Nguy cơ sức khỏe chị em phải đối mặt khi ở tuổi "đã toan về già"
Những thay đổi nội tiết tố trong thời kỳ mãn kinh cũng có thể làm cho bạn dễ bị rối loạn và mắc bệnh hơn.
"Estrogen bảo vệ một số hệ thống trong cơ thể, ví dụ như não, da, âm đạo, xương, tim. Một khi lượng estrogen giảm, tác động lão hóa sẽ diễn ra sâu sắc trên tất cả các hệ thống, đặc biệt là tim và xương", Michelle Warren, tiến sĩ Y khoa, giám đốc Trung tâm về Mãn kinh, Rối loạn Nội tiết và Sức khỏe Phụ nữ tại New York giải thích.
Và đây là 8 vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe mà chị em tuổi này rất dễ mắc phải.
1. Bệnh tiểu đường
Bệnh tiểu đường đã đạt tới mức đại dịch ở Mỹ, với tỷ lệ tăng gần gấp ba lần ở những người trưởng thành trong vòng 30 năm qua, theo dữ liệu của CDC từ 1980-2011, trong đó số phụ nữ được chẩn đoán đã tăng 103%. Và những con số nãy sẽ tiếp tục tăng lên khi chúng ta già đi. Tỷ lệ người Mỹ được chẩn đoán mắc bệnh tiểu đường nhảy từ con số 1,6% ở lứa tuổi dưới 44 tuổi lên thành 12,2% ở lứa tuổi 45-64 (thời kỳ mãn kinh có xu hướng xảy ra khoảng 51 tuổi).
Thay đổi nội tiết tố và những ảnh hưởng của lão hóa đã âm thầm làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường sau thời kỳ mãn kinh. "Hàm lượng estrogen thấp có thể tăng đề kháng insulin và kích hoạt cảm giác thèm ăn, từ đó dẫn đến tăng cân, và tất nhiên đó là cơ hội cho bệnh tiểu đường phát triển", Tiến sĩ Warren cho biết. Bạn đặc biệt dễ bị tổn thương nếu đã có các yếu tố nguy cơ như khuynh hướng di truyền bệnh tiểu đường, tiền sử Hội chứng buồng trứng đa nang (liên quan đến kháng insulin), tiểu đường thai kỳ, hoặc bị thừa cân. Hiệp hội Tiểu đường Hoa Kỳ khuyến cáo việc kiểm tra sức khỏe mỗi 3năm, bắt đầu từ tuổi 45, đặc biệt là với những người bị thừa cân.
Những cơn nóng bừng, đổ mồ hôi ban đêm, và chứng đãng trí chưa phải là tất cả khi chị em đến thời kì mãn kinh. Ảnh minh họa
2. Rối loạn tự miễn
Phụ nữ có nhiều khả năng bị rối loạn miễn dịch hơn so với nam giới, đặc biệt đối với những phụ nữ sau mãn kinh. Nguy cơ phát triển các chứng bệnh liên quan đến tự miễn như lupus, viêm khớp dạng thấp, bệnh Graves', xơ cứng bì, viêm tuyến giáp tăng lên sau độ tuổi mãn kinh, theo Expert Review of Obstetrics and Gynecology, mặc dù lý do đến nay vẫn còn là ẩn số.
Một số nghiên cứu gần đây đã chỉ ra rằng, một nhóm nhỏ các tế bào miễn dịch bơm ra các kháng thể và các kháng thể này bám và tấn công các mô trong cơ thể. "Ngoài ra còn có một số bằng chứng cho thấy estrogen bảo vệ chúng ta khỏi các bệnh tự miễn trước khi mãn kinh", theo Tiến sĩ Warren. Trong thực tế, một nghiên cứu lớn đã cho thấy nguy cơ phát triển bệnh viêm khớp dạng thấp ở phụ nữ đạt đỉnh trong độ tuổi từ 50 đến 54, khi lượng estrogen thườnggiảm mạnh.
3. Đau khớp
Triệu chứng xơ cứng, đau nhức các khớp xảy ra thường xuyên hơn cùng với tuổi tác, nhưng có xu hướng tăng vọt tại ngay giai đoạn mãn kinh, theo Hiệp hội Mãn kinh Bắc Mỹ. Nguyên nhân có thể là do tình trạng viêm gây ra bởi những thay đổi về nội tiết tố.
