Mình làm 10 năm vẫn lương bèo, đồng nghiệp mới vào đã được "nâng giá", muốn đẩy cửa phòng sếp đòi tăng lương mà không phải nhận kết đắng, chị em mau luyện bí kíp này

Lou,
Chia sẻ

Đòi tăng lương khó lắm, phải đâu chuyện đùa, làm mà không khéo mất việc như chơi.

Trong không khí văn phòng đang độ vắng lặng, ai nấy đều tập trung vào phần công việc của mình, bỗng cô đồng nghiệp xinh đẹp kéo ghế sát lại gần D., ghé tai thỏ thẻ: "Ê, tớ mới được sếp gọi vào phòng đấy, biết chuyện gì không? Tăng lương, một khoản kha khá". 

Nhìn đồng nghiệp hớn hở, D. cũng gượng cười mà trong lòng ngổn ngang trăm mối. Đồng nghiệp mới vào công ty ngót nghét được vài tháng còn D. làm việc miệt mài và cống hiến ở đây đã lâu, ấy vậy mà mức lương ở thời điểm hiện tại so với mức ngày đầu lúc trao đổi với nhân sự khi phỏng vấn, chẳng chênh lệch nhau là mấy.

Muốn đẩy cửa phòng sếp đòi tăng lương mà không phải nhận cái kết đắng, chị em buộc phải nằm lòng cẩm nang này - Ảnh 1.

Thấy bất công, D. mạnh dạn đẩy cửa phòng sếp, đòi tăng lương. Kết quả không mấy khả quan, lương của D. cũng được tăng lên một chút nhưng kèm theo đó là sự khó chịu ra mặt của sếp dành cho cô. 

Hơn nữa, sếp còn nghĩ D. chẳng chịu tập trung để làm tốt công việc của bản thân mình mà cứ suốt ngày ngồi lê đôi mách, hơn thua với đồng nghiệp từng chút một. Hình ảnh D. vì thế mà xấu đi ít nhiều trong mắt sếp.

Đối với chị em văn phòng mà nói, đòi sếp tăng lương là một việc vô cùng bình thường bởi đó là quyền và phần nào thể hiện nghĩa vụ cũng sự cam kết của người lao động đối với tổ chức. Tuy nhiên, nhiều chị em công sở vẫn xem đó là việc tương đối nhạy cảm, thể hiện sự đòi hỏi nên thường đợi những quyết định được đưa ra từ sếp.

Muốn đẩy cửa phòng sếp đòi tăng lương mà không phải nhận cái kết đắng, chị em buộc phải nằm lòng cẩm nang này - Ảnh 2.

Tuy nhiên, bị động chưa bao giờ là một giải pháp hay bởi những khúc mắc (nếu có) tồn tại sẽ ít nhiều ảnh hưởng đến tâm lý và thái độ của chị em đối với công ty. Chủ động đòi sếp tăng lương là việc chẳng dễ dàng gì; do đó, trước khi đẩy cửa phòng sếp để nói chuyện thẳng thắn, chị em cần chuẩn bị thật kỹ càng những vấn đề dưới đây:

Hãy tự hỏi bản thân mình đã mang lại được giá trị gì cho công ty

Vì ngại bản thân mình bị đồng nghiệp gán "đòi hỏi", "tị hiềm", "hơn thua", cũng như chẳng may nhận lại cái nhìn "tiêu cực" từ sếp mà nhiều chị em công sở chẳng tự tin nói lên tiếng nói, yêu cầu được tăng lương. 

Bên cạnh đó, cũng có không ít người chưa tự tin về năng lực của bản thân mình. Để xử lý vấn đề này, cách duy nhất chị em cần làm chính là tự hỏi: "Bản thân mình đã cống hiến được gì cho công ty này?".

Muốn đẩy cửa phòng sếp đòi tăng lương mà không phải nhận cái kết đắng, chị em buộc phải nằm lòng cẩm nang này - Ảnh 3.

Và tất nhiên, câu hỏi đầu tiên được đặt ra chính là mình đã làm việc ở công ty này bao lâu? Bản thân mình đã trực tiếp đóng góp công sức vào bao nhiêu dự án lớn, mang về cho công ty bao nhiêu lợi nhuận? Mình đã từng có sáng kiến và ý tưởng gì thúc đẩy hoạt động của công ty trở nên hiệu quả và năng suất hơn hay chưa? Trả lời được những câu hỏi đó, các chị em phần nào đánh giá được năng lực cũng như những đóng góp cho tổ chức trong thời gian làm việc. 

