Mới 35 tuổi xương đã “xốp như tổ ong”, ho 1 cái gãy đôi xương đùi vì quá mê loại nước uống quen thuộc
Nếu cho rằng loãng xương, gãy xương khi vận động nhẹ, ho hay hắt hơi chỉ xảy ra ở người già thì bạn đã lầm!
Một người đàn ông họ Cung (Phúc Kiến, Trung Quốc) bị gãy xương đùi nghiêm trọng sau một cơn ho dù mới 35 tuổi. Theo anh Cung kể lại, gần đây mình bị cảm lạnh nhưng không muốn uống thuốc nên cứ ho và sổ mũi dai dẳng không khỏi. Buổi tối hôm đó, anh ăn đồ hơi lạnh nên càng ho dữ dội. Trong một lần ho, anh đột nhiên cảm thấy đau nhói ở đùi trái. Anh cho rằng mình bị chuột rút nên không quá quan tâm, cố gắng nén đau và đi ngủ.
Đến nửa đêm, anh Cung bị giật mình tỉnh giấc vì cơn đau ở đùi. Anh phát hiện ra mình không thể đi lại được nhưng cố chờ đến trời sáng hẳn rồi nhờ người nhà đưa đi bệnh viện. Kết quả chụp X-quang tại Bệnh viện Nhân dân số 2 Phúc Kiến (Trung Quốc) khiến anh Cung sốc nặng: Xương đùi trái của anh bị gãy làm hai mảnh chỉ vì một cái ho.
Bác sĩ Đông Trung, Trưởng khoa Chấn thương và Chỉnh hình của bệnh viện cho biết anh Cung bị gãy xương bệnh lý, xảy ra do loãng xương sớm rất nghiêm trọng. Dù mới 35 tuổi nhưng xương của anh Cung được bác sĩ nói vui là “xốp như tổ ong”, khối lượng xương tương đương với một cụ già 80 tuổi.
Loãng xương đặc trưng bởi sự suy giảm mật độ xương và cấu trúc vi mô của xương, làm cho xương trở nên yếu và dễ gãy. Ở người bị loãng xương, xương mất đi sự chắc chắn, mật độ xương giảm và cấu trúc xương trở nên xốp hơn so với người bình thường và dễ gãy.
Theo bác sĩ Đông Trung: “Ở độ tuổi trưởng thành, gãy xương đùi thường chỉ xảy ra sau những tác động mạnh như tai nạn giao thông hay rơi từ độ cao lớn. Tuy nhiên, trong trường hợp của bệnh nhân, anh bị loãng xương sớm.
Đây là tình trạng loãng xương xảy ra ở độ tuổi trẻ hơn bình thường, thường trước 50 tuổi. Trong khi loãng xương thường xuất hiện ở người cao tuổi, đặc biệt là phụ nữ sau mãn kinh, loãng xương sớm có thể xảy ra ở những người trẻ do các yếu tố lối sống hoặc bệnh lý gây ảnh hưởng đến sức khỏe của xương. Ở bệnh nhân này là do uống quá nhiều nước ngọt có ga”.
Tại sao uống nhiều nước ngọt có ga gây loãng xương sớm?
Cũng theo lời kể của bác sĩ Đông Trung, khi ngồi xe lăn tới bệnh viện anh Cung vẫn cầm theo một chai nước ngọt có ga. Hỏi ra mới biết vài năm qua anh gần như uống nó thay thế cho nước lọc.
Nguyên nhân uống nhiều nước ngọt có ga gây loãng xương được bác sĩ Đông Trung giải thích như sau: “Nước ngọt có ga chứa nhiều photpho và đường. Khi uống quá nhiều, cơ thể sẽ bị mất cân bằng canxi do photpho cản trở sự hấp thụ canxi. Hơn nữa, trong quá trình chuyển hóa đường, cơ thể phải tiêu thụ một lượng lớn khoáng chất quan trọng, bao gồm cả canxi. Điều này buộc xương phải giải phóng canxi để bù đắp, dẫn đến loãng xương và gãy xương”.
Ông cũng cảnh báo rằng ngoài việc gây loãng xương, uống nhiều nước ngọt có ga còn mang đến rất nhiều vấn đề sức khỏe khác. Ví dụ như béo phì, tiểu đường, bệnh tim mạch, gan nhiễm mỡ, tăng nguy cơ mắc ung thư…
Bên cạnh uống nước ngọt có ga quá độ, còn một số thói quen xấu trong lối sống dễ gây loãng xương sớm như: thiếu hụt dinh dưỡng (vitamin D và canxi), lười vận động, hút thuốc, uống nhiều bia rượu, ăn thừa muối… Rối loạn hormone, tác dụng phụ của thuốc hay yếu tố di truyền cũng có thể làm tăng nguy cơ loãng xương. Người mắc một số bệnh mạn tĩnh như cường giáp, viêm khớp dạng thấp, Celiac, Crohn…cũng dễ bị loãng xương do bệnh cản trở hấp thụ canxi.
Nguồn và ảnh: QQ, Health GVM