BÀI GỐC Điên tiết vì cái thói láo và "ngang như cua" của vợ

Điên tiết vì cái thói láo và "ngang như cua" của vợ

(aFamily)- Trong vợ tôi có cả hai kiểu tính ngang ngược và ngang láo. Được nuông chiều nên cô ấy muốn quyết định theo sở thích và sẵn sàng cãi chồng với lời lẽ không kiểm soát.

14 Chia sẻ

Chồng tôi tính như... đàn bà

,
Chia sẻ

(aFamily)- Nhà tôi cách cơ quan 40km. Tan làm là tôi về thẳng nhà nhưng chỉ về trễ 15’ là chồng tôi sa sầm dù tôi có giải thích hoặc điện thoại báo trước.

Đọc bài của anh Phú, tôi như thấy có mình ở trong đó. Nhưng ở đây, tôi ở vị trí giống người vợ của anh.

Tôi không được khéo léo trong chuyện bếp núc. Nhưng không phải vì tôi là con út và được nuông chiều (ngược lại tôi là con cả) mà vì tôi sống trong một gia đình mà má tôi là trụ cột, phải bươn chải kiếm tiền. Những bữa ăn trong nhà tôi lúc nào cũng sơ sài, một ít rau luộc, một ít thịt kho lúc thì khét lúc thì mặn đắng. Tôi không được má dạy nấu ăn (Má tôi đến giờ cũng nấu ăn rất dở).

Đến khi tôi lớn, tôi cũng tập tành nấu, cũng đi học nấu ăn. Cũng nấu tạm ổn. Nhưng chỉ xoay đi xoay lại vài món ăn gia đình. (Tôi cho rằng nấu ăn cũng cần 1 cái khiếu – mà tôi và cả má tôi dường như không có cái khiếu đó dù thường xuyên lăn vào bếp).

Khi lập gia đình, gia đình chồng tôi là người Huế, rất cầu kỳ trong việc ăn uống. Tôi rất khổ sở và tự ti mỗi khi vào bếp nấu món gì đó cho gia đình chồng. Tôi thích phụ bếp hơn là làm bếp chính. Tôi làm đủ mọi công đoạn trừ mỗi việc là nêm nếm gia vị món ăn.

Má chồng tôi dường như cũng hiểu chuyện đó mà không trách mắng tôi. Ngược lại, mỗi khi tôi có nấu món gì thì má chồng đều kêu mọi người ăn hết (dù nó có không được ngon và hợp khẩu vị). Má chồng chỉ tôi làm cái này, làm cái kia...Chính vì thế mà tôi biết ơn má.

Ngược lại chồng tôi lại có tính giống anh. Đôi khi tôi kỳ công đi chợ và nấu ăn cho chồng ăn. Mất cả buổi sáng, mồ hôi nhễ nhại. Biết là mình nấu không ngon, nhưng cũng mong mỏi chồng biết được cái “tâm” của mình mà trân trọng nó. Vậy mà chồng tôi luôn miệng chê bai (chê bai chứ không góp ý) làm tôi cũng thấy tự ái (dù biết cái tự ái ấy được đặt không đúng chỗ. Phàm con người thường có cái tính đó mà. Đặc biệt nếu như anh không được tinh tế, chê bai thẳng thừng trước mặt những người khác thì đừng mong vợ anh thừa nhận mình nấu dở và cố hơn ở lần sau).

Tôi không biện bạch cho mình hay cho vợ anh. Nhưng tôi nghĩ mình nên xét ở phần chìm hơn là phần nổi. Tôi thấy người ta thường mặc định đàn bà là phải khéo, phải biết nấu ăn ngon, chiều chuộng chồng. Không làm được thì đã vội đánh giá là hư đốn. Như vậy thì có cực đoan quá không? Ít ra ở đây, tôi thấy vợ anh cũng đã cố chiều anh mà nấu món anh thích. Ít ra, cô ấy cũng có mong muốn chăm sóc chồng, cũng muốn mình khéo léo đảm đang chứ không phải không muốn và không làm gì cả.

Và ở đây, chỉ cần anh tinh tế hơn một chút. Cố gắng ăn cho xong bữa, sau đó bảo nếu em nấu theo kiểu thế này, thế này...thì anh sẽ thích hơn nhiều. Thì tôi nghĩ cô ấy sẽ hiểu và sau đó nấu theo ý của anh.

