Ly hôn vì nhà chồng... giàu quá!

,
Chia sẻ

Nhìn dáng vẻ mệt mỏi, tiều tụy, cách ăn Mặc giản dị của chị Kim tại toà Án xử ly hôn quận Đống Đa thì không ai có thể nghĩ chị là con dâu của một gia đình bề thế.

Tại toà, khi vị chủ tọa hỏi lý do ly hôn, chị chỉ nói ngắn gọn "vợ chồng không hợp”, hỏi tiếp không hợp như thế nào thì chị cũng trả lời là "không hợp nhiều thứ, không thể sống chung được, xin toà xử cho ly hôn".

Anh chồng có dáng dấp công tử, bảnh bao cũng đồng ý quan điểm "không hợp và chấp nhận ly hôn". Khi mọi người đã ra về hết, tôi vẫn thấy chị Kim ngồi nán lại, một mình thẫn thờ nhưng nhìn kỹ sẽ phát hiện, các cơ trên mặt chị dãn ra, trông có vẻ suy nghĩ nhiều điều. Tiếp chuyện, tôi mới biết lý do ly hôn là do chị không thể nào chịu đựng nhục nhã cũng như sự xem thường của bên gia đình chồng. Nghe chị kể, tôi nghe như là chuyện lạ có thật. Chị con gái miền Trung chăm chỉ con nhà gia giáo, tốt nghiệp đại học loại ưu và được nhận vào công tác trong một công ty liên doanh tại Hà Nội với mức lương khá.
 
Ngày quen anh Ninh (bây giờ là chồng cũ của chị), biết nhà anh rất giàu nên ban đầu chị e ngại nhưng thấy tình cảm anh chân thành, cộng với quan điểm nhà mình cũng thuộc dạng khá, bản thân cũng tự lập kinh tế nên xem ra cũng không có vấn đề gì nghiêm trọng. Những lần đến chơi nhà, ngoài mẹ anh có vẻ xa cách, kiểu cách của người có tiền, dò xét thì ai cũng vui vẻ. Cô chấp nhận kết hôn với viễn cảnh một tương lai thật sáng lạng và hạnh phúc.
 

 
Niềm vui chưa kịp nhóm đã lụi tàn ngay sau lễ tiếp khách ở nhà hàng. Chiều hôm đó về nhà chồng, mẹ chồng đã gọi lại hỏi chuyện công việc. Cô thật tình trình bày với vẻ rụt rè nhưng cũng không kém phần tự hào. Nhưng lời mẹ chồng như gáo nước lạnh tạt vào mặt, bà yêu cầu cô nghỉ việc để lo chuyện gia đình với lời lẽ của dân...chợ búa "nhà này không có thứ con dâu ra ngoài xã hội làm việc", "nhà này không cần cái loại tiền cô mang về"... Tối trước khi ngủ, cô đã hỏi chồng là có cần dậy sớm để chuẩn bị bữa sáng hay dọn dẹp nhà cửa cùng người giúp việc không. Chồng cô bảo không cần, chỉ cần dậy trước anh vài phút là được. Nhưng (lại nhưng) khi mới gần 6 giờ sáng, khi hai vợ chồng còn đang ngủ, mẹ chồng bỗng bật cửa vào mắng to: "Có cái loại con dâu nào như cô không, cô định để nhà này chết đói để huởng tài sản sao mà giờ chưa dậy chuẩn bị bữa sáng. Cái thứ nhà quê". Cô như không còn tin vào tai mình, nhìn sang chồng để tìm một chút chỗ dựa, anh cũng có vẻ ngỡ ngàng nhưng không nói gì.
 
Khi mẹ đi khuất thì anh mới vỗ vỗ vai vợ bảo tính mẹ thế, hay quát mắng nhưng trong bụng không có ý gì đâu. Bữa ăn sáng đầu tiên tại nhà chồng, Kim đã ăn bát phở hoà nước mắt. Mẹ chồng nói với giúp việc là để "nó" nấu. Tự nhận mình nấu ăn đâu có tệ, thế nhưng vừa ăn đũa đầu tiên, bà dập đũa xuống bàn nói: "Phở nấu kiểu gì thế, nấu cho lợn ăn à, nhà này không có vị phở nhà quê này", rồi quay sang mắng con trai: "Mày ngu lắm con ạ".

Ngày đầu tiên về làm dâu cô đã cảm thấy nhục nhã và ê chề, dự đoán một địa ngục trần gian trong những chuỗi ngày sắp tới. Quả thật, hai ngày sau thì mẹ chồng cho bà giúp việc nghỉ. Thế là cô trở thành ô sin không công cho nhà chồng, đầu tắt mặt tối nhưng cũng không vừa lòng mẹ chồng, vì bà cho rằng "nhà này không có kiểu, loại như thế, hay đó là kiểu nhà quê...". Chồng cô ban đầu cũng lên tiếng bênh vực vợ, nhưng thấy mẹ chồng làm dữ, doạ tự tử nên cũng không dám nói gì thêm. Ra riêng cũng không được, vì bà cũng doạ tụ tử, vả lại hai vợ chồng cũng không có điều kiện, chồng cũng còn phụ thuộc kinh tế vào mẹ.

