Đến Hoàng đế còn bị vị phi tần này bỏ không thương tiếc thì hà cớ gì ngày nay các chị phải cắn răng chịu đựng một ông chồng tồi!

Kẹo,
Chia sẻ

Không những đơn phương đòi bỏ chồng, vị phi tần này còn cáo buộc chồng tội "bỏ bê" vợ suốt 9 năm chung sống. Hành động táo bạo ấy là sự kiện chấn động lịch sử phong kiến Trung Hoa.

Thời xưa, việc đàn ông 5 thê 7 thiếp chẳng còn xa lạ gì, mà nhất là những bậc đế vương thì mỹ nhân bên cạnh nhiều chẳng đếm xuể. Phụ nữ thời đó mặc định sinh ra đã nhỏ bé, ấn định trong cái gọi là "phận đàn bà", cam chịu, nhún nhường và sống âm thầm, lặng lẽ. Nhưng cũng chính trong cái thời mà chúng ta vốn nghĩ người làm vợ không dám nói không với chồng chứ đừng nhắc đến chuyện có tư tưởng ly hôn ấy lại xảy ra điều phi thương. Vị phi tần của Hoàng đế cuối cùng thời phong kiến Trung Quốc đã tự quyết lấy tự do của cuộc đời mình một cách cứng cỏi và bản lĩnh.

Nguyên do hôn nhân tan vỡ từ những mâu thuẫn nhỏ

Thục phi Văn Tú tên thật là Ngạch Nhĩ Đức Đặc Văn Tú là một phi tần của Tuyên Thống Đế Phổ Nghi, vị Hoàng đế cuối cùng của triều đại nhà Thanh cũng như chế độ quân chủ trong lịch sử Trung Quốc. Bà xuất thân dòng dõi nhưng gia thế lại bần hàn, nghèo khổ. Thời điểm kết hôn với vua Phổ Nghi, tuy nhà Thanh đã mất thực quyền nhưng hôn lễ vẫn đúng với quy chuẩn của Hoàng thất. Việc lập Văn Tú làm Thục phi cũng là do Phổ Nghi nghe theo khuyên bảo của Hoàng Thái phi.

Ban đầu, tình cảm vợ chồng giữa Phổ Nghi và Văn Tú khá tốt đẹp. Ông thấy bà thích đọc sách, ham học hỏi, Phổ Nghi mời thầy về dạy tiếng anh cho Văn Tú. Còn cuộc sống sau khi có gia đình của Văn Tú lại có phần nhàm chán và tẻ nhạt. Ngày nào cũng như ngày nào, bà ở trong thư phòng, thêu thùa, đọc sách.

Đến Hoàng đế còn bị vợ bỏ không thương tiếc thì hà cớ gì các chị phải cắn răng chịu đựng một ông chồng tồi! - Ảnh 1.

Chân dung vị phi tần dũng cảm nhất lịch sử Trung Hoa

Không lâu sau, vào năm 1924 Phổ Nghi và Hoàng thất nhà Thanh bị quân phiệt Phùng Ngọc Tường ép phải rời khỏi Tử Cấm Thành. Khi ông rời khỏi, đã mang theo Uyển Dung và Văn Tú, đến sống tại Thuần vương phủ. Trong thời gian này, tình cảm vợ chồng Văn Tú bắt đầu xấu đi. Bà rất muốn được chồng quan tâm, yêu thương nhưng kết quả là ngay ngày sinh nhật của mình Văn Tú cũng chỉ có một mình.

Sống cùng một mái nhà nhưng lại bị chồng lạnh nhạt, Văn Tú phiền muộn vô cùng. Đã có lúc bà quẫn trí đến mức tự làm tổn thương bản thân bằng kéo nhưng đến khi thuộc hạ báo lại với Phổ Nghi ông lại tàn nhẫn trả lời: "Nàng ta dùng tiểu xảo dọa người thôi, ta không quan tâm".

