Mãn kinh sớm: nỗi lo ngại của nhiều phụ nữ trẻ

Minh Tuyết,
Chia sẻ

Phụ nữ trẻ có dấu hiệu mãn kinh sớm không những phải đối mặt với những khó khăn trong cuộc sống, khả năng sinh nở mà ngay cả hạnh phúc gia đình cũng khó giữ.

Mãn kinh quá sớm ảnh hưởng hạnh phúc

Ngày nay, không ít phụ nữ trẻ đột nhiên lâm vào tình trạng mãn kinh sớm khi chưa đến tuổi, khiến cuộc sống hạnh phúc gia đình bị đảo lộn, nhất là vấn đề chuyện sinh đẻ bị ảnh hưởng rất nghiêm trọng.

Chị Vân Anh (hiện là một kế toán viên), đang rất lo lắng  khi bác sĩ kết luận chị khó có cơ hội làm mẹ lần hai. Theo  lời chị khoảng 2 năm trở lại đây, vấn đề kinh nguyệt của chị luôn trong trạng thái thất thường, có tháng kéo dài hàng chục ngày, tháng thấy hai lần, rồi có khi 2 - 3 tháng không có. Thấy vậy, chị uống các loại ích mẫu để điều hòa kinh nguyệt nhưng tình trạng vẫn không được cải thiện. Sau đó nghe người thân giới thiệu cắt thuốc bắc uống tốt cho kinh nguyệt chị cũng làm theo nhưng cũng không có tác dụng. Chỉ tới khi thấy tắt kinh vài tháng chị mới giật mình và đến bệnh viện khám.
 
Cầm kết quả trên tay, chị thấy vô cùng lo lắng. Bác sĩ kết chị có dấu hiệu mãn kinh sớm, buồng trứng sản xuất trứng thất thường nên khả năng có con của chị không cao. 

Cũng trong tình trạng lo lắng, rối bời, chị Hải Yến (Ba Đình, Hà Nội) không thể tin rằng mình có dấu hiệu của tiền mãn kinh sớm khi mới chạm tuổi ngoài 30. Chị cho biết mấy tháng nay chu kì kinh nguyệt của chị có nhiều bất thường nhưng chị không để ý. Tháng trước, ngoài việc chậm kinh cả tháng, chị còn thường xuyên thấy nóng trong người, nhất là về ban đêm, khó thở, tính tình nóng nảy, sinh hoạt vợ chồng  giảm sút vì đau, rát, khô... Chính vì thế mà vợ chồng chị rất hay cãi nhau, thậm chí “chiến tranh lạnh” cả tuần. 

Thất bất ổn trong cơ thể chị quyết định đi khám và vô cùng bất ngờ khi bác sĩ thông báo chị đang có dấu hiệu của tiền mãn kinh sớm do chức năng buồng chứng bị suy giảm. Bác sĩ cho biết đây là bệnh thường gặp ở những phụ nữ lớn tuổi, nhưng không ít phụ nữ trẻ tuổi mắc phải.

Mãn kinh sớm: nỗi lo ngại của nhiều phụ nữ trẻ 1
Phụ nữ trẻ có dấu hiệu mãn kinh sớm không những phải đối mặt với những khó khăn trong cuộc sống, khả năng sinh nở... Ảnh minh họa

Hiểu đúng về mãn kinh và mãn kinh sớm

Theo bác sĩ Thu Ngân, Bệnh viện phụ sản Hà Nội mãn kinh thường xảy ra ở phụ nữ tuổi gần 50, đó là giai đoạn chức năng các tuyến nội tiết nói chung và tuyến sinh dục nói riêng suy giảm. Hàm lượng hoóc môn sinh dục trong cơ thể tụt hẳn, gây hội chứng mãn kinh, biểu hiện ở rất nhiều cơ quan như thần kinh, tim mạch, cơ xương khớp, da, tóc, sinh dục…

Mãn kinh là giai đoạn chuyển tiếp lần thứ hai trong đời sống sinh dục của người phụ nữ (lần đầu là lúc có kinh). Mãn kinh xảy ra do sự suy giảm chức năng buồng trứng, dần dần buồng trứng ngưng hoạt động dẫn đến việc mất kinh nguyệt mỗi tháng và chấm dứt khả năng sinh sản.

Triệu chứng thường gặp nhất của bệnh suy buồng trứng dẫn đến mãn kinh sớm là kinh nguyệt không đều, không rụng trứng, không hành kinh, hành kinh nhưng huyết ít hơn, nhạt màu. Có những chị em có thể còn gặp các triệu chứng tương tự như cơn bốc hỏa, nóng, vã mồ hôi về đêm, dễ kích động, khó tập trung tư tưởng, ít quan tâm đến tình dục, đau khi quan hệ tình dục, âm đạo khô, mất khả năng sinh sản…

Thông thường, phụ nữ ở độ tuổi 45- 50 hoạt động chế tiết của buồng trứng bắt đầu bị rối loạn, dẫn đến kinh nguyệt không đều, kéo dài hoặc dây dưa. Giai đoạn tiền mãn kinh có thể kéo dài 2- 5 năm. Vì thế, phụ nữ mãn kinh thật sự thường ở tuổi từ 50-55. Khi mãn kinh, phụ nữ thường có dấu hiệu chu kì kinh nguyệt trồi sụt bất thường, tình trạng bốc hỏa, tính tình trở nên cáu gắt, tình trạng sinh hoạt tình dục có sự suy giảm…

Tuy nhiên, cũng có những trường hợp cá biệt phụ nữ chưa đến 40 tuổi nhưng buồng trứng không còn hoạt động nữa, được gọi là mãn kinh sớm. Tình trạng này thường xuất hiện ở những người hút thuốc lá, uống rượu, căng thẳng phiền muộn, chiếu tia xạ trị bệnh, bị rối loạn miễn dịch, đã được phẫu thuật cắt tử cung… hoặc nhiễm trùng đường sinh sản do không giữ vệ sinh "vùng kín" sạch sẽ, có quan hệ tình dục không an toàn, lây nhiễm bệnh tình dục, nhiễm virus herpes... Một khi tình trạng nhiễm trùng lan rộng và ảnh hưởng đến buồng trứng thì nó sẽ suy giảm khả năng hoạt động của buồng trứng và gây ra lão hóa buồng trứng sớm, cho dù người phụ nữ chưa đến tuổi mãn kinh thì vẫn bị mãn kinh.

Theo Hiệp hội Nghiên cứu về mãn kinh ở Pháp, có đến 1-2% phụ nữ ở độ tuổi sinh nở bị mãn kinh hay có nguy cơ mãn kinh trước tuổi 40, một số trường hợp trước tuổi 30. Nguyên nhân bắt nguồn từ di truyền hoặc đột biến nhiễm sắc thể. Bệnh tự miễn hoặc liệu pháp hóa học cũng có thể gây ra tình trạng mãn kinh sớm.

Để ngăn ngừa tình trạng này phụ nữ nên tránh các yếu tố nguy cơ như: hút thuốc lá, uống rượu, căng thẳng…
 
Khi có biểu hiện triệu chứng của mãn kinh thì chị em cần nên đi khám các cơ sở y tế chuyên khoa kịp thời để có phương pháp điều trị phù hợp. 
Chia sẻ