Khuyên dân công sở đừng chọn công việc mà hãy chọn sếp, nàng công sở nhận nhiều ý kiến trái chiều từ cộng đồng mạng
Một công việc là tổng hòa của nhiều yếu tố và sếp chỉ là một phần trong số đó. Nếu có thể gặp được một người sếp tốt thì đó đã là một điều may mắn.
Có rất nhiều yếu tố khiến dân công sở chọn gắn bó với một công việc, có thể kể đến như: tính chất công việc cũng như con đường thăng tiến; tiền lương và chế độ phúc lợi; môi trường, văn hoá doanh nghiệp; hoặc đôi khi chỉ đơn giản vì họ cảm thấy thích người sếp trực tiếp của mình.
Đó là lý do vì sao, dân công sở thường hay chuyền tai nhau câu nói: “Một nhân viên thường không bỏ việc vì bản chất công việc hoặc một yếu tố nào đó khác, họ bỏ việc vì không thể tiếp tục đồng hành cùng người sếp của mình nữa”.
Thật vậy, vừa mới đây, trong một hội nhóm trên mạng xã hội được đông đảo dân công sở quan tâm theo dõi, một thành viên đã có dịp chia sẻ một bài đăng với nhan đề “Đừng chỉ chọn công việc - Hãy chọn sếp”. Cụ thể, bài đăng được viết:
“Trên đây là lời khuyên của tiến sĩ William Raduchel – một đạo diễn, nhà đầu tư và chuyên gia tư vấn chiến lược. Ông từng là giáo sư kinh tế tại đại học Harvard, từng điều hành AOL Time Warner, Xerox, McGraw-Hill và nhiều doanh nghiệp khác. Lời khuyên của ông đã khiến rất nhiều người tìm việc (và cả những người đang có việc làm) phải suy nghĩ lại về lý do chọn lựa nơi làm việc của mình và những điều thực sự ảnh hưởng tới thành công, sự nghiệp của họ.
Việc này nghe có vẻ khó khăn bởi quy trình tìm việc truyền thống lại diễn ra theo hướng ngược lại: sếp chọn bạn chứ không phải bạn chọn sếp. Thông báo tìm việc không hề đưa ra những chỉ số như “mức độ khó chịu của sếp” hay bất cứ con số nào liên quan. Thường thì bạn chỉ có thể nói chuyện với sếp thông qua buổi phỏng vấn xin việc và quãng thời gian ít ỏi này dường như cũng khó mà giúp bạn đưa ra phán đoán chính xác về con người sếp.
Thế nhưng bằng cách tập trung vào sếp, thay vì những tiêu chí đánh giá thông thường khác (như địa điểm làm việc, mức lương, trách nhiệm công việc, cơ hội thăng tiến…) con đường theo đuổi sự nghiệp của bạn sẽ thay đổi và bạn sẽ hạnh phúc khi nhận ra mình chọn đúng người.
Không chỉ công việc mà lựa chọn sếp cũng có tầm quan trọng nhiều hơn bạn nghĩ, bởi:
• Một vị sếp tốt trong 1 công ty bình thường có thể bảo vệ và hỗ trợ bạn.
• Một vị sếp tồi trong 1 công ty tốt sẽ khiến bạn phát điên và còn hủy hoại bạn.
• Một vị sếp tốt trong 1 công ty tốt sẽ mở khóa mọi tiềm năng mà bạn có.
Trong trường hợp đầu tiên, bạn sẽ học hỏi được nhiều hơn và có thể cũng có nhiều cơ hội hơn về sau. Một vị sếp tốt có thể nhận ra tài năng của bạn và phát triển chúng nhưng một vị sếp tồi sẽ chẳng bao giờ nhận ra những gì bạn có thể làm hay trao cơ hội để bạn tự phát triển mình.
Lợi ích duy nhất khi làm việc cho 1 vị sếp tồi trong 1 công ty tốt (trường hợp thứ 2) đó là bởi làm việc cho công ty này là cách duy nhất để bạn chuyển sang 1 nơi khác, làm việc với những con người khác, 1 vị sếp khác và đạt được những thành tích tốt nhất cho cả bạn và công ty.
Hầu hết mọi người chọn việc vì những lý do như:
• Mức lương – điều này quan trọng nhưng nó có thể là 1 cái bẫy. Nhiều người kiếm lương ngàn đô nhưng ghét công việc của mình và từ đó, ghét cả cuộc sống của mình. Họ làm việc cùng những đồng nghiệp có thể cũng là những người bị thu hút bởi tiền lương.
Nếu nghĩ dài hạn hoặc muốn phát triển sự nghiệp, đừng bao giờ chọn lương là tiêu chí chủ yếu của mình. Đó là phương pháp đánh giá lười biếng nhất và do đó cũng là yếu kém nhất.
