Bài học lớn đằng sau câu chuyện Giám đốc tuyển nhân viên bằng một cốc cà phê: Ý thức quan trọng hơn tri thức!

Min,
Chia sẻ

Việc tuyển dụng này có phần hơi kỳ lạ nhưng đằng sau đó là cả một bài học quý báu mà từ lâu rồi, dường như hội chị em chốn công sở đã bỏ quên. Đó chính là ý thức và trách nhiệm.

Có thể nói, buổi phỏng vấn giống như cánh cửa thông quan, mỗi ứng viên muốn gia nhập vào các công ty, tập đoàn đều bắt buộc phải vượt qua nó một cách trót lọt. Chính vì tính chất hệ trọng ấy, nên hầu như bất kỳ ai khi đi xin việc đều chuẩn bị thật kỹ từ trước đó, nào là viết mail chỉn chu, làm CV cẩn thận; cả áo quần thế nào, ngôn ngữ hình thể lúc ngồi phỏng vấn ra sao cũng được chú trọng không ít.

Tuy nhiên, với lượng người ồ ạt xin gia nhập công ty với duy nhất một đặc điểm (do đã chuẩn bị từ trước) như tay cầm bằng cấp, thần thái tự tin; nhà tuyển dụng cứ mãi cân nhắc, không biết phải chọn ai. Và thế là, để dễ dàng sàng lọc hơn, nhiều công ty đã nghĩ ra một số thử thách ngầm nhằm loại bỏ những thành phần không phù hợp. Trong đó, dùng một cốc cà phê để quyết định nhận hoặc loại ứng viên của vị Giám đốc dưới đây là đặc biệt hơn cả.

Giám đốc và cốc cà phê tuyển dụng kỳ lạ

Vị Giám đốc ấy chính là Trent Innes của công ty phần mềm kế toán Xero Australia. Ông chia sẻ, mỗi khi gặp ứng viên dự tuyển, ông sẽ mời họ xuống bếp và pha cho họ một cốc cà phê ngon, sau đó mới vào phòng phỏng vấn. Cuộc phỏng vấn diễn ra theo tuần tự như bình thường. Cuối buổi phỏng vấn, dựa vào nội dung được ứng viên trả lời và yếu tố cuối cùng phụ thuộc vào cốc cà phê kia, ông sẽ đưa ra quyết định.

Bài học lớn đằng sau câu chuyện Giám đốc tuyển nhân viên bằng một cốc cà phê: Ý thức quan trọng hơn tri thức! - Ảnh 1.

Cụ thể, ứng viên dù có giỏi giang, giàu tiềm năng đến đâu đi chăng nữa, nếu kết thúc buổi phỏng vấn mà không mang cốc cà phê vừa uống xong quay về bếp để rửa, ông sẽ không bao giờ chấp nhận họ vào công ty làm việc. Giải thích cho việc làm này của mình, Trent Innes chia sẻ:

"Bạn có kiến thức, có kinh nghiệm, có thể trang bị được cho mình nhiều kỹ năng thật tốt phục vụ cho công việc, nhưng tất cả những thứ đó không quan trọng bằng thái độ. Thái độ tôi muốn nói ở đây chính là việc chủ động rửa cốc cà phê mình vừa dùng xong. Nó là việc nhỏ bé nhất mà tôi mong muốn tất cả các nhân viên khi làm việc ở Xero Australia đều làm được. Đồng thời hành động ấy còn là văn hóa của công ty chúng tôi".

Bài học lớn đằng sau câu chuyện Giám đốc tuyển nhân viên bằng một cốc cà phê: Ý thức quan trọng hơn tri thức! - Ảnh 2.

Quả thật, việc tuyển dụng này có phần hơi kỳ lạ nhưng đằng sau đó là cả một bài học quý báu mà từ lâu rồi, dường như hội chị em chốn công sở đã bỏ quên. Đó chính là ý thức và trách nhiệm.

