CEO nổi tiếng tiết lộ 2 kiểu người cơ bản trong môi trường công sở, chị em nên đọc để biết mình thuộc kiểu nào
Bất kỳ môi trường công sở nào cũng tồn tại 2 kiểu người rất dễ nhìn thấy. Hoạt ngôn hoặc im, biết tất cả hoặc học tất cả.
Chắc hẳn không ít lần trong đời, chị em công sở nhìn những đồng nghiệp có vốn kiến thức rộng về nhiều lĩnh vực bằng một ánh mắt ngưỡng mộ và ước ao.
Có một thực tế chẳng thể phủ nhận rằng, việc sở hữu khối lượng kiến thức lớn và đa dạng dường như khiến các chị em dễ dàng tương tác và kết nối hơn với mọi người xung quanh. Đơn cử như trong một buổi tiệc với sự tham gia của đủ mọi thành phần quan khách, một cô gái hiểu biết rộng sẽ có thể tiếp chuyện được với nhiều người để rồi thu hút được sự chú ý.
Tuy nhiên, phàm mọi việc ở đời đều có hai mặt tồn tại song song. Hiểu biết rộng có phải là yếu tố tiên quyết đưa chị em đến với những thành công trong công việc và cuộc sống? Câu trả lời chính là chưa hẳn.
Nếu chỉ dừng lại ở mức độ "biết tuốt", "biết tất" mà chẳng chịu đào sâu tìm hiểu cặn kẽ gốc rễ vấn đề, chị em sẽ chẳng thể ứng dụng vốn hiểu biết ấy vào công việc một cách triệt để. Và đối với quan điểm của nhiều lãnh đạo doanh nghiệp trong đó có Satya Nadella - CEO của Microsoft, người "biết tất cả" chưa hẳn vượt trội hơn người chịu "học tất cả".
(Ảnh minh họa)
Câu chuyện chọn người của CEO Microsoft
3 năm trước, Satya Nadella trở thành CEO của Microsoft – tập đoàn công nghệ đình đám hàng đầu thế giới. Bằng những chiến lược kinh doanh tốt cũng như phong cách lãnh đạo tuyệt vời, người đàn ông đến từ Ấn Độ đã phần nào mang Microsoft trở lại thời kỳ đỉnh cao huy hoàng trong thời gian gần đây.
Nắm giữ vai trò chủ chốt của một trong những công ty có quy mô lớn nhất toàn cầu, chắc hẳn Satya Nadella sở hữu những nét tính cách độc đáo rất riêng mà trên cương vị của một nhà lãnh đạo thành công cần phải có.
Ông từng có nói một câu rất đáng nhớ: "Đừng trở thành người biết tất cả, hãy trở thành người học tất cả". Bài học này của CEO Microsoft khiến nhiều người tấm tắc và lấy đó làm kim chỉ nam để phấn đấu và trau dồi bản thân để có thể trở thành một thành tố quan trọng trong doanh nghiệp.
Satya Nadella - CEO của Microsoft.
Cụ thể hơn về câu chuyện nên chọn người "biết tất cả" hay người chịu "học tất cả", Satya cho rằng: "Khi đọc cuốn Mindset của Carol Dweck, tôi nhận thấy có 2 loại người cơ bản. Một loại là những người "biết tất cả" và loại còn lại là "học tất cả". Và loại người học tất cả luôn vượt trội hơn cả cho dù người biết tất cả có được những lợi thế ban đầu. Quay trở lại với kinh doanh, tôi nghĩ nó cũng có thể áp dụng cho CEO giống như tôi và thậm chí là cả tập đoàn giống như Microsoft".
Nên gia nhập team "biết tất cả" hay "học tất cả" nơi công sở?
Câu chuyện "biết tất cả" hay "học tất cả" thật ra không phải là một vấn đề hoàn toàn mới. Trong quá trình ròng rã 12 năm trời ngồi trên ghế nhà trường cộng thêm 4 năm miệt mài trên giảng đường đại học, chị em chắc đã không ít lần được nghe qua câu nói "một nghề cho chín, còn hơn chín nghề" hay đại loại như "biết nhiều không bằng hiểu sâu".
(Ảnh minh họa)
Thật vậy, mọi lĩnh vực trong cuộc sống, dù nghe qua có vẻ đơn giản đến mấy cũng đều bao hàm rất nhiều khía cạnh và hạng mục mà phải mất rất nhiều năm học tập, nghiên cứu cũng như ứng dụng thực tế, chúng ta mới có thể có cái nhìn chân thực và tỏ tường.
Đối với những cá nhân tự cho là mình biết tất cả, họ thường chỉ hiểu một phần vấn đề hoặc hiểu không sâu. Đến lúc ứng dụng hiểu biết của bản thân mình vào công việc, họ sẽ sử dụng cái nhìn phiến diện, mang một đặc điểm nào đó mà mình biết để nói lên bản chất của tổng thể, chẳng khác nào câu chuyện "thầy bói xem voi" là mấy. Và cái kết của sự vụ ấy chính là chẳng ai trong số những ông thầy bói nhìn nhận đúng vấn đề.
Hơn nữa, vì quá tự tin về năng lực bản thân, những chị em thuộc nhóm "biết tất cả" thường tự cho rằng mình hiểu rõ, biết rõ vấn đề, luôn thể hiện những gì mình biết. Không dừng lại ở đó, họ có khả năng phản kháng cực kỳ mạnh mẽ và bất chấp. Vì nghĩ mình biết nhiều nên họ dần trở nên bảo thủ, ích kỷ và chỉ tập trung vào ý kiến cá nhân mà chẳng thèm nghĩ suy về cảm nhận của người khác. Chỉ khi buộc phải đi sâu vào thực chất vấn đề, team "biết tất cả" mới dần lộ vẻ lúng túng vì chẳng biết nói gì trong trường hợp này. Sự ngang ngược, bất chấp và bảo thủ của họ biến team "biết tất cả" thành những thành tố độc hại, tác động xấu đến tập đoàn cũng như văn hóa doanh nghiệp.
(Ảnh minh họa)
Còn đối với những người "học tất cả", họ sẽ luôn lắng nghe, tiếp thu và phân tích rồi đối chiếu với vốn hiểu biết bản thân để có cái nhìn đa diện, nhiều chiều hơn. Thay vì trở thành chuyên gia để ba hoa chích chòe như team "biết tất cả", team "học tất cả" khiêm tốn, lắng nghe và luôn học hỏi. Để rồi thông qua công việc, qua những thành quả mà bản thân đã cống hiến, chị em team "học tất cả" chứng minh được năng lực rồi nhận được sự tin tưởng và trọng dụng của đồng nghiệp và lãnh đạo công ty.
Biết nhiều là một điều quá tốt, bởi nó thể hiện bản thân bạn đã dành rất nhiều thời gian để tìm hiểu các vấn đề khác nhau. Tuy nhiên, vẫn hãy chọn cho mình những thứ mà bản thân thật sự yêu thích cũng như đam mê để có thể đào sâu tìm hiểu. Bên cạnh đó, bể học là mênh mông, núi dẫu có cao thì vẫn sẽ có những ngọn núi cao hơn, nên chị em vẫn hãy giữ tâm thế lắng nghe, học hỏi để tiếp thu và mở rộng vốn hiểu biết. Biết nhiều, biết ít rốt cuộc cũng chẳng quan trọng bằng thái độ của chị em trước mọi việc.