Nói lương thưởng ở nước ngoài trả đúng hạn và rõ ràng hơn Việt Nam, chàng công sở hứng trọn gạch đá vì lý do này
Phiến diện một chiều là thứ mà nhiều người trẻ công sở hay mắc phải và điều này làm ảnh hưởng không ít đến thái độ của họ đối với công việc.
Đầu năm đối với dân công sở là thời điểm vô cùng thích hợp để nhảy việc. Bởi như ông bà ta nói, năm mới luôn mang đến những điều mới mẻ và để bắt đầu gây dựng một thứ gì đó, đây là thời điểm không thể thích hợp hơn. Bên cạnh đó, sau khi những công việc của năm cũ đã được hoàn thành, đồng thời những khoảng thưởng cuối năm cũng đã được nhận đủ; chẳng còn điều gì có thể níu kéo, làm dân công sở lưu luyến.
Nhảy việc đồng nghĩa với việc bước vào một môi trường mới với những con người mới. Điều này dễ khiến người ta nảy sinh những hồi tưởng và so sánh với môi trường công ty cũ. Đơn cử, vừa mới đây, trong một hội nhóm quy tụ đông đảo thành viên là dân công sở, một chàng trai cũng đã có dịp “khai bút” đầu năm khi chia sẻ về những bất cập của môi trường làm việc ở Việt Nam sau khi chuyển sang công tác ở Canada được 7 tháng. Cụ thể, chàng công sở bộc bạch:
“Không biết có nên nói ra quan điểm chia sẻ về làm việc của mình không nhỉ? Đây là tâm sự của mình sau 7 tháng đi làm ở Canada.
Mình sinh năm 1996 và đã tốt nghiệp trường ĐH Kinh Tế - TPHCM và đã có IELTS 6.0. Mình thấy rằng có một số công ty tư nhân Việt Nam hay chèn ép. Nghĩa là lương 1 đằng nhưng nhận 1 nẻo và có hỏi thắc mắc thì bên HR nói là để tạo ấn tượng cho người xin việc vào làm mà thôi chứ không nhắc đến vụ KPI hay khoảng hoa hồng gì cả.
Có những lúc phải nhảy việc các công ty vì tiền lương đi làm không đủ để chi trả sinh hoạt phí ở Sài Gòn. Sau 3-4 năm đi làm và nhảy việc thì nhà mình mới nhận tin từ đại sứ quán Canada và chuẩn bị đi phỏng vấn hoàn thiện hồ sơ để định cư nước ngoài.
Khi sang Canada vào tháng 12, mình được 1 người bác giúp xin việc làm tại Canada cũng liên quan ngành Finance. Mặc dù hơi bỡ ngỡ nhưng sau những tháng đi làm ở Canada mình thấy rằng, đi làm ở đây còn quá tốt hơn nhiều khi còn làm việc ở Việt Nam (Vì nhiều công ty Việt Nam phốt nhiều quá, nào là quỵt lương, nào là ăn chặn của nhân viên mới, nào là quên quỹ lương v.v...).
Lương bên Canada đủ sống và còn dư ra 1 chút. Mình cảm nhận bên này lương được trả đúng hạn (15 ngày là nhận lương rồi mà chính xác từng thời gian nữa), lương tính theo giờ vì tính theo giờ mình mới đúng được số lương hàng tháng bao nhiêu và có nên tăng ca không để thêm tiền, có giấy ghi số giờ làm + lương quy định có trên mức Minimum Wage để còn so sánh (Còn ở Việt Nam thì tính theo tháng mà lúc nào cũng bị thiếu, không đủ gì cả).
Mình kết luận rằng: Đi làm ở nước ngoài dù lương đủ sống + dư ra 1 chút sẽ tốt hơn là phải nhảy việc giữa các công ty. Mình học được rằng, nếu 1 quốc gia mà nhân viên cứ bóc phốt liên tục về vấn nạn lương sẽ rất ảnh hưởng đến năng suất cũng như chất lượng sản phẩm của cả quốc gia nói chung vì nhân viên vừa tốn thời gian vừa mất thêm thời gian thích nghi chỗ làm khác.
Thay vì dành thời gian tìm phốt của công ty tại Việt Nam thì bên nước ngoài, quản lý và sếp cùng nhân viên tìm cách nâng cao chất lượng sản phẩm và phát triển ý tưởng. Mình cũng mong muốn Việt Nam hạn chế nhiều vụ "khôn lỏi" trong môi trường làm việc để còn cải thiện chất lượng cũng như năng suất”.
Sau khi được đăng tải cách đây chưa lâu, những dòng tâm sự của chàng công sở nhanh chóng thu hút được sự chú ý của cộng đồng mạng. Rất nhiều bình luận bày tỏ ý kiến chỉ trích sự thiếu chín chắn, phiến diện, một chiều trong quan điểm của của chàng công sở đã được để lại bên dưới:
“Em sinh năm 1996 mà đã tốt nghiệp ra trường đi làm được 3-4 năm rồi cơ à? Có thật 3 - 4 năm thì cũng chưa nhiều lắm đâu, vẫn còn thiếu kinh nghiệm lắm nên có chăng là tích luỹ thêm xem mọi việc có khác không em nhé”.
“Không phải công ty Việt Nam nào cũng tệ, mà những công ty tệ thường là công ty gia đình, nơi toàn những người không có khả năng lại được làm lãnh đạo”.
“Em mới đi làm không lâu và cũng không nhiều công ty sao đã vội vã kết luận thế? Em có cái nhìn quá thành kiến về công ty Việt Nam. Điều kiện sinh sống và làm việc ở nước ngoài ít nhiều trội hơn so với ở Việt Nam, nhưng em cũng đừng vội vàng quy chụp quơ đũa cả nắm như vậy”.
Tâm lý so sánh là thứ dễ dàng nảy sinh khi chúng ta bước vào một môi trường mới. Tuy nhiên, “sống trong chăn mới biết chăn có rận”, thời gian 7 tháng không quá ngắn nhưng cũng chẳng quá dài để những vấn đề phát sinh khiến chúng ta có cái nhìn tổng thể về văn hoá cũng như câu chuyện của một doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, việc dựa vào một vài công ty để đánh đồng cả một môi trường là điều chưa thật sự thấu đáo và hợp lý bởi dễ khiến chúng ta có cái nhìn phiến diện một chiều. Mỗi môi trường đều có ưu điểm riêng, vấn đề nằm ở việc chúng ta hợp với môi trường nào để có thể cống hiến hết bản thân mình.