Bế tắc với những người đàn bà nhà chồng
Tôi và em chồng cũng mang bầu nhưng có công việc gì cũng "ưu tiên" tôi làm hết. Thậm chí hai chị em ngồi rửa bát, bà nói với em chồng: "Con mệt rồi, cho con nghỉ" và để mặc tôi với 5 mâm cơm.
Đám cưới chúng tôi được tiến hành trong sự đồng thuận của hai bên gia đình và sự tự nguyện của hai chúng tôi. Nhưng đã có rất nhiều biến cố xảy ra xung quanh đám cưới mà cho đến bây giờ tôi vẫn không tưởng tượng nổi. Ngay hôm trước ngày cưới, ông ngoại tôi qua đời. Tuy nhiên đám cưới vẫn được tiến hành và một tuần sau thì chú chồng tôi mất. Một đám cưới và hai đám ma, chuyện tưởng như chỉ xảy ra ở trên phim không ngờ nó lại vận ngay vào cuộc đời tôi. Dường như đó là tín hiệu cho những giông bão sau này?
Sau thời gian nghỉ cưới, tôi trở lại làm việc. Chồng tôi thể hiện tình cảm bằng cách chở tôi đi làm (mà thực chất tôi và anh cùng đường). Ngay tối hôm đó, một "bầu đoàn thê tử" cháu, con, dâu, rể được mẹ chồng tôi triệu tập. Bà chỉ thẳng vào mặt tôi nói rằng "đất của bà, nhà của bà, xe của bà, chồng mày chả có gì cả". Chồng tôi ngồi im. Tôi chẳng biết nói gì. Tôi cũng có cần những thứ đó đâu nhưng tôi bắt đầu xuất hiện cảm giác tủi cho mình và bất lực vì chồng nhu nhược.
Một hôm tôi đi làm về sớm và vào nhà rất nhẹ nhàng thì nghe thấy tiếng nói chuyện của mẹ chồng và chị chồng. Định vào chào họ thì tôi dừng ngay bước khi nghe họ đang nói xấu về mình. Nhà có một người ở, mẹ chồng tôi bảo "Việc nào Lan (tên người ở) không làm thì để đó Minh (là tôi) làm cho".
Rồi mang bầu, tôi hạn chế ở nhà chồng đến mức có thể (chúng tôi vẫn ở chung) mà chủ yếu về nhà mẹ. Lúc đó em chồng tôi cũng mang bầu. Nhưng có công việc gì nhà chồng cũng "ưu tiên" tôi làm hết. Thậm chí hai chị em ngồi rửa bát, bà nói với em chồng: "Con mệt rồi, cho con nghỉ" và để mặc tôi với 5 mâm cơm. Thậm chí, có bà chị chồng ác nghiệt, sau khi biết tin tôi mang bầu con trai, là cháu đích tôn, suốt ngày thấy chị thì thụp với mẹ chồng, chả hiểu làm gì. Hóa ra, bà xui mẹ chồng tôi chia đất. Con cái của bà (trừ chồng tôi) mỗi người được một miếng, phần còn lại đứng tên bà. Suốt ngày bà nói riêng với chồng tôi: "Đừng để vợ lấn lướt". Chồng tôi nghe lời mẹ, từ đó được bao nhiêu tiền, anh mua két sắt riêng và không đưa cho vợ chìa khóa. Chưa kể, tôi được bao nhiêu tiền gửi ngân hàng, bà cũng mượn bằng được.
Rồi em chồng tôi sinh, bà đi chăm. Bà sợ bà không ở nhà thì chồng sẽ nghe lời tôi nên thường tức tốc gọi điện cho tôi: "Đừng đeo bám chồng lắm". Chồng tôi việc gì cũng nghe bà mà cũng chỉ nghe từ một phía nên tôi hoàn toàn không có người tâm sự. Vì không dám nói với bố mẹ đẻ do sợ họ buồn, cũng không phải là người hay nói chuyện riêng với bạn bè nên tôi hoàn toàn bế tắc.
Ức chế được đẩy lên tột cùng khi tôi sinh cháu. Mẹ chồng chả sắm cho cháu được thứ gì nhưng đi rêu rao rằng "sắm cho cháu từ cái tã lót sắm đi". Tôi nằm viện, bà vào chăm. Mấy con gái bà sợ bà chăm tôi mà ngã quỵ, họ đâu biết rằng bà vào viện cũng chỉ ăn với ngủ, thậm chí ngủ giường với tôi mà tôi bị sốt rét bà cũng không hay biết. Cháu khóc, bà lại càng không biết. May mà có bà ngoại nếu không tôi cũng chẳng biết làm sao xoay sở. Thời gian tôi sinh, bà sợ chồng tôi quan tâm, chăm sóc vợ nên suốt ngày cứ gọi điện bảo: "Có bà rồi, yên tâm không phải vào chăm". Chồng tôi được thể, suốt ngày nhậu nhẹt, hát hò, chơi bời. Tôi gần như phát điên.
Đến khi anh mua được cho con hộp sữa thì bà gào lên với chồng tôi suốt một buổi sáng trong khi bà dồn tất mọi thứ cho cháu ngoại. Tôi ức chế đến mất sữa, người gầy hẳn. Bà đã hoàn toàn không giúp đỡ tôi chuyện tiền bạc, công sức... thậm chí còn thủ thỉ để chồng tôi không nhúng tay vào việc gì. Một mình tôi làm tất. Nhiều lúc ức chế, tôi còn nghĩ đến việc tự tử.
Rồi hai vợ chồng tôi kinh doanh được một ít tiền, tôi đang định gửi ngân hàng lấy chút vốn. Nhân lúc tôi cho con về nhà ngoại chơi, chị chồng lại sang thủ thỉ vay mượn em trai. Và thế là số tiền đó của chúng tôi lại chuyển qua tài khoản của chị.
Đến thời điểm này thì tôi nghĩ tôi cần đến bác sĩ tâm lý. Tôi ức chế mà không biết chia sẻ cùng ai. Tôi quyết định chia sẻ lên đây với những người cùng cảnh ngộ, hoặc có những tâm sự khác khi làm dâu mong cho nhẹ lòng và có động lực chăm con.