Người phụ nữ hốt hoảng đến bệnh viện sau khi ăn 3 cái bánh ú tro: Tết Đoan Ngọ, ăn bánh ú tro thế nào mới tốt?
Thông qua tìm hiểu thói quen sinh hoạt, bác sĩ Ngô Long được biết đêm hôm trước cô Tần ăn 3 cái bánh ú tro nhân đậu đỏ.
Trong dịp Tết Đoan ngọ, bánh ú tro là một món ăn không thể thiếu của nhiều địa phương. Nhưng đừng ai ăn bánh tro như kiểu của cô Tần sống tại Hồ Bắc, Trung Quốc để rồi suýt ảnh hưởng đến tính mạng. Cô Tần có tiền sử mắc bệnh tiểu đường hơn 1 năm nay. Cuối tháng 5, cô Tần đến bệnh viện tái khám. Bác sĩ Ngô Long, khoa nội tiết, bệnh viện Hubei Zhongshan Hospital, chẩn đoán chỉ số đường huyết của bệnh nhân vẫn ở mức ổn định.
3 ngày trước, cô Tần đến bệnh viện nhận thuốc hạ đường huyết. Sau khi uống thuốc, cô Tần phát hiện khi bụng rỗng, chỉ số đường huyết lên đến 12mmol/L. Cô Tần hoài nghi thuốc giả nên đến bệnh viện nhờ bác sĩ tư vấn.
Bác sĩ Ngô Long kiểm tra thành phần thuốc và xác nhận thuốc hạ đường huyết mà cô Tần uống là thuốc chính hãng. Thông qua tìm hiểu thói quen sinh hoạt, bác sĩ Ngô Long được biết đêm hôm trước cô Tần ăn 3 cái bánh ú tro nhân đậu đỏ. Khi gần ngủ, chỉ số đường huyết tăng lên 23mmol/L khiến cô Tần lo lắng. Cô đã uống thuốc hạ đường huyết nhưng đến sáng hôm sau mức đường huyết vẫn không giảm.
Bác sĩ Ngô Long cho biết: "Bánh ú tro có thành phần chính là gạo nếp, đây là thực phẩm có chỉ số đường huyết cao, cộng thêm nhân đậu ngọt khiến chỉ số đường huyết của bệnh nhân tăng đột biến.
Người mắc bệnh tiểu đường nên chọn bánh ú tro không nhân hoặc làm từ khoai. Nên hạn chế ăn bánh ú tro nhân mặn chứa nhiều dầu mỡ. Mỗi lần ăn không quá 50g. Đồng thời nên giảm thiểu lượng thức ăn trong bữa chính, bánh ú tro nên ăn kèm với rau xanh sẽ có tác dụng giảm đường huyết trong máu. Những bệnh nhân có chỉ số đường huyết hơn 10mmol/L nên hạn chế ăn bánh ú tro".
Trong dịp Tết Đoan ngọ, mọi người nên ăn bánh ú tro thế nào để tốt cho sức khỏe và không tăng cân? Cách tốt nhất là để giảm gánh nặng cho hệ tiêu hóa là chúng ta ăn bánh ú tro với trái cây, rau xanh hoặc uống trà.
1. Ăn bánh ú tro với trái cây
Trái cây có hàm lượng nước và chất xơ dồi dào, có tác dụng hỗ trợ hệ tiêu hóa. Khi ăn bánh ú tro nhân mặn, bạn nên ăn kèm với đu đủ, dứa sẽ "áp đảo" vị ngấy của dầu mỡ. Ăn bánh ú tro với vỏ quýt, táo gai giúp tăng cảm giác ngon miệng, giảm tích mỡ ở bụng; ăn với chuối giúp nhuận tràng, hỗ trợ điều trị đối với người bệnh táo bón.
2. Ăn bánh ú tro uống trà
Trà có tác dụng giảm ngấy dầu mỡ trong miệng. Tùy theo loại bánh ú tro bạn có thể kết hợp với nhiều loại trà khác nhau. Nếu ăn bánh ú tro không nhân, bạn nên uống trà hoa hồng kèm theo 1 viên ô mai để tăng hương vị. Nếu ăn bánh ú tro nhân ngọt, bạn nên uống trà xanh thúc đẩy chuyển hóa carbohydrate. Nếu ăn bánh ú tro nhân mặn, bạn nên uống trà Phổ Nhĩ giúp hỗ trợ giảm mỡ.
3. Ăn bánh ú tro kèm rau xanh
Rau xanh có tác dụng tăng nhu động ruột, thúc đẩy hệ tiêu hóa vận hành hiệu quả. Chẳng hạn rau dền có tính ngọt mát, giúp thanh nhiệt giải độc, ăn rau dền trước hoặc sau Tết Đoan ngọ đều rất tốt đối với sức khỏe.
Điều cấm kỵ khi ăn bánh ú tro trong dịp Tết Đoan ngọ:
1. Bảo quản quá lâu
Bánh ú tro không nên bảo quản trong thời gian dài để tránh hư hỏng, nấm mốc. Thời gian bảo quản tốt nhất là 3 - 4 ngày, ăn khi còn nóng. Nơi để bánh ú nên được để ở nơi râm mát, thông gió.
2. Không ăn bánh chưa chín
Bạn nên ăn bánh ú tro đã được nấu chín, bởi nếu không sẽ ảnh hưởng không tốt cho hệ tiêu hóa.
3. Không ăn quá nhiều
Thành phần chính của bánh ú tro là gạo nếp không dễ tiêu hóa. Những người mắc bệnh đường ruột nên hạn chế ăn bánh ú tro. Ngoài ra, trẻ con và người già có hệ tiêu hóa kém cũng nên hạn chế ăn bánh ú tro. Nên tranh thủ ăn khi bánh còn nóng, bởi nếu bánh để nguội lạnh thì không tốt cho hệ tiêu hóa.
Theo Kknews