Cô gái ngực cup D mắc bệnh ung thư vú, nữ đồng nghiệp phỏng đoán "ngực to dễ mắc bệnh, tôi ngực cup A nên không sao", bác sĩ lý giải thế nào?
Bác sĩ Giang Khôn Tuấn tỏ vẻ kinh ngạc khi nghe phỏng đoán sai lầm về ung thư vú của đồng nghiệp bệnh nhân Dương.
Trong chương trình "Doctor is hot", bác sĩ Giang Khôn Tuấn, khoa ngoại, bệnh viện Min-Sheng General Hospital, Đài Loan, chia sẻ về trường hợp một bệnh nhân nữ là cô Dương (28 tuổi) là nhân viên văn phòng, có ngực cup D.
Ngày thường, cô Dương chăm chỉ tập thể thao rèn luyện sức khỏe, nhưng không may cô được chẩn đoán mắc căn bệnh ung thư vú giai đoạn 2. Một thân một mình đến Đài Bắc làm việc, nên khi mắc bệnh ung thư, cô Dương không dám thông báo cho người nhà mà chia sẻ với 2 nữ đồng nghiệp.
Sau khi cô Dương tiến hành phẫu thuật, một trong 2 nữ đồng nghiệp hỏi bác sĩ: "Tại sao cô ấy còn trẻ mà lại mắc bệnh ung thư vú trong khi tiền sử gia đình không có người mắc bệnh và cô ấy không sa đà vào thói quen xấu?". Một nữ đồng nghiệp khác phỏng đoán: "Tôi nghĩ do ngực của cô ấy quá lớn nên dễ mắc bệnh, tôi có ngực cup A nên không sao".
Bác sĩ Giang Khôn Tuấn tỏ vẻ kinh ngạc khi nghe phỏng đoán sai lầm của đồng nghiệp bệnh nhân Dương. Bởi theo kinh nghiệm khám chữa bệnh, bác sĩ đã từng điều trị cho nhiều bệnh nhân có ngực cup A mắc bệnh ung thư vú. Bác sĩ Giang Khôn Tuấn cho hay: "Phụ nữ Châu Âu có cỡ ngực lớn hơn phụ nữ Châu Á, nhưng tỉ lệ phụ nữ Châu Á mắc bệnh ung thư vú chưa bao giờ thua kém phụ nữ Châu Âu, do đó phỏng đoán của nữ đồng nghiệp bệnh nhân Dương là sai lầm".
Bác sĩ Giang Khôn Tuấn giải thích: "Những người phụ nữ có cỡ ngực lớn đa số là do hình thể của họ phát triển nên cỡ ngực lớn hơn người bình thường. Nguyên nhân khiến họ dễ mắc bệnh ung thư vú là do thể trạng của họ mập. Đặc biệt phụ nữ độ tuổi mãn kinh nếu có chỉ số BMI = cân nặng/bình phương chiều cao, gia tăng theo từng năm thì tỉ lệ mắc bệnh ung thư vú tăng 18%".
Do đó, size ngực của phụ nữ và bệnh ung thư vú không liên quan đến nhau, BMI mới chính là yếu tố liên quan. "Nếu cỡ ngực của phụ nữ lớn là do chỉ số BMI cao hơn mức thông thường, thì nguy cơ mắc bệnh ung thư vú gia tăng", bác sĩ Giang Khôn Tuấn thông tin thêm.
Bác sĩ Giang Khôn Tuấn dẫn chứng: "Khi bạn đi bơi hoặc đi xông hơi, nếu bạn nhìn thấy người phụ nữ bên cạnh có bộ ngực chảy xệ, bạn không nên chê cười cô ấy. Có nghiên cứu chỉ ra, những phụ nữ có mật độ vú đặc, dày có nguy cơ mắc bệnh ung thư vú cao hơn. Phụ nữ có bộ ngực chảy xệ là do cô ấy có mật độ vú thấp nên khả năng mắc bệnh ung thư vú thấp hơn".
Ung thư vú giai đoạn 2 là gì?
Ung thư vú là các tế bào vú phát triển bất thường không theo sự kiểm soát của cơ thể, tạo thành khối u với những đặc điểm ác tính như xâm lấn các mô xung quanh và tế bào ác tính có khả năng di căn đến các cơ quan xa trong cơ thể.
Ung thư vú chia làm 4 giai đoạn. Ung thư vú giai đoạn 2 nghĩa là khối u có thể chưa hay đã lan tới các hạch bạch huyết, tuy nhiên chưa lan tới các cơ quan ở xa trong cơ thể.
Những dấu hiệu ung thư vú giai đoạn 2
Đau vùng ngực: Có thể đau âm ỉ, đôi khi không rõ ràng. Đau có thể kèm nóng rát.
Thay đổi vùng da: Da vùng ngực có thế màu đỏ hay màu tím.
Sưng hay nổi hạch ở ngực: Ngực có thể thấy bị sưng bất thường, thấy hạch vùng nách sưng to.
Ngứa ở ngực: Kèm theo các triệu chứng đau, sưng có thể thấy ngứa.
Đau lưng, vai hoặc gáy: Một số phụ nữ thay vì đau ngực lại có cảm giác thường xuyên đau lưng hoặc đau vai gáy.
Theo Ettoday