Không thể chịu đựng cuộc sống nhà chồng như thế, chị xin chồng ly hôn. Ban đầu anh do dự, nhưng sau đó cũng đồng ý vì không muốn sống căng thẳng như thế này. Nhìn những giọt nước mắt và những cơn nấc nghẹn khi chị kể lại, tôi cũng không thể cầm lòng, thương thay cho một phận gái mười hai bến nước, gặp phải bến đục phải chấp nhận đổ vỡ giữa chừng, mang tiếng một đời chồng.
 
“Nếp đầy hũ, chuột vẫn đói”
 
Chị bạn tôi kể, chị có một người bạn nam thân thời đại học tên Hưng, sau này lấy vợ giàu có lắm, được nhà vợ cho nhà cửa rộng rãi, tạo công ăn việc làm với thu nhập cao. Bạn bè ai cũng mừng cho anh. Nhưng đâu ai biết cuộc sống anh thật sự như thế nào, chỉ có chị là bạn tâm giao nên biết anh sống mà được "tiếng" nhưng không có "miếng". Chị Lan, vợ anh từ ngày lấy chồng thì không đi làm nữa, còn anh thì đi làm nhưng chưa biết cầm đến đồng lương là gì kể từ ngày cưới vợ. Bởi lẽ, anh làm việc cho công ty gia đình vợ, thủ quỹ chuyển lương qua ATM là em vợ, nên bao nhiêu thu nhập của anh, vợ biết hết nên đành phải nộp hết cho vợ. Mỗi sáng anh được vợ phát tiền tiêu như mẹ cho tiền con.

Chỉ có nhiêu đó thôi thì cũng chẳng nói gì vì vì đó là trách nhiệm lo gia đình của nguời đàn ông trụ cột. Đằng này, từ ngày cưới về, anh mới "tỏ" được con nguời thật của vợ. Những tưởng vợ ở nhà quán xuyến việc gia đình, nào ngờ chị vẫn sống cách "tiểu thư" từ thời con gái. Mọi việc giao phó cho người giúp việc, cả ngày chị chỉ thích xem chuyện, mua sắm và làm đẹp. Chồng than phiền thì chị quát: "Anh sướng mà không biết hưởng, người ta bảo trong đời đàn ông có 3 điều quan trọng là tậu trâu, lấy vợ, làm nhà. Anh bỗng nhiên có sẵn cả 3 thứ mà không phải mất tí công sức nào thế mà còn kêu ai!"
 
Điều anh đau lòng hơn là anh không có tự chủ về tài chính nên khi cha mẹ ở quê ốm, anh không có tiền gửi về biếu. Bảo vợ gửi, chị cằn nhằn và từ chối với lý do: "Bố mẹ có giúp gì nhà này đâu mà gửi tiền, bảo các em anh tự lo đi".

Thật cay đắng! Vì thế để có tiền cho bố mẹ anh phải nhịn ăn sáng, nhịn cà phê và lén lút làm thêm việc ngoài để có chút thu nhập. Ăn uống thiếu thốn, làm việc quá sức nên anh ngày càng gầy yếu, suy kiệt và phải nhập viện. Nằm viện nhưng cũng có được vợ lo đâu, vì cô ấy chê bệnh viện bẩn, đầy vi trùng, ở lâu không khéo bị lây bệnh. Vì thế, cũng chỉ mỗi bà giúp việc là lo cơm nước, thuốc men hàng ngày. Anh thật sự bất mãn với cuộc sống gia đình hiện tại, nhân khi chưa có ràng buộc về con cái, anh đề nghị li hôn. Vợ anh ban đầu từ chối quyết liệt, doạ tự tử. Nhưng trước sự kiên quyết của anh, cô cũng chấp nhận với điều kiện: “Anh ra đi trắng tay”.

Người ta thường bảo, lấy vợ gả chồng là việc hệ trọng cả đời, vì thế cần phải tìm hiểu thật kỹ trước khi quyết định kết hôn. Lời khuyên ấy thật đúng. Thế nhưng khi yêu có ai bày cái xấu cho mình thấy đâu, vả lại thần trí khi yêu còn "ngu muội" lắm, luôn cho rằng, cưới về sẽ thay đổi dần. Nhưng, đời đâu ai biết chữ ngờ…
 
Theo BSGĐ
Chia sẻ