Tuy nhiên, điểm mấu chốt vẫn nằm ở bằng chứng. Đừng "chém gió" suông rồi yêu cầu cấp trên tin vào những lời nói hoa mỹ của mình mà hãy chuẩn bị đầy đủ những tài liệu để chứng minh. Đó có thể là báo cáo những dự án mà chúng ta đã từng làm qua. 

Đó cũng có thể là thống kê của một tổ chức uy tín nào đó về mức lương trung bình của vị trí mà chúng ta đang làm việc trên thị trường. Còn nếu đến cả lưu tài liệu cần thiết mà chị em cũng còn chưa chuẩn bị được thì cứ học cho xong việc đó đi đã rồi nói chuyện tăng lương sau.

Muốn đẩy cửa phòng sếp đòi tăng lương mà không phải nhận cái kết đắng, chị em buộc phải nằm lòng cẩm nang này - Ảnh 4.

Lời nói không mất tiền mua, lựa lời mà nói cho sếp tăng lương

Đòi hỏi được tăng lương là một việc quá đỗi bình thường và chẳng có gì phải ngại ngùng hay lo lắng khi cần chủ động chia sẻ câu chuyện đó với sếp. Đó là một phần trong công việc mà chị em phải làm, giống như hoàn thiện những nhiệm vụ hàng ngày. Đừng bao giờ nghĩ, tăng lương là việc mang tính cá nhân bởi nó liên quan trực tiếp tới quyền lợi và nghĩa vụ của người lao động cũng như trách nhiệm của công ty. 

Gõ cửa phòng sếp rồi bắt đầu bằng những câu nói kiểu như: "Em xin lỗi, nhưng em muốn làm phiền anh một chút", "Em biết ngân sách của công ty có hạn, nhưng em mong…", hoặc "Em thật sự chẳng muốn đâu, nhưng em phải nói rằng…",... sẽ chỉ khiến tình hình trở nên tồi tệ bởi nghe có vẻ như chị em đang cầu xin một việc gì đó mình không đáng được hưởng hoặc việc công ty tăng lương cho chúng ta chính là một tổn thất mà công ty không đáng phải chịu.

Hãy cứ thẳng thắn đi thẳng vào vấn đề và tạo cho sếp cảm giác các chị em đang nghiêm túc nhìn nhận yêu cầu được tăng lương một cách chân thành. Trong nhiều trường hợp, thông điệp là như nhau nhưng người ta có được thứ mình muốn hay không nằm ở cách ăn nói.

Muốn đẩy cửa phòng sếp đòi tăng lương mà không phải nhận cái kết đắng, chị em buộc phải nằm lòng cẩm nang này - Ảnh 5.

Chuẩn bị kế hoạch B

Tuy nhiên, chẳng ai có thể đảm bảo công cuộc thỏa thuận lại mức lương sẽ diễn ra một cách thành công trót lọt. Trong trường hợp chẳng ai mong muốn nhất, khi nhận được lời từ chối thẳng thừng từ sếp, việc tiên quyết chị em cần làm chính là giữ được sự bình tĩnh. Nếu không được tăng lương, chị em thử cân nhắc xem mình có thể yêu cầu một vài lợi ích khác ngoài lương hay không.

Bên cạnh đó, đừng quên hỏi lại sếp nếu thời điểm hiện tại chưa thật sự thích hợp vậy thì bao giờ. Hãy để chính miệng sếp đưa ra một mốc thời gian cụ thể để chị em có thể quay lại và tiếp tục nói về việc này một lần nữa.

Muốn đẩy cửa phòng sếp đòi tăng lương mà không phải nhận cái kết đắng, chị em buộc phải nằm lòng cẩm nang này - Ảnh 6.

Nếu thời điểm hiện tại, chị em chưa thể thuyết phục sếp thì đừng ngại ngùng hỏi thẳng sếp những yếu tố mà bản thân mình cần để xứng đáng với mức lương tốt hơn rồi phấn đấu và cải thiện từng ngày. Chẳng doanh nghiệp nào tiếc tiền với những cá nhân tạo ra giá trị và biết cống hiến cho công việc cả.

Dẫu biết công cuộc đàm phán lương vẫn tồn tại rất nhiều khó khăn, nhưng mong chị em vững tin cũng như chuẩn bị thật kỹ càng để gặt hái thêm được nhiều thành công. Bởi vì, chị em xứng đáng!

Chia sẻ