Nhiều người vẫn làm cách này để loại bỏ vi khuẩn trên thực phẩm nhưng thực tế lại không có tác dụng
Để loại bỏ hóa chất trên thực phẩm, không ít bà nội trợ áp dụng các biện pháp vô cùng đơn giản là ngâm chúng vào nước muối hoặc nước vo gạo.
Tuy nhiên theo nhiều chuyên gia việc ngâm rau của quả vào nước muối hay nước vo gạo chỉ giải pháp tâm lý giúp người tiêu dùng yên tâm hơn, còn thật sự có loại được các độc tố ra khỏi các loại rau không lại là vấn đề khác.
Ngâm rau cho yên tâm
Chuyện rau củ quả nhiễm hóa chất đang trở thành nỗi lo lắng thường trực của nhiều người tiêu dùng. Vì thế làm thế nào để an toàn cho sức khỏe mỗi gia đình khi ăn uống là điều ai cũng quan tâm.
Cùng trong tâm trạng đó, bác Trần Thị Ngọc (phường Minh Khai, Hai Bà Trưng) cho biết bây giờ ăn rau, của quả, thịt, cá nhiều cũng sợ. Mỗi lần mua rau hay thịt về bác đều tự ngâm vào nước muối hoặc nước vo gạo để loại bỏ hóa chất cho yên tâm. Tuy không biết điều này có đúng không nhưng thấy mọi người nói là có tác dụng nên bác cũng làm theo cho yên tâm. Để chắc chắn rau hoặc thịt cá loại bỏ hóa chất tuyệt đối, bác thường ngâm rau trong nước muối hay nước vo gạo khoảng 1 giờ đồng hồ sau đó vớt ra để cho rau loại bảo các độc tố, ngâm càng lâu càng tốt.
Tuy nhiên, theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, giảng viên khoa Công nghệ Thực phẩm, Đại học bách khoa Hà Nội thì đây là thói quen sai lầm. Ngâm rau, quả vào nước muối không những không làm mất đi những chất có hại cho sức khỏe mà còn giữ lại áp suất thẩm thấu. Nước muối gần như không có tác dụng trong việc loại trừ thuốc trừ sâu, hóa chất bảo quản trong thực phẩm.
Nhiều người tiêu dùng có lối suy nghĩ nước muối để diệt vi khuẩn ở thịt, cá để lâu, hơi có mùi hoặc ngâm rau củ quả khi mua ngoài chợ. Việc làm này chỉ có tác dụng gây ức chế hoặc diệt vi khuẩn ở một chừng mực nhất định chứ không phải tất cả. Riêng về các hóa chất thuốc trừ sâu, ngâm nước muối không có tác dụng như nhiều người lầm tưởng.
Nước muối hay nước vo gạo không loại bỏ được hóa chất
Theo Ông Đỗ Thanh Bái - Phó chủ tịch Hội đồng trách nhiệm xã hội tự nguyện của các doanh nghiệp hóa chất (trả lời trên chương trình Cuộc sống thường ngày – VTV): Sử dụng muối là phương pháp truyền thống và tốt cho việc loại bỏ vi khuẩn, nhưng để loại bỏ hóa chất là không chắc chắn. Việc dùng chanh trong chừng mực nào đó sẽ hỗ trợ cho quá trình phân hủy hóa chất bằng cách thay đổi môi trường.
Kỹ sư hóa thực phẩm Hồ Thị Thu Thủy cũng có quan điểm nước muối không thể giúp loại trừ dư lượng hóa chất thuốc bảo vệ thực phẩm trên rau củ. Thậm chí nếu ngâm bằng nước muối quá đặc, trong thời gian dài dễ làm rau bị nát, mất ngon, thậm chí khiến các chất bẩn thẩm thấu ngược lại. Trong khi đó, nước muối chỉ có tác dụng sát khuẩn, chứ không thể loại bỏ được hoàn toàn hóa chất.
Bên cạnh đó, rất nhiều bà nội trợ vẫn áp dụng để làm sạch và khử độc rau quả bằng nước vo gạo vì cho rằng nước vo gạo có khả năng làm sạch chính là nhờ nhóm vitamin B như B1, B12… kèm theo đó, các tính chất khác của gạo cũng được hòa tam trong nước gạo giúp cho nước này trở thành một dạng dung môi có khả năng hòa tan tốt khư độc rất tốt trong việc ngâm rau quả.
Theo KS Thủy, nước vo gạo chỉ có tác dụng hòa tan hoặc làm sạch một phần nào đó nếu trên rau củ quả chỉ có một hàn lượng nhỏ chất bảo vệ thực vật mà không gây độc cấp tính. Khi rau củ quả tồn dư hóa chất cao và đã ngấm vào trong thì nước gạo không có tác dụng loại bỏ. Thực chất việc ngâm này chỉ mang tính tâm lý.
Tuy nhiên, lưu ý khi sử dụng nước vo gạo ngâm rau chúng ta nên để nước vo gạo lên men sẽ tác dụng nhiều hơn. Bởi khi nước vo gạo sau khi lên men sẽ chuyển hóa tinh bột và vitamin B1 thành axit lactic nên có khả năng khử cao, tác dụng mạnh hơn. Vì thế, không chỉ rửa rau mà dùng để rửa bát đĩa, vệ sinh các đồ dùng cũng sẽ tốt hơn. Sau khi rửa thực phẩm, các đồ dùng xong cần rửa lại bằng nước sạch hoặc không dùng cho những thực phẩm dễ bám mùi như thịt, cá… bởi của nước vo gạo khi lên men chính là mùi chua gây khó chịu.
Sử dụng nước chảy trực tiếp lên thực phẩm để loại bớt hóa chất
Thực tế, đối với các hóa chất nằm trong thực phẩm, việc loại bỏ là rất khó. Do đó, để có thể loại bỏ tối đa hóa chất trong thực phẩm, nên để thực phẩm dưới ánh nắng mặt trời trong một khoảng thời gian nhất định để hóa chất được phân hủy; đun sôi thực phẩm.
Để loại bỏ các độc tố bên ngoài thực phẩm, cách tốt nhất là rửa chúng trực tiếp dưới vòi nước máy, dùng nước lạnh tốt hơn. Với các hoa quả hay rau củ mềm thì nên chà xát nhẹ nửa phút đến một phút, tránh mạnh tay kẻo rau củ bị nát.
Tuyệt đối không dùng xà phòng, chất tẩy rửa, chất tẩy trắng khi làm sạch thực phẩm bởi các chất này có thể xâm nhập vào thực phẩm. Không có gì có thể đảm bảo các chất này giúp làm cho trái cây và các loại rau sạch hơn cách thức rửa khác. Với các loại hoa quả sau khỉ rửa sạch dùng khăn giấy sạch để lau khô trái cây nhằm loại bỏ các vi khuẩn còn sót lại sau khi rửa.