Gật đầu dạ thưa là chưa đủ, đây là 5 bí quyết xoa dịu hoàn cảnh khi sếp thường xuyên "sôi máu" với bạn

Louis,
Chia sẻ

Trong đa phần các trường hợp sếp quát mắng, việc phản kháng lại chỉ khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn.

Trong quá trình làm việc hàng ngày nơi công sở, dù có tập trung và chuyên nghiệp đến mấy cũng khó tránh được tình trạng mắc phải những sai sót. Đứng ở vai trò là người làm lãnh đạo, chịu trách nhiệm chính trong mọi hạng mục công việc cũng như lỗi lầm mà nhân viên cấp dưới gây ra, sếp khó tránh khỏi có những lần không kiềm chế được cảm xúc của bản thân mà quát mắng hay to tiếng với bạn.

Sếp nổi giận là chuyện của sếp, còn đứng ở góc độ là một nhân viên, bạn cần thấu hiểu cũng như cảm thông. Việc nóng giận và cãi lại sếp không chỉ tạo cơ hội cho những kẻ "ngồi lê đôi mách" được dịp hả hê mà còn thể hiện sự yếu kém và thiếu chuyên nghiệp trong cung cách giao tiếp ứng xử của bạn. Sau đây là những bí quyết bạn nên nằm lòng trước khi mọi chuyện trở nên tồi tệ.

Đâu phải chỉ cần gật đầu dạ thưa, đây là 5 bí quyết xoa dịu hoàn cảnh khi sếp thường xuyên "sôi máu" với bạn - Ảnh 1.

1. Tuyệt đối giữ bình tĩnh

Nói thì rất dễ nhưng thật sự việc giữ được bình tĩnh trong trường hợp này là rất khó. Tuy nhiên, dù muốn dù không, bạn buộc phải giữ được bình tĩnh. Bởi chỉ khi giữ được bình tĩnh, bạn mới có thể suy nghĩ mạch lạc và phân tích tình huống để tìm cách ứng phó thích hợp.

Cho nên, khi cấp trên to tiếng với bạn, hãy duy trì hơi thở, hít sâu và thở đều. Nếu có thể, hãy hồi tưởng lại những điều khiến bạn cảm thấy hạnh phúc hay nghĩ đến những nơi đem lại cho bạn sự thoải mái như là bãi biển, núi cao, thậm chí là căn nhà nhỏ bé của bạn. Hãy tự nói với bản thân rằng: "Mọi chuyện rồi sẽ qua đi thôi!" – chỉ vài phút nữa thì ồn ào này sẽ chấm dứt, không gian sẽ yên tĩnh trở lại và mọi thứ vẫn sẽ diễn ra bình thường.

Đâu phải chỉ cần gật đầu dạ thưa, đây là 5 bí quyết xoa dịu hoàn cảnh khi sếp thường xuyên "sôi máu" với bạn - Ảnh 2.

2. Hạ thấp giọng khi mâu thuẫn xảy ra

Có thể bạn không để tâm, nhưng có một thực tế rằng, con người ta vẫn thường hay cao giọng hơn khi mâu thuẫn và cãi vã diễn ra. Tuy nhiên, người cao giọng hơn chưa hẳn là người giành được chiến thắng, mà trong một cuộc cãi vã, điều quan trọng nhất vẫn là để mọi thứ được kết thúc trong hòa bình chứ không phải ai thắng ai thua.

Thay vì để cảm xúc lấn át, bạn hãy cố gắng hạ giọng, nói chuyện thật bình tĩnh và chân thành. Dần dần, đối phương tự nhiên sẽ dịu giọng hơn với bạn. Đồng thời, hãy đảm bảo rằng bạn nghe và hiểu được những lời cấp trên nói. Nếu bạn tỏ thái độ không lắng nghe hoặc không quan tâm đến thì điều đó chỉ càng làm cho họ cảm thấy tức giận.

