết hôn chỉ chăm chăm lao về nhà nấu cơm khi tan sở, giặt một núi quần áo, dọn dẹp nhà từ tầng trên xuống tầng dưới vào ngày cuối tuần. Rồi nỗi lo quản chồng, chăm con, đầu óc lúc nào cũng dày đặc chuyện cơm áo gạo tiền… Lúc này, hình ảnh người vợ bỗng trở thành những kẻ xấu xí, ích kỉ trong mắt chồng. 

Một khi đã xấu xí, và méo mó thế thì thay đổi đôi chút cho bản thân cũng là để cải thiện tinh thần của mình theo kiểu AQ trước khi lại lao về với cái nghĩa vụ thường nhật thì sao phải sợ. Nếu chỉ vì vợ thay đổi hình thức mà các ông chồng đệ đơn ly hôn thì thật nực cười. Có chăng là các ông ấy cũng chỉ giận hờn, ăn vạ, tỏ ra ấm ức vì vợ “không xin phép đã dám tự xử” mà thôi. Và người sợ phải là các ông ấy mới đúng. Họ sợ vì nghĩ đến việc vợ thay đổi hình thức, diện mạo sẽ thay đổi luôn cái nếp sống phục tùng chồng con. 

Những ông chồng cho rằng các chị là những người hét lắm, đòi nhiều, lúc nào cũng kêu ca, phàn nàn... đến phát ốm?

Chúng tôi có như thế thì cũng là vì chồng. Sau khi kết hôn, các ông chồng bỗng biến thành những gã lầm lì, ít nói, ăn nói cộc lốc. Thậm chí còn không muốn nói chuyện với vợ. Những lúc như thế tôi tưởng như mình đang sống với một người không biết nói, không biết nghe. Và thế thì giống khúc gỗ hơn là con người. Các ông chồng trở thành kẻ lười nói chuyện và khi có thể nói thì họ "chăm" nói nhất là phàn nàn về việc vợ nói nhiều, vợ than vãn nhiều. Cái gì họ cũng quy chụp rồi chốt lại bằng câu nói “Đúng là đám đàn bà” hoặc “Đúng là đồ đàn bà”. 

Chính vì vô vàn những áp lực từ cuộc sống hôn nhân và bản thân các ông chồng đã khiến cho phụ nữ không được làm theo những gì mình muốn. Như tôi đã nói, lúc nào chúng tôi cũng phải làm những việc mà chồng, con, gia đình chồng, họ hàng nhà chồng mong đợi với mục đích “cao cả” là để gia đình hòa thuận, êm ấm. Đó cũng chính là nguyên nhân khiến phụ nữ chúng tôi gặp gỡ nhau thì chia sẻ, than thở với nhau cho bớt stress. Chúng tôi đâu than rồi xúi bẩy nhau đâu.

Chị có muốn thay mặt chị em bày tỏ mong muốn gì đến với các quý ông chồng không?

Mong muốn thì chúng tôi có nhiều lắm. Cũng nhiều như những điều mà chồng của chúng tôi ao ước về vợ. Vốn dĩ chúng tôi sinh ra là phụ nữ, được các anh đón rước về làm vợ. Khi về làm vợ rồi thì chúng tôi không được phép ngờ nghệch, loay hoay khi giải quyết công việc nhà chồng, lại càng không được để chồng và nhà chồng ngứa mắt. Lúc nào cũng phải tuân thủ theo nếp sống nhà chồng. Chúng tôi không phải là sắt đá, nên cũng mệt lắm.

Đừng bao giờ gọi chúng tôi là “đám đàn bà”. Bởi vì trong cái ‘đám đàn bà’ đó có người đã sinh ra các anh rồi phải chịu bao khổ cực vất vả; có người sinh con cho các anh, rồi đang phục vụ và thu vén gia đình để các anh thoải mái ở bên ngoài... Nghe cái cụm từ đó chỉ thấy thái độ coi khinh, rẻ rúm mà các anh dành cho chúng tôi. Nó giống như việc các anh coi chúng tôi là cục nợ, chứ không phải là những người bạn đời, chia sẻ với các anh những buồn vui, vất vả trong cuộc sống. 

Cho nên nếu gọi thì các anh nên dùng thái độ thành kính, trân trọng chứ không phải với thái đồ dè bỉu như vậy. Chúng tôi sẽ được xoa dịu vì điều đó theo nghĩa được chia sẻ. Và như thế chúng tôi có động lực để làm tốt hơn vai trò của mình.



Người tình của anh không ai khác chính là cô trợ lí đã làm việc cùng anh ngay từ những ngày đầu anh mới khởi nghiệp.
“Đừng gọi chúng tôi là... đám đàn bà” 2
Chia sẻ