Tôi cũng có tính xuề xòa, sao cũng được. Chồng tôi ngược lại, cực kỳ ngăn nắp. Mọi thứ trong nhà cũng đều phải có trật tự của nó. Cả cái áo dơ, đôi dép, cái chổi đều phải ở đúng vị trí của nó. Nếu không thì chồng tôi rất gai mắt và lập tức “lèm bèm”. Trước khi có con, tôi cũng làm theo ý anh. Nhưng đến khi có con rồi. Bé cứ bầy ra mọi thứ để chơi. Chưa kịp dọn, chồng tôi đã lên tiếng. Bé vừa tè xong, chưa kịp cất cái quần dơ, chồng tôi cũng lên tiếng. Bé ăn, trây trét lung tung, chồng tôi cũng lầm bầm.

Tôi đi làm về rất mệt mỏi, loay hoay với con mà lại nghe tiếng cằn nhằn kế bên, lắm khi cũng khó chịu. Mà khổ cái, chồng tôi cứ to tiếng, bô bô cho cả người trong nhà nghe. Cứ như tôi là người ẩu, đoảng lắm. Lúc đó, chỉ ước sao chồng tôi phụ tôi một chút. Ít ra thì cũng ngó con 1 chút cho tôi dọn dẹp thì tốt hơn là đứng đó chỉ trích.

Mà chồng tôi cũng nghĩ mình đi làm nhiều tiền nên có quyền. Anh cứ về làm nằm lăn ra coi Tivi, mặc tôi loay hoay với con. Con ngủ rồi lại loay hoay với việc rửa chén bát, giặt đồ. Anh luôn là người đi ngủ trước tôi (trừ những ngày có bóng đá). Và luôn luôn càm ràm những chuyện tủn mủn (tủn mủn như chuyện treo quần áo dơ không được gọn gàng, hay cái khăn của bé không đặt đúng vị trí)...Vậy nên tôi cũng bảo anh... tính như đàn bà.

Tôi ước sao chồng tôi phiên phiến 1 chút và có thể thông cảm cho vợ hơn. Thay vì ngồi đó càm ràm thì cùng phụ tôi một chút. Như vậy tôi sẽ khỏe hơn. Có sức mà lo cho chồng con nhiều hơn.

Chồng tôi cũng hay cằn nhằn về việc tôi về trễ. Trễ theo kiểu của anh ấy. 4h30 tôi đã tan giờ làm. Nhưng tôi phải chạy xe mất 1h từ chỗ làm về (nhà tôi cách cơ quan 40km). Tôi áy náy với con nên bao giờ tôi cũng về thẳng nhà, ít khi ngó nghiêng hay mua sắm linh tinh. Nhưng đi về xe đông, lắm khi kẹt xe. Đôi khi sếp cũng yêu cầu ở lại làm thêm. Nhưng chỉ cần tôi về trễ 15’ là chồng tôi sa sầm mặt dù cho tôi có giải thích hoặc điện thoại báo trước. Lắm khi tôi lo sợ phóng xe về thật nhanh cho vừa ý anh ấy (dù đường đi làm xe tải nhiều, sơ sảy là mất mạng).

Khi về đến nhà, thấy mẹ chồng tôi cũng chào. Tôi khá nhút nhát và xấu hổ nên thời gian đầu tôi chào mẹ chồng mà cứ lí nhí trong miệng. Gia đình chồng không nghe cứ tưởng tôi hỗn hào. Sau này được chị bạn trong cơ quan giải thích tôi mới hiểu (rằng thói quen rất xấu của tôi hay người miền Nam nói chung là hay ăn nói trống trơn, trụi lũi. Người Huế trọng câu chào, khi tôi “nhập gia thì phải tùy tục”).

Sau này về nhà, thấy mẹ chồng tôi chào lớn tiếng hơn cho mẹ nghe (nhưng nói gì thì nói, trong nhà nhiều người mà có mỗi tôi đi hay về là chào, chồng tôi hay chị em chồng tôi cũng chả thấy chào bao giờ. Tôi nghĩ chồng tôi cũng phải làm gương. Nhà có khuôn phép thì người lạ vào nhà cũng sẽ theo cái khuôn phép đó. Chứ không có “kiểu con dâu, con ruột”. Con dâu phải làm, con ruột thì không).

