Ứa nước mắt nghe chuyện những nàng dâu bị nhà chồng đối xử tệ bạc
Vì nhẹ dạ và kém may mắn, những cô gái này đã gặp phải nhà chồng không ra gì để rồi phải đày đọa bản thân mình vào chuỗi ngày bất hạnh và muôn phần cay đắng.
Trước khi kết hôn, người phụ nữ nào cũng mong mình sẽ gặp được
gia đình tốt, có một cuộc sống yên bình và hạnh phúc bên chồng con. Nhưng không
phải ai cũng may mắn nhận được niềm vui đủ đầy như vậy. Chỉ vì một quyết định
sai lầm và chọn phải gia đình chồng không tốt mà nhiều người đã phải trả giá bằng
chính hạnh phúc của cuộc đời mình…
Nhẹ dạ lấy phải chồng
nghiện và bước trượt dài trong ma túy
33 tuổi, chị Nguyễn Khánh Ly (Hai Bà Trưng, Hà Nội) đã từng
một lần thất bại trong hôn nhân vì chồng nghiện ngập. Để rồi sau khi bị chính
gia đình chồng lừa dối trắng trợn đến 2 lần, chị tiếp tục trượt dài và sa ngã
trong “cái chết trắng”.
Do nhẹ dạ, và bị cái mác đẹp trai, mồm mép của người yêu
“chinh phục” ngay từ lần gặp gỡ đầu tiên, Khánh Ly có bầu chỉ sau vẻn vẹn có 4
tháng yêu đương. Để hợp thức hóa cái bụng ngày một lớn lên trong Ly, bố mẹ hai
nhà đã gặp gỡ và tính chuyện cưới xin. Nhưng vì lúc ấy Ly chưa đủ tuổi đăng ký
kết hôn nên đám cưới vẫn được tổ chức rình rang như bình thường. Còn giấy đăng
ký kết hôn, cả hai bên nhà dự định khi Ly đủ 18 tuổi sẽ đi đăng ký sau.
Sau đám cưới, bố mẹ chồng Ly cho 2 vợ chồng Ly ở riêng trong
một căn hộ tập thể nhỏ 16m2 trên phố Tông Đản (Hà Nội). Thời gian ấy, Ly mang bầu
và vẫn phụ mẹ bán hàng. Còn chồng đi làm điện nước tự do.
Ly kể lại cuộc đời bất hạnh của mình khi ở trung tâm giáo dục và chữa bệnh Ba Vì 2.
Sau gần 5 tháng lấy nhau, một ngày Ly đau đớn phát hiện ra chồng nghiện ma túy. Thấy Ly đã biết mọi chuyện nên chồng Ly không cần phải giấu giếm nữa. Anh cũng không đi làm như trước mà ngang nhiên hút, chích ngay tại nhà. “Đau khổ và sốc quá, mình gọi điện về cho mẹ chồng. Mẹ chồng bảo anh đã bị nghiện từ 1 năm trước và đã rất nhiều lần cai nhưng không thành rồi. Bà còn nói, cứ tưởng khi lấy vợ nó sẽ nghĩ lại mà cai nhưng giờ vẫn thế” - Ly kể.
Khi Ly đau đớn hỏi mẹ chồng rằng: “Tại sao biết con trai
nghiện mà mẹ không bảo con?", bà lạnh lùng và thẳng thừng trả lời: "Ai bảo cô ngu
không tìm hiểu kỹ. Còn tôi, tôi chẳng có trách nhiệm hay nghĩa vụ phải khai báo
với cô chuyện này. Giờ gạo nấu thành cơm rồi nên tôi cũng chẳng giấu cô làm gì
nữa. Cơ sự nó đã thế, cô là vợ phải chịu thôi".
Từ ngày biết lấy phải chồng nghiện, cuộc sống của Ly thay đổi
180 độ. Hàng ngày Ly phải bán hàng cùng mẹ để nuôi chồng nghiện và nuôi con gái
nhỏ. Nhiều lần, vì không có tiền đưa cho chồng hút, đâm, chích, Ly đã bị chồng
đánh đập không thương tiếc. Không chỉ thế, chồng Ly còn mang hết đồ đạc trong
nhà bán. Đến cái xoong bột, bình sữa của con, chồng nghiện của Ly cũng bán cho
đồng nát lấy tiền chơi.
Thấy con trai trên Hà Nội ngày càng nghiện ngập nặng, khi có
tiền thu hồi đất ruộng ở quê, bố mẹ chồng Ly đã cho chồng Ly đi cai nghiện. Sau
khi cai nghiện xong, nhà chồng chạy cho Minh đi xuất khẩu lao động sang Đức để
bắt đầu cuộc sống mới. Những ngày đầu chồng Ly sang Đức làm, mỗi tháng qua người
bà con, anh cũng gửi cho mẹ con Ly 100 - 200 USD.
