Ly hôn vì vợ quá hoàn hảo

,
Chia sẻ

Trong gia đình, cô ấy cứ nổi lên như là "cái đinh", tôi chỉ còn là "cái tăm". Đó là bi kịch của tôi...

So với các bà vợ đơn phương ly hôn, các ông chồng đơn phương ly hôn chiếm tỷ lệ ít hơn. Nhưng chính các quý ông này lại làm các thẩm phán "gian nan, vất vả" hơn. Khi quyết định chia tay các bà vợ thường chỉ rõ, thậm chí không tiếc lời "tố cáo" một ông chồng đầy thói hư tật xấu, không còn hy vọng thay đổi.

Trong khi đó, các ông tự nguyện ly hôn lại "im im" không nói ra nguyên nhân cụ thể, hoặc không biết phải nói thế nào cho thẩm phán hiểu.
 
Cây đinh và cây tăm
 
Thẩm phán Nguyễn Thị Minh Hương - Phó chánh án TAND Q.10, TP.HCM vừa xử lý một vụ ly hôn, mà trong đơn chỉ nêu lý do rất ngắn gọn "cuộc hôn nhân không thành công, không thể chung sống".
 
Anh là kiến trúc sư, lấy vợ 5 năm, vợ quản lý một nhãn hàng của một tập đoàn xuyên quốc gia. Hai người có nhà riêng, có một con chung. Tại sao lại ly hôn? Anh im lặng. Vợ anh có lỗi gì không, cả hai còn yêu nhau không?... càng hỏi anh càng lúng túng, né tránh.

Cô vợ hoàn toàn bất ngờ khi được tòa mời đến. Cô không tin chồng mình lại nộp đơn ly hôn. Cô vắt óc cũng không tìm ra thiếu sót của mình. Trong gia đình, cô luôn thu xếp thời gian để tự nấu ăn. Ngày cuối tuần, mâm cơm toàn những món truyền thống, đến bà cô chồng khó tính cũng phải khen. Chuyện con cái, cũng một tay cô lo. Công việc chuyên môn cô sắp xếp thời gian một cách khoa học, hiệu quả. Ít ông chồng nào lại có thể bỏ một cô vợ đảm đang, xinh xắn như thế. Vậy thì lại sao?

Lấy cớ mâu thuẫn gia đình không có gì trầm trọng, bà thẩm phán đưa ra giải pháp đoàn tụ, như một "phép thử". Đúng như mong đợi của bà, nguyên đơn chịu... khai thêm: "Ban đầu, tôi ngỡ mình may mắn vì có một cô vợ giỏi giang, thu nhập ngàn đô, lại biết điều, khiêm tốn, thuận thảo với gia đình chồng ở xa. Không bao giờ vợ tôi tỏ ra hơn chồng, ngược lại, còn chăm sóc tôi chu đáo. Dần dần, trong gia đình, cô ấy cứ nổi lên như là "cái đinh", tôi chỉ còn là "cái tăm". Bố mẹ tôi cũng phải công nhận: "Gia đình của con được như thế là nhờ vợ con, con phải biết quý vợ".

Tôi đi làm mang tiền về nhà, như một cổ đông, vợ tôi mới là chủ đầu tư và làm nảy nở giá trị của "cổ phiếu" hôn nhân. Cô ấy không có khuyết điểm gì, không có lỗi gì hết... đó là bi kịch của tôi! Giá như cô ấy hốt hoảng khi giá tăng, lo lắng gọi điện cho tôi về đưa con đi bệnh viện, giãi bày với tôi chuyện rắc rối gì đó ở cơ quan nhờ tôi tư vấn có lẽ tôi mới nhận ra tôi chính là chồng của cô ấy".

Có bà vợ "xịn" đúng là "khỏe" thân, nhưng lại "khổ" trí vì sự hiện diện của ông chồng trở nên vô nghĩa trong gia đình..

Trả vai cho chồng

Các bà vợ hoàn hảo trên đã vô tình giúp đã đấng phu quân... "phạm luật", vì các ông chồng tốt "phước" này chỉ nhận được quyền lợi, trong khi nghĩa vụ đã được... vợ ưu ái bao sân. Một ông chồng bị vợ "tước" đi nghĩa vụ sẽ "không có đất để diễn tròn vai chồng". Điều này khiến ông chồng trở thành nạn nhân bất đắc dĩ của sự thiếu bình đẳng, gây tác hại không nhỏ cho mái ấm gia đình.

Cũng có nhiều bà vợ sớm "giác ngộ" và điều chỉnh kịp thời. Chuyện của chị Hoàng Quý, đang làm việc trong ngành công an, là một kinh nghiệm. Chị kể: "Tôi lo hết mọi việc trong gia đình, vì nghĩ đơn giản mình có năng lực giải quyết hết những việc đó. Nhưng qua một thời gian, chồng tôi cứ đi nhậu suốt, khuya mới về, lúc nào cũng nhậu. Vợ chồng không gây lộn, cũng không nói chuyện được, khoảng cách vô hình giữa hai chúng tôi ngày càng xa. Đó là một thông điệp bảo rằng tôi phải thay đổi.Tôi đã để anh ấy quyết định mọi việc trong nhà và nói rằng "em hoàn toàn tin ở anh", tôi nghĩ chỉ khi chồng tôi "diễn" đúng và "diễn" tốt vai trò của mình trong gia đình thì tôi mới thực sự là người vợ hoàn hảo".

Các bà vợ hoàn hảo thường bất ngờ, khi ông chồng "im im" rồi tung ra kiểu giải quyết bằng cách ly hôn. Tâm lý của người vợ đã hết lòng với gia đình sẽ cảm thấy bị tổn thương, vì chồng "không biết hưởng phúc, còn muốn gì nữa đây?".

Thật ra, sự đổ vỡ này là do sự truyền thông trong gia đình không có, hoặc quá kém. Các ông chồng ấm ức không biết nói thế nào, nói vào thời điểm nào. Vì thế, giữa vợ chồng, phải tạo ra thói quen bàn bạc, phân công mọi việc trong gia đình và lắng nghe lẫn nhau. Mỗi người phải tự nhận ra điểm mạnh của mình và của cả người bạn đời, để phát huy và hợp tác với nhau.

Một bà vợ hay ông chồng "ôm hết" việc là vô tình đẩy người còn lại vào suy nghĩ: "Mình là người vô tích sự". Thay vì suy nghĩ tiêu cực như thế, bạn hãy "thông báo" cho vợ (chồng) biết. Đó mới là phong cách của người làm chủ gia đình.
 

 
Theo H.A
 PNVN

Chia sẻ