Ly hôn vì cái "Tôi" quá lớn

Thanh Hoà,
Chia sẻ

Theo một nghiên cứu gần đây của tiến sĩ Nguyễn Minh Hòa (ĐHKHXH&NV TP.HCM), 60% số vụ ly hôn thuộc về các gia đình trẻ, tuổi vợ chồng chỉ 23-30 tuổi, trong đó 70% ly hôn khi mới kết hôn.

Những con số trên có thể gây ngỡ ngàng ở nhiều người, nhưng lại không quá ngạc nhiên đối với một số cặp vợ chồng trẻ. Dường như với họ, hai tiếng “ly hôn” là điều bình thường đến mức hiển nhiên. Thực trạng này trong các gia đình trẻ đang diễn ra rất nhiều ở các thành phố lớn và trở thành vấn đề xã hội đáng quan tâm.

Không gạt bỏ được cái “tôi” để sống vì nhau

Trước khi bước vào đời sống vợ chồng, nhiều bạn trẻ chưa trang bị cho mình những kỹ năng cơ bản nhất, không chia sẻ, nhường nhịn và điều chỉnh bản thân mình cho phù hợp với môi trường sống mới. Điều đó dễ dẫn đến sự lạc lõng và hụt hẫng ngay từ những ngày đầu của hôn nhân.

Khi đã thực sự bước vào cuộc sống gia đình, nhiều người trong số họ mới cảm thấy cuộc sống có quá nhiều khó khăn, thử thách và không nhiều “màu hồng” như trong tưởng tượng. Những khó khăn của cuộc sống mới, thêm vào đó là sự chuẩn bị chưa kỹ về tinh thần, vật chất trở thành rào cản lớn đối với hạnh phúc lứa đôi. Sự bất đồng về quan điểm, lợi ích, những ảnh hưởng của lối sống thực dụng khiến mâu thuẫn phát sinh và tiêu cực trong cách giải quyết. Mỗi lúc va chạm, cái “tôi” lên cao khiến cho các cặp vợ chồng trẻ không thể bình tĩnh lắng nghe sự giải thích của “nửa kia”, không chịu thừa nhận sai lầm thuộc về mình nên quyết định ly hôn được đưa ra rất chóng vánh.

Để lý giải cho tình trạng này, các nhà tâm lý nhận định rằng, điểm căn bản dẫn đến ly hôn trong các cặp vợ chồng trẻ là do cả hai đều không thể chia sẻ, không thể chấp nhận những nhược điểm của nhau. Họ không muốn dung hoà mối quan hệ, thất vọng vì nhau, không biết đến hai từ “nhường nhịn” và “hy sinh” vì người khác, vì nhau và vì con cái. 

   

Chệch nhau về quan điểm

Không ít các cuộc hôn nhân tan vỡ hiện nay là do sự thiếu đồng nhất trong suy nghĩ. Ngay như việc quan điểm về vai trò, nghĩa vụ của hai vợ chồng đối với gia đình đã thấy có sự khác nhau. Chị em phụ nữ thời nay cho rằng nam nữ bình đẳng, mỗi người đều bận rộn với công việc, thậm chí nhiều trường hợp phụ nữ còn bận hơn cánh mày râu  nên việc nhà cả hai vợ chồng đều phải có trách nhiệm, không thể rũ bỏ hoàn toàn cho người phụ nữ. Trái lại, người chồng trẻ do nhiều nguyên nhân khác nhau (có thể do ảnh hưởng tư tưởng từ thế hệ trước hoặc đơn giản chỉ vì thích vợ mình chăm chỉ, tảo tần như bà, mẹ mình) nên khó chấp nhận chuyện bình đẳng giới. Họ muốn bà xã phải chu toàn việc nhà cửa, con cái trong khi bản thân họ lại có thể thoải mái nhậu nhẹt nơi quá xá với bạn bè, có thể ngoại tình hay giải khuây bằng nhiều cách khác nhau……..

Trên thực tế, nhiều người phụ nữ do phải ôm đồm cả việc cơ quan, các hoạt động xã hôi, việc nhà, chăm sóc con cái…khiến họ không còn có thời giờ để nghỉ ngơi.  “Trọng trách” đặt lên vai người phụ nữ lúc này là quá lớn. Họ hết kiên nhẫn, không thể nhẹ nhàng với chồng nữa mà luôn cáu ghắt, tị nạnh. Cá biệt, một số chị em lại mang cung cách chỉ đạo tại nơi làm việc về nhà áp dụng với đấng mày râu…..làm cho những mâu thuẫn trong gia đình càng thêm khó giải quyết. Những mâu thuẫn ấy tích tụ lại dần và khi không thể chịu đựng thêm nữa, họ quyết định chia tay.

Phụ nữ thời nay độc lập hơn trong suy nghĩ và cả tài chính nên họ thoáng hơn khi quyết định ly hôn. Ly dị xong, họ vẫn có cơ hội xây dựng tổ ấm mới, vẫn có thể tự mình nuôi con, thậm chí không cần đến sự hỗ trợ của người chồng cũ.

Loan và Trung là một cặp đôi điển hình cho xu hướng cưới nhanh, rồi cũng chia tay chóng vánh. Quen nhau qua một người bạn, họ tìm hiểu nhau không lâu và kết hôn sau nửa năm quen biết. Khi yêu, mọi thứ đều lãng mạn và lung linh trong ánh hồng rực rỡ nhưng bước vào cuộc sống vợ chồng, họ mới thực sự vỡ mộng. Loan cảm thấy chồng mình hoàn toàn là một con người khác, không còn vẻ hào hoa, lịch lãm như xưa. Còn Trung, anh cho rằng chính Loan mới là người thay đổi “cô ấy bỗng dưng trở thành một người lắm điều, mất hết vẻ nữ tính, điềm đạm trước kia”- Trung cho biết.

Có thể nói, sự ảo tưởng, thiếu thực tế, cái “tôi” quá lớn, cộng thêm sự ngộ nhận về tình yêu và hôn nhân gia  đình là lý do hàng đầu khiến các cặp vợ chồng trẻ nhanh chóng tan vỡ. Các nhà tâm lý khuyên các bạn trẻ trước khi kết hôn nên tự trang bị cho mình những kiến thức căn bản về hôn nhân, về kỹ năng giao tiếp, thích nghi với sự khác biệt, chăm sóc nuôi dạy trẻ….để tránh bỡ ngỡ và có thể tự tin bước vào đời sông hôn nhân.

Thanh Hoà

Chia sẻ