• Công việc cụ thể – nhiều người bị hấp dẫn bởi 1 số dự án, công việc hay vai trò cụ thể. Rồi bạn sẽ nhận ra rằng những dự án “hot” không chắc đã mang lại môi trường làm việc năng suất hay vui vẻ.
Trong khi làm những công việc này (và ngay cả khi học hỏi được điều gì đó) sự nghiệp dài hạn của bạn lại phải nhận hậu quả. Có rất nhiều người có tầm nhìn dài hạn, chấp nhận làm việc với những người quản lý tốt hơn là chọn những dự án “hot”, nhờ đó mà họ có thể thăng tiến như cách mà sếp của họ đã làm.
• Chức vụ nghề nghiệp – ngay cả khi bạn phải làm việc như 1 thực tập sinh, nếu bạn có tài năng và làm việc chăm chỉ thì 1 người sếp tốt cũng sẽ nhận ra khả năng của bạn và đưa bạn lên vị trí xứng đáng hơn. Ngay cả khi không có vị trí nào khuyết cho bạn, một người sếp tốt cũng sẽ có một mạng lưới quan hệ rộng lớn và giúp đặt bạn ở đúng nơi bạn nên ở.
Một người sếp giỏi sẽ biết ai nên làm việc ở đâu. Theo đuổi những chức vụ nghề nghiệp và bỏ mất 1 vị sếp tốt có thể là 1 cái bẫy cho bạn, họ sẽ không bao giờ cho bạn rời vị trí đó cho dù bạn có phát triển ra sao.
Lựa chọn được 1 vị sếp tốt cũng đòi hỏi phải có mạng lưới quan hệ rộng lớn. Bạn cần hỏi bạn bè trong ngành xem có sếp nào như bạn cần. Việc này có thể mất thời gian nghiên cứu và tìm kiếm thông tin nhưng biết được ai trong ngành là 1 vị sếp tốt và theo đuổi họ thì bạn sẽ có được tài sản quý giá nhất cho sự nghiệp lâu dài của mình. Nếu đã nghĩ tới 1 hay 2 công ty thì hãy thử tìm hiểu xem có vị sếp nào thuộc chức năng công việc của bạn hay không.
Càng ít kinh nghiệm thì bạn càng khó chọn sếp nhưng điều này cũng không sao. Hãy tìm hiểu về mức độ luân chuyển nội bộ trong công ty xem mọi người có thường xuyên chuyển vị trí làm việc, hay có luân chuyển nhân sự giữa các nhóm hay không. Nếu có thì sau khi được nhận công việc, mục tiêu của bạn là đặt ra những việc cần làm để có được cơ hội làm việc với sếp mà mình muốn.
Nhưng cũng cần phân định rõ việc bạn đưa ra các tiêu chí trong việc lựa chọn sếp với việc bạn đòi hỏi. Còn đối với mọi người, lý do nào lựa chọn công việc hiện tại và hình mẫu sếp mà bạn mong muốn?".
Ngay sau khi vừa được đăng tải cách đây chưa lâu, bài chia sẻ đã nhanh chóng thu hút được sự chú ý của đông đảo thành viên trong nhóm kèm theo đó là rất nhiều ý kiến bày tỏ quan điểm.
Đa phần dân công sở cho rằng, những lý thuyết mà bài đăng đưa ra chỉ tồn tại trong một “vũ trụ” hoàn mỹ, nơi mọi thứ là lý tưởng. Còn trong đời thực, có vô vàn yếu tố tác động khiến cho việc chọn được một người sếp tốt là vô cùng khó và việc gắn bó với tổ chức chỉ vì sếp tốt cũng không phải là dễ.
“Nếu bản thân có thể lựa chọn thì đã chọn từ lâu rồi, không đợi đến giây phút này nữa đâu. Bài viết mang hơi hướm quá chuẩn hoá”.
“Thực tế, việc này khá là khó, bởi vì, thường vào làm mới biết sếp như thế nào. Sếp tốt nhưng công việc mình không thích và lương không đủ sống thì cũng chịu. Cơm áo gạo tiền là thứ quan trọng nhất, trừ những “rich kid” đi làm vì đam mê thôi”.
“Bài viết nêu lên quan điểm khá chính xác nhưng thực tế có vô vàn yếu tố tác động khiến việc chọn một người sếp tốt để gắn bó không hề dễ dàng đâu”.
Thật sự, người sếp đầu tiên sẽ là nhân tố định hình cung cách làm việc cũng như có ảnh hưởng vô cùng lớn đến sự thành công trên con đường sự nghiệp của dân văn phòng. Một khi sếp đã không tin tưởng để trao quyền, chúng ta rất khó có cơ hội để phát triển.
Do đó, dù khó nhưng vẫn hãy cố gắng hết sức để gắn bó với một người sếp tốt ở giai đoạn đầu sự nghiệp để học hỏi được những thứ cần thiết, trang bị cho bản thân đủ kỹ năng và kinh nghiệm để sải rộng cánh bay.