Tù chuyện cốc cà phê nói về ý thức và trách nhiệm trong chốn công sở

Ý thức ở đây chính là việc để tâm tới từng hành động nhỏ của mình trong cuộc sống nói chung và môi trường công sở nói riêng để không làm ảnh hưởng đến ai cả. Đây trùng hợp cũng chính là cốt lõi các giá trị sống của người Nhật. Ở Nhật, các vấn đề về lợi ích cá nhân phải được xếp sau các giá trị cộng đồng. Họ cho rằng, mỗi cá thể chính là hạt nhân cấu thành nên xã hội, vì vậy bất kỳ một hành vi nào của cá nhân, ít nhiều nó cũng ảnh hưởng đến cả xã hội, hoặc một quần thể dân cư nhất định xung quanh phạm vi sống của họ. Tốt nhất vẫn cứ phải cẩn trọng, không để ai phải phiền vì mình.

Bài học lớn đằng sau câu chuyện Giám đốc tuyển nhân viên bằng một cốc cà phê: Ý thức quan trọng hơn tri thức! - Ảnh 3.

Quay trở lại ý thức nơi công sở gói gọn cốc cà phê bên trên, nếu người ứng tuyển không chủ động mang cốc cà phê vừa dùng xong đi rửa, thì hẳn người làm thay việc ấy sẽ cảm thấy thật phiền. Mà một người mang cảm xúc phiền phức không vui đôi khi làm việc sẽ không năng suất, kéo theo công việc của cả team bị trì trệ, thậm chí là ảnh hưởng đến cả bộ máy vận hành của công ty.

Từ một việc nhỏ xíu đã mang nguy cơ "tàn phá" kinh khủng như thế. Người không ý thức được, hiển nhiên còn là một người kém tinh tế và thiếu tầm nhìn. Chưa kể lần đầu đặt chân vào công ty với cương vị chỉ là ứng viên thì chẳng khác nào khách đến nhà người khác chơi. Được gia chủ mời cốc cà phê, uống xong ra về, với nhiều người đây là hành động bất lịch sự.

Bài học lớn đằng sau câu chuyện Giám đốc tuyển nhân viên bằng một cốc cà phê: Ý thức quan trọng hơn tri thức! - Ảnh 4.

Quả thật, chỉ từ một cốc cà phê trong buổi phỏng vấn, Trent Innes đã giúp phản ánh quá nhiều vấn đề. Hội chị em hãy xem đây là một lời nhắc nhở để ý tứ hơn trong môi trường làm việc chung. Không chỉ riêng việc rửa cốc, mà còn trong vấn đề tiếng ồn: đừng lớn tiếng khi người khác đang làm việc để không phiền tới họ; mùi: đừng ăn thức ăn nặng mùi khi không đảm bảo được có ai khó chịu với nó hay không...

Ngoài ra, câu chuyện cốc cà phê còn giúp chúng ta nhận thức rõ hơn về hai chữ "trách nhiệm" trong công việc. Cốc cà phê là do mình uống, sự thơm ngon của nó là do mình hưởng, vậy tại sao đến lúc nó chỉ còn là cái cốc rỗng mình lại không chịu dọn rửa? Trách nhiệm là khi làm công việc được giao, dù thành quả thế nào cũng chủ động đứng ra đón nhận, đừng lúc thuận lợi thì đứng ra nhận thưởng, lúc trắc trở lại đùn đẩy cho người khác.

Bài học lớn đằng sau câu chuyện Giám đốc tuyển nhân viên bằng một cốc cà phê: Ý thức quan trọng hơn tri thức! - Ảnh 5.

Suy cho cùng, giống như Trent Innes chia sẻ: nếu so về mức độ quan trọng trong công việc thì tri thức vẫn đứng dưới ý thức vài bậc. Một người không có tri thức đôi khi sẽ được thông cảm, được cho cơ hội học hỏi trau dồi, còn người không có ý thức lại ít được thông cảm hơn bởi ý thức phản ánh phần nào bản chất của con người, thứ rất khó đổi thay.

Chia sẻ