"Estrogen có tác dụng chống viêm, vì vậy khi cơ thể bị thiếu estrogen, phản ứng viêm sẽ xảy ra nhiều hơn", Tiến sĩ Warren giải thích. Nếu giả thuyết rằng mối liên hệ giữa lượng estrogen và chứng viêm là đúng trên thực tế, liệu pháp thay thế hormone xem ra có thể làm giảm các cơn đau khớp.
4. Viêm gan C
Viêm gan siêu vi C, chứng bệnh nhiễm trùng máu mãn tính phổ biến nhất ở Mỹ, có liên quan tới tình trạng mãn kinh, theo một nghiên cứu đăng trên tạp chí Menopause. Các nhà nghiên cứu từ Trung tâm Y tế Montefiore và Trường Y khoa Albert Einstein tại New York cho biết, phụ nữ sau mãn kinh có nhiều khả năng bị nhiễm viêm gan C dai dẳng (kéo dài từ 6 tháng trở lên). Các chuyên gia y tế ngờ rằng estrogen có tác dụng bảo vệ cơ thể chống lại các tổn thương gan, một trong những hậu quả của nhiễm virus mãn tính, vì vậy khi chúng ta sản xuất ít nội tiết tố hơn, cơ thể sẽ mất đi sự bảo vệ đó và virus dễ dàng gây hại nhiều hơn.
Các yếu tố gia tăng nguy cơ đối với bệnh viêm gan C bao gồm: dùng chung kim tiêm, châm cứu, xăm mình, xỏ lỗ; và dùng chung dao cạo râu, dụng cụ làm móng, bàn chải đánh răng… Các triệu chứng của bệnh viêm gan C bao gồm: mệt mỏi, sốt, nhức đầu, chán ăn, buồn nôn, đau bụng và đau khớp.
Những thay đổi nội tiết tố trong thời kỳ mãn kinh cũng có thể làm cho bạn dễ bị rối loạn và mắc bệnh hơn. Ảnh minh họa
5. Bệnh gout (gút)
Gout, một loại viêm khớp, là chứng bệnh liên quan đến mức độ acid uric cao trong máu, có thể hình thành các tinh thể hình kim kích hoạt cơn đau đột ngột, dữ dội, các vết đỏ, nóng và sưng ở các khớp. Trước thời kỳ mãn kinh, estrogen giúp thận bài tiết axit uric; sau khi mãn kinh, khi hàm lượng estrogen giảm xuống, nồng độ axit uric có xu hướng tăng lên. Có thể sẽ mất tới vài năm để đạt đến điểm mà các tinh thể gây ra đau đớn.
6. Nhiễm trùng đường tiết niệu
Estrogen đóng một vai trò khá quan trọng trong hệ thống tiết niệu, giúp duy trì các mô đàn hồi và tăng cường các tế bào của thành bàng quang, từ đó giúp ngăn ngừa vi khuẩn. Một khi nồng độ estrogen giảm đi, bạn sẽ phải đối mặt với nguy cơ mắc các triệu chứng tiết niệu nhất định, bao gồm cả nguy cơ cao bị nhiễm trùng đường tiết niệu (UTIs).
Một nghiên cứu năm 2013 từ Trường Đại học Y Washington đã kết luận rằng UTIs trở nên phổ biến hơn sau thời kỳ mãn kinh, với một phần tư phụ nữ bị nhiễm trùng tái phát, và điều trị estrogen tại chỗ có thể giúp ngăn ngừa bệnh mà không có rủi ro đi kèm. Để tiếp tục hạ thấp nguy cơ này, hãy uống nhiều nước và vệ sinh sạch sẽ trước và sau khi quan hệ tình dục.
7. Chứng teo âm đạo
Không có estrogen, thành âm đạo có thể trở nên mỏng, khô và bị viêm, đây chính là chứng teo âm đạo. Các triệu chứng đi kèm bao gồm: âm đạo rát, ngứa, đau đớn khi quan hệ tình dục, cộng với tiểu gấp và đi tiểu đau.
Mặc dù Hiệp hội Mãn kinh Bắc Mỹ xem xét các triệu chứng này như một phần tự nhiên của quá trình lão hóa, bởi ít nhất 1/3 số phụ nữ sẽ phải đối mặt với bệnh sau khi mãn kinh, nhưng nó có thể trở nên tồi tệ hơn nếu không được điều trị. Cho tới hiện tại đã có một số biện pháp được FDA phê chuẩn.
(Nguồn: Prevention)