Chồng đến nhà mẹ đẻ nói gửi trả vợ về "nơi sản xuất"
Anh còn vứt hết quần áo của tôi đi. Đau khổ tôi bế con vào ông bà nội thưa chuyện. Nhưng ông bà nội nói "Mày không sống được thì chia tay". Tôi hết cách bỏ về nhà mẹ đẻ. Chồng tôi còn đến nhà mẹ đẻ nói với mẹ vợ rằng gửi trả tôi.
Xin gửi chị Trần Kiều Anh - Tác giả bài viết: "Số phận xô đẩy cuối cùng cũng có điều kì diệu xảy đến với tôi"!
Tôi đang bước vào giai đoạn hoang mang và lo sợ vô cùng. Tôi sợ rồi con tôi sẽ không có bố, con gái mới lên 2 tuổi chưa gọi rõ tên bố, tên mẹ. Vậy mà chồng tôi muốn ly hôn.
Tôi năm nay 25 tuổi là giáo viên, còn chồng tôi 29 tuổi là nhân viên tiếp thị cho một công ty thuốc lá. Tôi lập gia đình được 3 năm. Chúng tôi yêu nhau được hơn 1 năm thì cưới.
Trước khi lấy nhau, tôi đã nghe rất nhiều tin đồn không tốt về anh. Rằng anh nghiện ma túy, rằng gia đình anh không gia giáo hay nói các khác là lôm côm. Nhưng tôi vẫn tin tưởng và quyết định ngắn bó đời mình với anh. Quyết định đó đã làm cho tôi đêm nào cũng phải thẫm đẫm nước mắt.
Gia đình tôi không giàu có nhưng từ nhỏ chị em tôi đã được bố mẹ cho ăn học. Lớn lên chúng tôi có công việc tử tế. Chúng tôi được bố mẹ giáo dục rất tốt (đó là nhận xét của hàng xóm).
Gia đình tôi không giàu có nhưng từ nhỏ chị em tôi đã được bố mẹ cho ăn học. Lớn lên chúng tôi có công việc tử tế (Ảnh minh họa)
Vì bố mẹ chỉ làm ruộng nên kinh tế gia đình có khó khăn. Vì thế khi đi lấy chồng mẹ có nói sẽ vay mượn cho tôi 3 chỉ vàng. Nhưng vì thương bố mẹ vừa chạy việc cho 2 chị em nên tôi đã 1 mực từ chối. Tôi cũng đã nói chuyện này với chồng. Anh tỏ ra thông cảm.
Nhưng rồi khi đám cưới kết thúc bố mẹ anh tỏ rõ thái độ khinh thường con dâu. Họ dùng những lời lẽ thô tục. Mẹ chồng đi nói chuyện khắp nơi rằng: "Nó đi lấy chồng chỉ có cái người khô". Tôi và gia đình đau đớn vô cùng. Nhưng do bản tính cam chịu tôi bỏ ngoài tai.
Và chúng tôi có con gái. Tôi được nghỉ đẻ 4 tháng. Đến tháng thứ 5 đi làm tôi có nhờ bà nội trông cháu thì bà nói thẳng: "Bảo bà ngoại trông cho". Lòng tôi đau quặn thắt kể chuyện với chồng thì dường như anh cũng không có ý kiến gì. Anh rất nghe lời bố mẹ.
Vậy là ngậm đắng nuốt cay, sáng nào tôi cũng phải bế con gửi bà ngoại. Những hôm bà ngoại đau ốm gửi ông bà nội cũng không bế. Ông nội nói "Nhà mày đẻ con ra thì trông nó. Không trông được thì thuê ô sin".
Có bác hàng xóm nói ông bà chê tôi ít biếu tiền nên mới tỏ thái độ vậy. Nhưng quả thật lương giáo viên của tôi tằn tiện cũng chỉ đủ lo cho con. Trong khi đó chồng tôi đi làm lương cũng khá (ở quê lương 7-8 triệu 1 tháng là cao) mà thi thoảng mới đưa được 1 vài trăm cho vợ.
Cái xe 2 vợ chồng mua, anh mang cắm 2 lần. Lần thứ 3 thì anh mang bán, vợ không có xe đi làm phải đi nhờ. Nghe 1 người bạn nói, anh ra đường thường xuyên quán xá, trai gái. Tôi cũng nhiều lần bắt gặp anh nhắn tin ngon ngọt với người khác mà không cần giải thích với tôi. Đã vậy về nhà, anh còn đối xử tệ bạc với vợ. Anh thường xuyên đuổi tôi ra khỏi nhà.
Sống trong cảnh khổ sở đó đêm nào tôi thấm đẫm nước mắt. Nhưng tôi vẫn cam chịu cho đến 1 ngày con tôi được 2 tuổi. Tôi muốn cho con đi lớp để ông bà ngoại còn làm.
Nhiều lúc nghĩ quẩn không muốn sống nhưng vì thương con, thương bố mẹ, tôi không thể chết (Ảnh minh họa)
Khi bàn chuyện đóng học cho con, chồng tôi đã nổi khùng. Tôi bực mình, nấu cơm xong không ăn mà chạy vào bà ngoại với con. Chiều về, chồng tôi khóa cửa không cho vào nhà.
Anh còn vứt hết quần áo của tôi đi. Đau khổ tôi bế con vào ông bà nội thưa chuyện. Nhưng ông bà nội nói "Mày không sống được thì chia tay". Tôi hết cách bỏ về nhà mẹ đẻ. Chồng tôi còn đến nhà mẹ đẻ nói với mẹ vợ rằng gửi trả tôi. Có nỗi đau nào lớn hơn không?
Tôi ỏ trong bà ngoại cũng được hơn 1 tháng rồi. Lòng tôi đau quặn thắt. Tôi gầy dộc xanh xao. Muốn ly hôn với chồng, nhưng lại nghĩ vấn đề đạo đức tôi là 1 giáo viên và thương con còn bé mà không có bố nên tôi lại thôi (Tôi đã chứng kiến nhiều đứa trẻ bố mẹ bỏ nhau tâm lý bị xáo trộn). Nhiều lúc nghĩ quẩn không muốn sống nhưng vì thương con, thương bố mẹ, tôi không thể chết.
Giờ tôi cô đơn vô cùng và không biết làm sao để vượt qua được giai đoạn này đây? Liệu niềm vui có thật sự trở lại với tôi?