Biên kịch “Võ Tắc Thiên” phản pháo việc phim sai lịch sử
“Tôn trọng lịch sử là điều quan trọng, nhưng chúng tôi làm phim không nhất thiết phải sao chép hoàn toàn lịch sử” – Biên kịch phim “Võ Tắc Thiên” bày tỏ.
Phim truyền hình Võ Tắc Thiên (Võ Mỵ Nương truyền kỳ) được phát sóng trên đài truyền hình Hồ Nam – Trung Quốc đã đi đến những tập cuối cùng. Song, với số đông khán giả màn ảnh nhỏ, nội dung phim vẫn chưa giải quyết được những vướng mắc cần thiết quanh các nhân vật Võ Mỵ Nương (Phạm Băng Băng), Lý Thế Dân (Trương Phong Nghị) và Lý Trị (Lý Trị Đình). Nói về những tranh cãi ồn ào quanh Võ Tắc Thiên, biên kịch Phan Phác đã chia sẻ thẳng thắn và đầy tâm huyết.
Phan Phác - Biên kịch phim truyền hình "Võ Tắc Thiên"
Trước khi phát sóng, nhà sản xuất "Võ Tắc Thiên" tiết lộ là phim có độ dài 80 tập, nội dung chia thành nhiều thời kỳ quanh nhân vật Võ Tắc Thiên – Võ Mỵ Nương. Vậy mà hơn 50 tập phim, phim vẫn chỉ quanh quẩn quanh Mỵ Nương và Lý Thế Dân, chưa thấy mở rộng sang các thời kỳ khác. Đó có phải là cốt truyện quá chậm không thưa ông?
Tôi lại không cảm thấy nhịp phim quá chậm, ngược lại có những đoạn cao trào rất dữ dội và mạnh mẽ. Bộ phim Võ Tắc Thiên chủ yếu nói về giai đoạn đầu của Mỵ Nương, khai thác đời sống tình cảm của nhân vật có thực trong lịch sử này. Tất cả mọi người đều biết Võ Tắc Thiên là một bà Hoàng vĩ đại, những giai thoại về Võ Tắc Thiên khi làm Hoàng đế đã quá quen thuộc với mọi người. Thế nên tôi mới tạo ra một phiên bản Võ Tắc Thiên tình cảm, chứa nhiều tình tiết về hậu cung mà có thể mọi người chưa biết đến.
Phạm Băng Băng và bạn diễn Trương Phong Nghị trong một cảnh phim chiến trường của "Võ Tắc Thiên"
Như vậy thì có phải "Võ Tắc Thiên" đã hư cấu lịch sử quá nhiều không?
Võ Mỵ Nương nhập cung khi mới 14 tuổi, lúc ấy vẫn còn là một thiếu nữ ngây thơ, trong sáng. Về sau, cô ấy mới trở nên nhẫn tâm và mạnh mẽ hơn, tất cả cũng chỉ vì thời cuộc đẩy đưa. Tôi thật sự không hiểu nổi tại sao mọi người lại chê bai đoàn phim chúng tôi về những tình tiết này. Mọi người đã biết đến quá nhiều những câu chuyện về anh hùng, cần phải có nhiều hơn những bộ phim khai thác khía cạnh tình cảm để cân bằng cuộc sống chứ.
Khán giả cho rằng "Võ Tắc Thiên" hư cấu lịch sử quá nhiều
Nhưng ông cũng không thể phủ nhận những bình luận chê bai phim nhạt nhẽo vì làm sai lịch sử chứ?
Từ lúc Mỵ Nương nhập cung cho đến khi vào chùa làm ni cô là hơn 12 năm, lịch sử rất ít tài liệu ghi chép về chuyện gì đã xảy ra. Rõ ràng đã có một khoảng trống rất lớn về Võ Mỵ Nương, ngoài những thuyết được mọi người lưu truyền như trị ngựa dữ, được vua Lý Thế Dân đặt tên thì ai biết được cô ấy đã sống như thế nào.
Tôn trọng lịch sử là điều quan trọng, nhưng chúng tôi làm phim không nhất thiết phải sao chép hoàn toàn lịch sử. Tôi đã viết nên kịch bản phim Võ Tắc Thiên với những hoài nghi về khoảng thời gian trống này với liên tưởng logic của riêng tôi. Tất nhiên nó phù hợp với truyền thuyết lưu truyền trong dân gian và cả những diễn biến chính của lịch sử đời Đường.
Biên kịch Phan Phác đã mạnh mẽ bác bỏ những chỉ trích của khán giả về những lùm xùm xung quanh bộ phim
Có khán giả phàn nàn rằng chuyện tình giữa Võ Mỵ Nương và Lý Trị trên phim quá ít tình tiết. Ông nghĩ sao về vấn đề này?
Có những bộ phim truyền hình chỉ có độ dài 30 hay 20 tập. Võ Tắc Thiên của chúng tôi dành hơn 20 tập cho mối quan hệ giữa Mỵ Nương và Lý Trị thì có gì không phù hợp đâu? Tôi nghĩ rằng, trong bộ phim này, tuyến vai của Lý Trị và Mỵ Nương đã dàn trải suốt 80 tập, họ chứng kiến từ đầu đến cuối, họ là nhân vật trọng tâm của Võ Tắc Thiên
Vậy còn ý kiến cho rằng “Võ Tắc Thiên” giống “Chân Hoàn truyện” thì sao?
Bản thân tôi lại nghĩ khác, những tài liệu lịch sử mà tôi có được thể hiện rằng cuộc chiến hậu hậu cung ở các thời kỳ khá giống nhau. Tất cả các phi tần làm tất cả mọi thứ chỉ để lấy lòng Hoàng đế, và dĩ nhiên chuyện hãm hại lẫn nhau là điều không tránh khỏi. Tôi chưa từng xem Chân Hoàn Truyện nhưng có nghe bạn bè nhận xét rằng đây là một bộ phim truyền hình về hậu cung rất hấp dẫn.
Biên kịch của "Võ Tắc Thiên" cũng cho rằng việc các tình tiết cung đấu trong "Võ Tắc Thiên" và "Chân Hoàn truyện" giống nhau là bình thường