Đâu phải chỉ cần gật đầu dạ thưa, đây là 5 bí quyết xoa dịu hoàn cảnh khi sếp thường xuyên "sôi máu" với bạn - Ảnh 3.

3. Lắng nghe quan điểm của cấp trên

Nếu thật sự là một người giỏi và có tâm, sếp sẽ chẳng rảnh thời gian để cứ phải suốt ngày đi la mắng, trách phạt bạn. Còn nếu trường hợp bạn cứ suốt ngày bị sếp quở trách thì nguyên nhân nhiều phần có thể xuất phát từ chính bạn. Vì vậy, hãy tự xem xét lại bản thân mình trước tiên. Nguyên nhân có thể bắt nguồn từ khía cạnh công việc không phù hợp dẫn đến bạn chưa đủ tập trung và chú tâm hoặc cũng có thể do bạn nói trước quên sau, hay hấp tấp và sơ suất.

Nhận thức được vấn đề là bước đầu tiên bạn có thể thấu hiểu tâm lý sếp để thay đổi và giải quyết mọi khúc mắc. Nếu mọi thứ đơn giản chỉ là sai sót, hãy lập tức xin lỗi và khắc phục lỗi lầm.

Đâu phải chỉ cần gật đầu dạ thưa, đây là 5 bí quyết xoa dịu hoàn cảnh khi sếp thường xuyên "sôi máu" với bạn - Ảnh 4.

4. Lắng nghe tích cực

Trong một vài trường hợp, khi sếp la mắng là sếp đang thất vọng về biểu hiện của bạn. Do đó, từ phía mình, bạn có thể xoa dịu tình hình ngay tức khắc bằng cách lắng nghe tích cực cũng như thể hiện sự hiểu chuyện. Ngôn ngữ cơ thể như tập trung lắng nghe, gật đầu "Dạ", "Thưa" liên tục có thể khiến cơn giận của sếp lắng xuống ngay tức khắc.

Không chỉ lắng nghe, bạn phải thực sự hiểu ý nghĩa đằng sau nó. Điểm quan trọng của nghệ thuật lắng nghe tích cực là thường xuyên lặp lại những gì bạn được nghe.

Đâu phải chỉ cần gật đầu dạ thưa, đây là 5 bí quyết xoa dịu hoàn cảnh khi sếp thường xuyên "sôi máu" với bạn - Ảnh 5.

5. Xem xét việc chuyển sang công ty mới

Nếu sau khi cân nhắc kỹ lưỡng và nhận ra được rằng mặc dù bản thân đã làm tốt nhưng sếp vẫn cứ "kiếm chuyện" để chỉ trích thì thời điểm nghỉ việc của bạn cũng đã tới. Bởi nếu không có công việc này, bạn vẫn sẽ có một công việc khác tương tự, thậm chí là tốt hơn nhiều lần.

Việc đắm mình trong một tổ chức có văn hóa độc hại chẳng giúp được gì cho bạn cả, ngược lại còn khiến sự nghiệp của bạn xuống dốc. Áp lực và căng thẳng do sự la mắng mang lại sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe của bạn. Nếu bạn có thể tìm kiếm được một công việc mới thì đừng đợi đến lúc mọi thứ trở nên tồi tệ mới bắt đầu quyết định.

Đâu phải chỉ cần gật đầu dạ thưa, đây là 5 bí quyết xoa dịu hoàn cảnh khi sếp thường xuyên "sôi máu" với bạn - Ảnh 6.

Nếu liên tục trở thành "nạn nhân" của sếp, bạn hãy thử áp dụng những điểm bí mật này để có thể giữ được bình tĩnh và giải quyết vấn đề. Còn đứng ở góc độ làm sếp, khi đọc được bài viết này, hãy cân nhắc tới việc kiềm chế cảm xúc tốt hơn để không khiến cho công ty mất đi nhiều nhân viên ưu tú.

Chia sẻ