Theo những tài liệu lịch sử ghi lại, sở dĩ Phổ Nghi thay đổi thái độ với Thục phi Văn Tú là bởi sự cố xảy ra khi quân Nhật xâm chiếm Trung Quốc. Phổ Nghi muốn dựa vào người Nhật Bản để lấy lại cơ nghiệp Hoàng triều Đại Thanh nhưng Văn Tú lại ra sức can ngăn. Phổ Nghi nhất nhất không nghe phải trái mà chỉ ôm tham vọng hão huyền. Hơn nữa, giữa Văn Tú và Phổ Nghi xuất hiện rất nhiều quan điểm trái chiều. Trong khi tư tưởng Văn Tú hiện đại, coi trọng quyền bình đẳng con người thì Phổ Nghi vẫn bị ảnh hưởng bởi nền giáo dục truyền thống Hoàng tộc. Vì thế tình cảm vợ chồng giữa hai người ngày càng rạn nứt.

Ly hôn vì chồng "yếu sinh lý" 9 năm không động vào người vợ và đòi tiền "hao tổn thanh xuân"

Với một cô gái mới tuổi xuân xanh đã phải chịu những thiệt thòi, đối xử tệ bạc từ người chồng của mình, Văn Tú không thể nhẫn nhịn mãi. Cuộc hôn nhân hiện tại khiến Văn Tú ngày càng chán nản. Sau khi tâm sự với một người chị em họ hàng thì Văn Tú đã đưa ra một quyết định có thể nói là táo bạo nhất thời bấy giờ.

Khi sống ở chế độ mới, tư tưởng của Văn Tú cũng đổi mới và bắt kịp thời cuộc. Phụ nữ không thể chịu khổ mãi được. Trong một lần ra ngoài chơi cùng người họ hàng, Văn Tú đã sai người nhắn nhủ với ông chồng danh giá của mình rằng: "Ta sẽ lên tòa kiện Hoàng thượng, quyết định ly hôn với ông ta".

Phổ Nghi nghe xong thì tức giận vô cùng. Ông không tin người vợ ngoan hiền yên phận lại dám làm điều này với mình. Tất cả mọi người trong Hoàng tộc cũng không ai hay biết ý định của Văn Tú. Phổ Nghi coi vợ mình như một kẻ vô ơn và liều lĩnh. Ngờ đâu, chưa kịp lôi vợ về dạy cho bài học phép tắc thì Văn Tú đã "cao chạy xa bay".

Đến Hoàng đế còn bị vợ bỏ không thương tiếc thì hà cớ gì các chị phải cắn răng chịu đựng một ông chồng tồi! - Ảnh 2.

Sự kiện ly hôn chồng của Văn Tú nổi cộm trên các mặt báo

Bước tiếp theo, cô vợ bị ngược đãi về tinh thần suốt gần chục năm đã thuê Luật sư để đòi quyền lợi từ Phổ Nghi sau khi ly hôn. Người phụ nữ nhỏ bé không hề sợ hãi hay nao núng trước ông chồng đang gằm ghè căm hận. Bà đã có sự tính toán và đi từng bước rất chắc chắn.

Văn Tú thuê ba vị luật sư nộp đơn lên tòa xin ly hôn với Phổ Nghi, lời cáo trạng viết rằng: "Khống cáo Phổ Nghi ngược đãi Văn Tú, không thể chịu đựng nổi. Phổ Nghi sinh lý lại có bệnh, ở qua 9 năm chưa từng ân ái. Quyết ý ly hôn, yêu cầu chi phí cá nhân hằng ngày cần được hỗ trợ, dưỡng phí là 500.000 nhân dân tệ".