Nhưng đùng một cái, chưa đầy một năm sang Đức làm, Ly nhận
được tin chồng đã âm thầm cưới một người phụ nữ khác cũng đang lao động bên đó
làm vợ. Người phụ nữ này cùng quê với quê chồng của Ly. Sững sờ nhất là khi Ly
biết rằng đây là một kế hoạch mà cả chồng và gia đình chồng cùng bắt tay thực
hiện để lừa dối mẹ con cô cho tới tận phút cuối cùng. Sau khi nghe chính lời xác
nhận phũ phàng từ mẹ chồng, mẹ con Ly còn phải nuốt nước mắt dọn đồ đạc ra khỏi
nhà để trả căn nhà đang ở cho mẹ chồng mà không thể kêu ca khi nhà chồng vin
vào cớ “hai người không có giấy đăng ký kết hôn” ra bắt bí.
Chán chường với số phận của mình, càng chán hơn cuộc hôn
nhân bỗng chốc bị nhà chồng phủi bay, bà mẹ một con cứ thế buông xuôi và trượt
dài sa ngã. Ban ngày Ly vẫn bán hàng, nhưng đêm đến vì quá chán,
quá buồn, quá hận chồng và nhà chồng tệ bạc, cô bắt đầu lao vào ma túy đá.
Năm 2011, khi đang tụ tập chơi ma túy đá cùng với vài người
bạn ở Bến xe Lương Yên (Hà Nội), Ly đã bị bắt vào Trung tâm giáo dục và chữa bệnh
Ba Vì 2. Những tháng ngày cai nghiện và lao động tại nơi cách xa Hà Nội này, Ly
mới thấm thía về sai lầm và ân hận khi nghĩ đến con gái nhỏ.
Nhà chồng ghẻ lạnh
sau tai nạn mất con đau đớn
Cùng cảnh ngộ như chị Khánh Ly, chị Nguyễn Thị Hằng (SN
1983), trú tại thôn Trúc, xã Ngũ Đoan, huyện Kiến Thụy, T.P Hải Phòng cũng từng
phải chấp nhận chung sống với một ông chồng điên điên khùng khùng chỉ vì không
tìm hiểu kỹ về người yêu trước khi cưới. Nhưng số phận của chị thì còn đau khổ
hơn khi sau khi cưới, ông chồng chỉ ở nhà mà không làm gì, toàn bộ gánh nặng
kinh tế trong nhà đều do một tay Hằng lo toan.
Đến khi Hằng mang thai và sinh cô con gái đầu lòng, vừa phải
đi làm công nhân kiếm tiền, vừa nuôi chồng bị thần kinh không ổn định, lại một
nách chăm con nhưng cô vẫn không hề phàn nàn lấy một câu. Cho tới khi tai họa bất
ngờ ập đến vào đúng lúc Hằng mang bầu đứa con thứ hai.
Đó là ngày 15-4-2013, khi đang trên đường đi làm như bao
ngày bình thường khác thì Hằng bị tai nạn giao thông, một chiếc xe công nông bất
ngờ chồm lên người khiến cô bị thương nặng. Lúc ấy, Hằng đã gần sát những
ngày cuối cùng của thai kỳ. Sau tai nạn bất ngờ xảy ra, bà bầu này đã phải tháo
khớp chân bên phải. Đứa con thứ 2 trong bụng Hằng được hơn 8 tháng, gần đến
ngày chuẩn bị sinh nở cũng không còn. Hằng phải nằm viện điều trị 53 ngày và phải
cắt bỏ tử cung.
Sau tai nạn, Hằng trở thành người tàn tật và bị nhà chồng ghẻ lạnh
Sau đó, Hằng ra viện và về nhà chồng, nhưng mẹ chồng thường
xuyên cay nghiệt việc bỏ tiền nong chạy chữa bệnh cho mình, rồi cứ thỉnh thoảng
bực mình lên, bà lại đuổi cô cút khỏi nhà. Không chịu nổi sự tủi thân đó, cô gọi
điện xin bố đẻ lên đưa mình về. Ông Nguyễn Khắc Đơm – bố ruột của Hằng chua
chát nói: “Tôi già như thế này mà phải lọ mọ đạp xe lên nhà chồng nó để đón con
gái về. Chở đứa con gái bị nhà chồng trả về sau lưng, lòng tôi đau như cắt.
Không có cảnh nào khổ và cay đắng hơn cảnh một ông già còng lưng chở đứa con
tàn phế hơn 30 tuổi về nhà”.
Về nhà bố mẹ đẻ một thời gian, vì nhớ con nên cô lại nhờ bố
chở xe đạp về nhà chồng thăm con. Về đến nhà chồng thì cô bất ngờ được hàng xóm
cho biết, chồng cô đã mang quần áo của cô ra đốt hết. Sau đó, Hằng phải nhờ người
đón con gái của mình về nhà ngoại chơi với mẹ một vài hôm. Thế mà con vừa về với
mẹ được vài tiếng, chồng đã tức tốc đến đón về, lại còn chửi bới bố mẹ vợ và vợ
um lên khiến ông Đơm chỉ biết khóc lóc trong tức tối.
