Những đối tượng có khả năng bị đa nang buồng trứng

BS. Hoa Hồng,
Chia sẻ

Đa nang buồng trứng là một loại rối loạn nội tiết thường gặp nhất ở mọi phụ nữ trong độ tuổi sinh sản.

Theo em được biết thì bệnh đa nang buồng trứng có ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe và khả năng làm mẹ của người phụ nữ. Bệnh này cũng khá phổ biến, nhiều người mắc phải. Em chuẩn bị kết hôn nhưng chưa đi khám phụ khoa nên cũng rất lo lắng cho sức khỏe của mình. Bác sĩ cho em hỏi, những ai có nguy cơ cao bị đa nang buồng trứng và bệnh có những biểu hiện dễ nhận thấy như thế nào? Mong bác sĩ tư vấn giúp em. Em xin cảm ơn! (T. Thư)

Trả lời:

Đa nang buồng trứng là một loại rối loạn nội tiết thường gặp nhất ở phụ nữ độ tuổi sinh sản. Hội chứng này có thể dẫn đến sự mất cân bằng của homrone adrogen, tác động đến mọi cơ quan trong cơ thể, ảnh hưởng đến kinh nguyệt và khả năng sinh sản của người phụ nữ. Tuy chưa khẳng định nhưng các nhà khoa học tin rằng nguyên nhân gây ra rối loạn này có thể do gen vì những người có tiền sử gia đình mắc bệnh này sẽ có nguy cơ bị bệnh cao hơn. Đa nang buồng trứng có thể gặp ở phụ nữ mọi độ tuổi, càng trẻ hay càng lớn tuổi thì khả năng ác tính càng dễ gặp. Phụ nữ ít con hay độc thân có khả năng bị bệnh ở buồng trứng cao hơn nhiều so với người có sinh con, hay nuôi con bằng sữa mẹ.

Những đối tượng có khả năng bị đa nang buồng trứng 1
Đa nang buồng trứng là một loại rối loạn nội tiết thường gặp nhất ở mọi phụ nữ trong độ tuổi sinh sản. Ảnh minh họa

Triệu chứng thường gặp nhất của bệnh đa nang buồng trứng là thường thấy là rối loạn kinh nguyệt (kinh thưa hay vô kinh); tăng hoạt động của nội tiết tố nam (rậm lông, béo phì chủ yếu vùng bụng, mụn mặt, hói đầu kiểu nam giới,...) và siêu âm có hình ảnh buồng trứng đa nang. Phụ nữ được chẩn đoán là hội chứng buồng trứng đa nang khi có 2 trong 3 nhóm triệu chứng trên.
 
Vì hội chứng này tác động đến nhiều hệ thống cơ quan cho nên người bị đa nang buồng trứng nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến nguy cơ mắc một số bệnh như: rối loạn kinh nguyệt dẫn đến bệnh ở nội mạc tử cung; kháng insulin hay gặp khó khăn trong điều hòa mức đường huyết tăng nguy cơ bị bệnh tiểu đường, béo phì...

Để giữ sức khỏe của mình tốt nhất, kể cả sức khỏe sinh sản, bạn cần duy trì một chế độ ăn lành mạnh và thường xuyên vận động, tập thể dục... để giúp giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh hoặc xảy ra các biến chứng.

Bạn không nên lo lắng quá, thay vào đó hãy đi khám để chuẩn bị sức khỏe tốt nhất, nhất là sức khỏe sinh sản để đảm bảo khả năng thụ thai tốt sau khi kết hôn.

Chúc bạn vui khỏe!
Chia sẻ