Tin tức về việc ly hôn của Văn Tú được báo chí chú ý, khuấy động toàn bộ giới truyền thông lúc đó. Tình cảnh này khiến Phổ Nghi cực kỳ căng thẳng và xấu hổ. Đây là trường hợp ly hôn đầu tiên của Hoàng đế ở Trung Quốc. Vì sợ mất mặt Hoàng thất nên Phổ Nghi nhanh chóng nhờ Luật sư đàm phán với Văn Tú. Cuối cùng ông phải chịu mức bồi thường là 55.000 nhân dân tệ. Cái giá của sự tự do là Văn Tú phải cam đoan không tái hôn để giữ danh dự cho Hoàng thất và hai bên không làm hại đến nhau.

Hành động của Thục phi Văn Tú chính là thông điệp lớn đối với phụ nữ thời nay

Thục phi Văn Tú, người đàn bà dũng cảm được hậu thế gọi là Hoàng phi cách mạng. Đó là cuộc cách mạng mà phụ nữ phải đấu tranh với chính bản thân mình chứ không phải là một ai khác. Các chị nhìn đi, Văn Tú của năm 1924, cách chúng ta đến cả thế kỉ, bỏ qua mọi rào cản dị nghị, vượt ra cả sự uy hiếp của cả một Hoàng triều, bà vẫn đấu tranh để được tự do, để được sống thật sự chứ không phải tồn tại vô nghĩa với cái mác vợ vua.

Nếu so sánh Phổ Nghi với những ông chồng nghiện ngập, lười biếng, gia trưởng thậm chí cả bạo lực với vợ thời nay thì vị vua xưa đã quá "lành" rồi. Đúng ra, Văn Tú không bị ngược đãi thể xác, không bị chồng đánh đập hay lăng mạ xỉ nhục. Nhưng đau hơn cả là nỗi đau về tinh thần. Vết thương nào cũng có thể lành, vết sẹo nào rồi cũng mờ dần theo thời gian nhưng đã là tổn thương tinh thần thì chỉ có yêu thương chân thành mới có thể bù đắp được.

Đến Hoàng đế còn bị vợ bỏ không thương tiếc thì hà cớ gì các chị phải cắn răng chịu đựng một ông chồng tồi! - Ảnh 3.

Cái dại dột của Văn Tú là đã tự làm thương chính mình để được chồng để ý nhưng sau khi bà nhận ra sự thật cay đắng thì chỉ duy nhất một con đường. Đó chính là ly hôn. Ly hôn để giải thoát chính mình, để cho bản thân một cơ hội được sống ý nghĩa hơn. Ở cái thời đó thì hành động của Văn Tú như một phát súng khẳng định nhân quyền của người phụ nữ đã bị coi thường quá lâu.

Đấy, ở cái thời vợ còn phải cười tươi chúc mừng chồng nạp thêm thiếp, người ta còn dũng cảm được đến thế vậy mà không hiểu sao, sống trong cái xã hội hiện đại thế này các chị vẫn "chẳng dám". "Anh ta chưa đánh đập mình, anh ta chưa làm gì quá đáng", "Hôn nhân là mồ chôn tình yêu mà, sống vì con là được rồi", "Chịu mãi cũng thành quen, cứ im lặng trong hòa bình để đỡ phải ra tòa người ta cười chê", lý lẽ của các chị thật nực cười!

Chẳng hiểu từ đâu phụ nữ cho phép mình cái quyền chịu khổ, mỗi người lại có kiểu chịu khác nhau, mà chị nào mức chịu cũng "vô đối". Những rao cản, những điều khiến phụ nữ "ngại" ly hôn, cố chấp với cuộc hôn nhân không có hạnh phúc chỉ là lý do. Tất cả vấn đề đều có thể giải quyết, chỉ là chúng ta có muốn hay không.

Phụ nữ à, đừng nghĩ đơn thuần chỉ có thanh xuân như một cơn mưa rào mà chính cuộc đời của chúng ta cũng dài không hơn gì cơn mưa rào kia đâu! Ai cũng chỉ có một lần được sống, thế nên hãy sống cho thật ý nghĩa, thật hạnh phúc nhé!

Nguồn: Baike, Qulishi

Chia sẻ