Qua 2 cái Tết ở nhà chồng, năm nào cũng thấy hoảng sợ vì lo tiền
Tết năm nào cũng vậy, nhà chồng chẳng bao giờ có Tết. Mẹ chồng chẳng chịu mua sắm gì, cứ bảo em là nếu có tiền thì đi mà sắm Tết không thì nghỉ. Tết nào em cũng toàn khóc vì phải tự chi tiêu.
Hỏi:
Chị Tâm An ơi!
Em sinh ra trong gia đình gia giáo, bố mẹ em nuôi dạy em tử tế. Em cũng được học hành đàng hoàng. Hiện giờ em đang làm ở một công ty tư nhân với mức lương 5 triệu/ tháng.
Em mới lấy chồng được 2 năm nay và đã vừa trải qua 2 cái Tết ở nhà chồng nhưng có biết bao nhiêu là chán nản. Mẹ chồng chẳng bao giờ ưa em cả. Ngày em đang yêu thì bà ngọt ngào với em lắm, bảo em là nhà chỉ có mình em là con dâu, con gái đi lấy chồng rồi nên bà cũng yêu thương em như con gái trong gia đình.
Nhưng lấy nhau về thì không được như thế chị ạ. Chồng em chẳng bao giờ có ý kiến gì, bất cứ điều gì anh ấy cũng im lặng. Mẹ chồng em thì khó tính kinh khủng, điều gì em làm cũng chẳng bao giờ bà hài lòng. Mặc dù em chẳng ăn bám gia đình nhưng bà cứ nói em được bao nhiêu tiền giấu diếm mang hết về nhà ngoại. Em đau lòng lắm chị ạ.
Tết năm nào cũng vậy, nhà chồng em chẳng bao giờ có Tết. Mẹ chồng chẳng chịu mua sắm gì, cứ bảo em là nếu có tiền thì đi mà sắm Tết không thì nghỉ (Ảnh minh họa)
Tết năm nào cũng vậy, nhà chồng em chẳng bao giờ có Tết. Mẹ chồng chẳng chịu mua sắm gì, cứ bảo em là nếu có tiền thì đi mà sắm Tết không thì nghỉ. Tết nào em cũng toàn khóc vì tự phải chi tiêu hết thảy. Sau Tết còn sợ hơn nữa vì vợ chồng chẳng có tiền mà tiêu pha.
Chồng em thì luôn im lặng trước phản ứng của bà. Nếu em mua cái gì thì nhà có cái đó, còn không thì thôi. Em có cảm giác như kiểu mẹ chồng nghĩ em nhiều tiền lắm hay sao ấy. Tết xong, em vẫn thấy mệt mỏi lắm chị ạ. Chưa gì đầu em lại sợ hãi khi nghĩ đến cái Tết thứ 3 ở đây. Em phải làm sao ạ?
(Minh Hà, HN)
Chị Tâm An trả lời:
Thân chào em gái!
Với mỗi người, chữ “Tết” là điều thiêng liêng nhất, có lẽ điều buồn nhất với em là không hòa hợp được với gia đình nhà chồng khiến cho em không có được mùa xuân trọn vẹn.
Chuyện thích nghi và làm quen với một gia đình mới chưa bao giờ dễ dàng với bất cứ cô dâu nào. Mọi điều em vẫn làm ở nhà có thể sẽ khác và thậm chí là thay đổi hoàn toàn khi em về bên nhà chồng, từ chuyện ăn uống, sinh hoạt, đi lại, ngôn ngữ, cử chỉ.
Chị thấy em đang rất căng thẳng mệt mỏi với mẹ chồng và cũng muốn có một giải pháp nào đó tích cực hơn. Tuy vậy chị không thấy em nói ở đây là em đã làm được gì, đã cố gắng như thế nào để thay đổi.
Có thể em gặp rất nhiều khó khăn trong mối quan hệ với gia đình nhà chồng. Nhưng xem xét lại, biết đâu họ cũng gặp những khó khăn tương tự như vậy. Có nhiều điều em không hài lòng về mẹ chồng, nhưng cũng có thể có những điều bà không hài lòng vì em nữa chứ. Em khó khăn nhưng mẹ chồng em cũng có thể khó khăn về kinh tế.
Còn về phía chồng em, có lẽ em cũng đang buồn vì anh ấy không có ý kiến gì giữa “cuộc chiến” mẹ chồng nàng dâu này. Tất nhiên, em có thể nghĩ anh ấy nên bênh phía đúng và khuyên giải phía làm chưa đúng. Nhưng em ạ, giữa mẹ và vợ, đôi khi họ sẽ rất khó để có thể đứng về phía ai. Nếu sau này em làm mẹ, liệu em muốn con em sẽ đứng về phía mình hay phía người bạn đời?
Thay vì việc im lặng và không có ý kiến gì, từ Tết năm sau, em có thể hỏi thẳng mẹ chồng, thậm chí cùng mẹ đi sắm Tết hay bàn về số tiền để dành để ra Giêng chi tiêu (Ảnh minh họa)
Ở trong hoàn cảnh nào, ai cũng có những lý do đúng để tự bênh vực mình. Vì vậy, thay vì mỗi người luôn tìm ra những điểm sai của người kia, em có thể ngồi lại xem xét một cách tích cực xem mình có thể làm gì cho mối quan hệ này tốt lên.
Thay vì việc im lặng và không có ý kiến gì, từ Tết năm sau, em có thể hỏi thẳng mẹ chồng, thậm chí cùng mẹ đi sắm Tết hay bàn về số tiền để dành để ra Giêng chi tiêu. Nói chung mỗi một việc hai mẹ con làm cùng nhau sẽ gần nhau hơn.
Mẹ chồng em cũng có con gái đi lấy chồng, thậm chí bà cũng đã từng làm dâu. Vậy nếu khéo léo, em có thể khơi gợi lại những cảm xúc để giúp bà nhìn nhận em một cách tích cực hơn.
Chúc em năm mới bình an!