Kỳ thị tuổi tác tồn tại trong công việc lẫn quá trình tuyển dụng, bến đỗ nào cho dân công sở “luống tuổi?”
Phàm là dân công sở vốn đã phải đối mặt với quá nhiều khó khăn cũng như áp lực. Tuổi tác lớn một chút lại càng khổ hơn gấp bội.
Nhảy việc khi tuổi tác đã không còn son trẻ là vấn đề được phần đông dân công sở cân nhắc kỹ lưỡng trước khi quyết định. Bởi ở độ tuổi này, đa phần chúng ta đã có được những vị trí nhất định trong sự nghiệp và đứng ở vị thế người được săn đón chứ không phải người đi tìm việc.
Vậy câu hỏi đặt ra ở đây chính là, có hay không sự tồn tại của khái niệm phân biệt tuổi tác trong quá trình tuyển dụng? Câu trả lời là có và dân công sở có thể dễ dàng nhận ra được điều này nếu tinh tế suy xét kỹ bảng mô tả công việc.
Theo một vài nghiên cứu được tiến hành bởi các chuyên gia kinh tế, sự phân biệt tuổi tác có thể dễ dàng được nhận ra một số từ ngữ mà nhà tuyển dụng dùng trong quá trình tuyển dụng. Chẳng hạn việc đề cập đến năng lực thể chất như mang vác và nâng các vật nặng; hoặc việc sử dụng thành thạo các chương trình trên máy tính chẳng hạn như bộ Microsoft Word. Giáo sư Patrick Button của Đại học Tulane – người tiến hành khảo sát còn cho biết thêm:
“Đôi khi, họ còn thêm vào những thông tin như làm việc theo ca hoặc tự túc phương tiện di chuyển. Về phần mình, chúng tôi nhận thấy, những người lớn tuổi thường cẩn thận và đáng tin cậy hơn cũng như có nhiều kinh nghiệm làm việc. Tuy nhiên, đâu đó vẫn tồn tại những định kiến tiêu cực, từ đó tạo nên sự phân biệt tuổi tác trong quá trình tuyển dụng”.
Việc chứng minh được có sự tồn tại của yếu tố phân biệt tuổi tác trong công việc vốn đã là một điều rất khó khăn, chứ chưa cần nói đến trong quá trình tuyển dụng; bởi lẽ luật lao động vốn không quy định rõ ràng về phạm trù này. Về phần mình, các nhà tuyển dụng chỉ đơn giản nói rằng những ứng viên lớn tuổi không phù hợp với yêu cầu công việc. Vì lẽ đó, họ dễ dàng chọn những thành tố trẻ trung hơn, năng động hơn và phù hợp với yêu cầu công việc hơn.
Thậm chí, một cuộc điều tra được tiến hành được tiến hành bởi ProPublica và New York Times vào năm 2017 còn chỉ ra một sự thật quá đỗi phũ phàng rằng, những công ty lớn đã sử dụng công nghệ để phân loại tuổi tác, khiến cho các thông báo tuyển dụng của họ không đến được với những người lớn tuổi. Nếu xu hướng này gia tăng, ít nhiều sẽ gây những tổn thất không hề nhỏ cho việc tối ưu hóa nguồn lực lao động quốc gia.
Đứng trước tình trạng này, các nhà lập pháp cũng đã vào cuộc để cố gắng khắc phục vấn đề. Trên tinh thần đó, nếu người lao động nghi ngờ bản thân mình là nạn nhân của việc phân biệt tuổi tác trong công việc, họ có thể tiến hành thu thập và cung cấp những bằng chứng thuyết phục. Để rồi từ đó, tuổi tác sẽ không còn là lý do cho việc sa thải hoặc giáng chức.