Tâm lý của người mẹ, đi làm xa thì nhớ con lắm. Tôi về nhà thì điều đầu tiên là nghĩ đến con, muốn ôm con. Nếu vợ anh có làm thế thì tôi nghĩ tôi có thể hiểu được vợ anh. Nhưng nếu vợ anh có ôm con trước mà anh suy ra là xem mẹ chồng như osin là không đúng. Tôi cũng biết ơn mẹ chồng đã chăm sóc con mình. Nhưng không phải cứ đi làm về là “Con cám ơn mẹ đã chăm sóc cháu”.

Tôi chỉ biết lâu lâu mua ít trái cây, đồ ăn cho nhà. Lâu lâu mua cho mẹ chồng vài món quà để thể hiện sự yêu mến, biết ơn của tôi. Tiếng cám ơn, đôi khi được thể hiện bằng cử chỉ hành động chứ không phải mở miệng.

Tôi cũng mâu thuẫn trong việc nuôi con với gia đình chồng. Rất rất nhiều là khác. Ví dụ như má chồng tôi chỉ muốn cho cháu ăn nước rau với cháu. Tôi lại muốn cho bé ăn cả cái cho đủ chất. Tôi muốn cho ăn nghiêm túc, không có vừa ăn vừa chơi. Bên chồng tôi là nghĩ vừa ăn vừa chơi bé mới ăn. Cũng còn nhiều thứ nữa.

Ai cũng nghĩ mình đúng, không nghĩ mình sai. Có lúc tôi phải mời mẹ chồng đi nghe tư vấn bác sỹ với tôi để nghe cách chăm sóc cháu cho đúng. Cũng may, má chồng là người tôn trọng tôi dù nhiều thứ má không đồng ý với tôi. Anh là người đúng giữa, càng phải cư xử cho khéo léo. Chồng tôi cũng như anh. Chỉ đứng giữa, không tham gia vào câu chuyện. Tôi có may mắn hơn vợ anh, là có người mẹ chồng tinh tế. Nhờ vậy mà mọi thứ không đến nỗi trầm trọng. Bé con của tôi phát triển rất tốt. Chiều cao, cân nặng đều vượt chuẩn. Tôi rất biết ơn má chồng đã tôn trọng, hiểu và thông cảm cho tôi.

Tôi kể đây, không phải bao biện cho vợ anh. Vợ anh có cái là thương chồng con, nhưng không hiểu, hay không biết là thương chồng con thì cũng phải thương yêu gia đình chồng. Nếu không thương yêu được thì cũng phải có sự tôn trọng tối thiểu. Tôi nghĩ anh phải giải thích cho cô ấy hiểu. Chăm sóc cha mẹ chồng lúc ốm là cái đạo của người làm con. Mình không có hiếu với cha mẹ, sau này con cái nó cũng bắt chước mình.

Mà trước mắt anh cũng phải làm gương, đừng dạy những điều sáo rỗng. Anh buộc vợ anh phải lễ phép mà bản thân anh không lễ phép với cha mẹ thì cũng không được. Anh chăm sóc mẹ anh khi mẹ anh ốm. Anh dắt cả con và vợ vào bệnh viện thăm bà nếu vợ anh từ chối bảo phải chăm sóc con. Anh cũng phải làm thế nếu gia đình bên vợ anh có chuyện. Chồng tôi cưới tôi rồi thì không thèm đếm xỉa tới má ruột tôi. Cả khi má tôi nhập viện, chồng tôi cũng không vào thăm. Tôi cũng buồn nên buộc chồng phải chở vào, dù anh không muốn.

Còn nước còn tát. Vợ ấy không đến nỗi bỏ đi để anh bỏ cô ấy. Dùng vũ lực thì chỉ làm cô ấy khinh ghét thêm mà thôi. Mà tôi thấy dùng vũ lực chỉ là biểu hiện của người bất lực, không biết phải giải quyết công việc như thế nào.

Bỏ vợ thì con khổ mà mẹ anh cũng không vui. Mong anh sáng suốt mà giải quyết vấn đề.

Chia sẻ