Đến giờ, Hằng vẫn chỉ biết bật khóc nức nở khi nhắc chuyện
cũ. Cô bày tỏ nguyện vọng: “Giờ tương lai của em chẳng còn gì nữa. Mong ước duy
nhất của em bây giờ là được sống cùng con gái lớn của mình. Cháu sống với nhà nội
không có quần áo đẹp mặc, không ai chăm sóc. Bố chồng thì luôn nói tốt với mọi
người. Nhưng chính ông còn nhiều lần bảo em rằng đáng lẽ em nên chết thì mọi việc
sẽ may mắn hơn”.
Hóa điên vì nhà chồng
đối xử tệ bạc
“Hồng nhan bạc mệnh”, sinh ra và lớn lên trong một gia đình
nghèo ở Hòa Bình, vì thế, khi tròn 18 tuổi, cô gái vùng cao H.T.A đã quyết tâm từ giã
cha mẹ theo bạn bè xuống Hà Nội lập nghiệp.
Trong tháng ngày bươn chải nơi phồn hoa đô thị, H.T.A đã gặp và
yêu một người đàn ông lớn hơn mình 3 tuổi, nhưng khi T.A chuẩn bị đưa anh chàng
về ra mắt gia đình thì bỗng nhận được tin từ mẹ: “Bố mẹ đã nhắm cho con một
đám, cuối tháng này con về làm lễ ăn hỏi nhé”. Nghe tin dữ, cô như lặng đi rồi
gào khóc và xin mẹ thay đổi quyết định. Nhưng rồi cô đã bất lực khi bố tuyên bố
“Bố nhận lễ người ta rồi. Tiền tiêu hết rồi, giờ mày không về thì bố tính sao
đây”. Vì làm tròn chữ Hiếu, T.A đành nuốt nước mắt chia tay mối tình đầu và lên
xe hoa về nhà chồng theo sự sắp đặt của bố mẹ.
Những ngày mới về làm dâu, T.A đã cố gắng nỗ lực hết mình để
làm cho bố mẹ chồng vui. Mẹ chồng cô luôn nhẹ nhàng, chỉ dạy con dâu mà không một
lời phàn nàn. Nhưng ngược lại, bố chồng cô lại là người nghiện rượu và hay chửi
bới. Ông hay tìm cách gây sự với con dâu, dù chẳng có chuyện gì. Cứ mỗi lần
say, ông lại lôi T.A ra nói này nọ “cha bố mày, cái đồ không học, mới nứt mắt đã
lấy chồng”, “cha bố mày cái đồ lắm chuyện này…”.
H.T.A đã phải vào bệnh viện tâm thần điều trị vì không chịu nổi sự khắc nghiệt của nhà chồng.
T.A đã cố gắng nhiều để tránh va chạm nhưng mâu thuẫn ngày
càng sâu sắc. Chồng cô mới đầu còn bênh vợ nhưng rồi sau đó, vì nhiều lý do khiến anh ức chế mà đứng về
phía bố chồng chửi vợ thậm tệ. Thậm chí là túm tóc, đánh vợ thường xuyên khiến
cô nhiều lần mặt mày tím tái.
Mới chỉ 18 tuổi nhưng cô gái trẻ đã phải nếm trải bao nhiêu
đắng cay do cuộc hôn nhân bố mẹ sắp đặt. Cô không còn biết nói chuyện với ai. Mẹ
chồng biết, nhưng bất lực nhìn con dâu bị hành hạ. Đôi khi T.A thấy mẹ chồng khóc xin trong bất lực. T.A từng nghĩ đến cái chết nhưng rồi khi nghĩ đến bố mẹ cô lại
không đành lòng.
Nỗi đau chồng chất khiến T.A ngày càng bị trầm cảm, cho tới
ngày cô tới bệnh viện khám và bác sĩ đã cho cô thuốc để uống. Nhưng đau đớn
thay, khi chồng cô phát hiện ra túi thuốc, anh ta điên cuồng vứt hết và tuyên bố
cấm vợ uống thuốc cho tới khi sinh một đứa con. T.A vẫn kiên trì lén lút điều trị
nhưng chẳng được bao lâu, khi bố chồng và chồng phát hiện, người túm tóc, người
chửi nói cô không ra gì, chồng cô còn cầm điếu cày đánh vào lưng vợ. Trong cơn
tuyệt vọng, cô gái trẻ đã phát điên và có những phản ứng đường cùng khiến nhà
chồng sợ hãi.
Đến khi tỉnh lại, T.A không nhớ rõ chuyện hôm đó thế nào. Sau
này nghe mọi người kể lại cô mới biết mình bị buộc hết tay chân và đưa vào bệnh
viện tâm thần. Từ hôm đó tới khi cô nằm viện được 2 tháng, chồng chỉ tới thăm T.A một lần,
khi nghe nói T.A có triệu chứng bị tâm thần, anh đã biệt tăm luôn. Khi sức khỏe đã ổn định hơn và chuẩn bị được xuất viện, T.A chua chát nói cô cũng chưa biết sẽ đi về đâu nữa...