Ly hôn vì hay... chê vợ

N.Q,
Chia sẻ

Lúc này anh mới nhận ra những nét đẹp nơi người vợ cũ nhưng đã quá muộn. Đó là cái giá phải trả cho những cư xử sai trái của anh trong suốt thời gian qua

Anh Lâm hay chê vợ. Anh thản nhiên nói trước mặt bạn bè sự chưa bằng lòng của mình về chị Lan, trong khi đó Lan chẳng có lỗi lầm gì, chỉ là do cách nhìn quá định kiến của anh với vợ mà thôi.

Lâm không nhận ra được các ưu điểm mà Lan có, anh hay đến chơi nhà bạn bè sau đó trở về nhà so sánh, nhiếc vợ “kém cỏi, vụng về, luộm thuộm”. Bao nhiêu từ ngữ chê bai Lâm đều dùng để chỉ trích vợ. Vốn đã quen chịu đựng nên Lan đành lấy chiêu thức im lặng, “giả vờ điếc”để cho yên cửa yên nhà.

Thế nhưng thấy vợ không đoái hoài gì đến lời nói của mình, anh cho rằng vợ khinh thường nên lại càng nói năng cục cằn và thô lỗ hơn. Lâm không ngần ngại khi nhắc đến những cái tên mà anh ngưỡng mộ: “về khoản giao tiếp, cô không bằng một phần của Liên vợ anh Quang, chuyện nấu nướng nhà cửa cô đoảng lắm, tôi chỉ mong cô bằng được một nửa Vân cùng chỗ làm là tôi đã thấy hạnh phúc lắm rồi, còn về học thức thì… cô chẳng bằng được ai trong nhóm các bà vợ của bạn tôi. Nói chung cô kém đủ đường.”

Đến lúc này Lan không thể chịu đựng được nữa. Bao nhiêu kìm nén giờ như quả bóng bị nổ tung. Chị vùng lên phản kháng lại chồng vì sự xúc phạm bấy lâu. Lan cương quyết đưa đơn ly dị vì “không thể chung sống với người thiếu tôn trọng mình, dẫu biết  rằng chia tay cu Tít sẽ là người thiệt thòi hơn cả”.
 

Chia tay nhau một thời gian, Lâm kết hôn vội vàng với Khanh, người mà anh cho rằng hội tụ đủ những yếu tố cần thiết của người vợ hiền, mẹ đảm. Nhưng vốn là một phụ nữ ham chơi, chỉ thích đi shopping, lười lao động nên từ ngày cưới Lâm, Khanh thôi hẳn việc ở công ty. Cô dùng tiền Lâm kiếm được đi mua sắm, tiêu xài hoang phí khiến anh dở khóc dở cười.

Lúc này anh mới nhận ra những nét đẹp nơi người vợ cũ nhưng đã quá muộn. Muốn chia tay với Khanh, anh buộc phải chấp nhận chi trả một khoản tiền lớn do cô đưa ra. Đó là cái giá phải trả cho những cư xử sai trái của anh trong suốt thời gian qua.

Sự so sánh, cảm thấy không bằng lòng với người bạn đời đang diễn ra thường xuyên trong một số gia đình. Khi đó một trong hai người sẽ bị tổn thương và nguy cơ bất đồng, tan vỡ trong hôn nhân là rất lớn.

Anh Trung cũng đang ở trong cảnh suốt ngày bị vợ ca cẩm về đủ thứ khuyết điểm. Bực nhất là mỗi khi chỉ trích chồng, Mai lại đem anh Quân hàng xóm ra làm gương khiến Trung đã tức lại càng tức hơn. Mọi lời hay lời đẹp Mai đều ưu ái dành cho anh chàng hàng xóm, còn với Trung, chị không tiếc lời chê bai, nói xấu chồng. Nào thì “anh thấy anh Quân có đi nhậu nhẹt la cà về muộn bao giờ đâu, tính tình nền nã dễ gần, nói năng dễ nghe, lại còn biết giúp vợ chuyện nhà cửa, con cái... Còn anh thì, chẳng bằng một phần của người ta”.

Điên tiết, anh Trung cũng xổ lại cho vợ một tràng “Cô có ở trong nhà người ta đâu mà biết rõ đến thế. Cô thấy tôi có phải bê tha gì cho cam, tiếp khách hàng bắt buộc phải một vài chén là điều tất nhiên. Cô thích thì sang đó mà ở với anh Quân của cô cho sung sướng”. Sau mỗi lần như vây, quan hệ vợ chồng của Trung và Mai ngày càng thêm căng thẳng.

Nhiều người chỉ thấy "báu vật" trong tay người, mà ít khi nhận thức được rằng mình cũng đang sở hữu nó. Chỉ đến khi mất mới nhận ra thì đã muộn. Vấn đề ở chỗ là "tốt khoe ra xấu xa đậy lại ". Khuyết điểm của chồng (vợ) người khác khó lộ ra, chỉ những ưu điểm của họ mới được thể hiện ra ngoài. Còn với chồng (vợ) của mình thì khuyết điểm dễ dàng lộ rõ. Nếu nhìn phiến diện, mỗi người sẽ tìm thấy những điều còn thiếu ở chồng (vợ) mình nằm ở chồng (vợ)... hàng xóm; từ đó bắt đầu thất vọng và thầm ước ao "một nửa" của mình cũng được như "một nửa" của hàng xóm.

Như vậy, vấn đề là ở... cách nhìn nhận. Nếu mỗi người có cái nhìn khách quan, tôn trọng, yêu thương thì sẽ dễ dàng nhận ra những ưu điểm đáng quý nơi người bạn đời của mình để toàn tâm toàn ý chăm sóc cho tổ ấm bé nhỏ.

N.Q

Chia sẻ