Báo động về "đại dịch" béo phì

Thùy An (tổng hợp),
Chia sẻ

Theo cảnh báo được đăng tải trên Tạp chí Lancet, hơn một nửa số người lớn, 1/3 số trẻ em và thanh thiếu niên trên toàn thế giới sẽ bị thừa cân hoặc béo phì vào năm 2050.

Báo động về "đại dịch" béo phì - Ảnh 1.

Ảnh minh họa: Nomadsoul Photos

Tình trạng béo phì gây ra "mối đe dọa chưa từng có" về tử vong sớm, bệnh tật, đặt ra áp lực rất lớn lên hệ thống chăm sóc sức khỏe.

Thất bại trên phạm vi toàn cầu

Theo phân tích được công bố trên Tạp chí Lancet, những thất bại toàn cầu trong việc ứng phó với cuộc khủng hoảng béo phì trong 3 thập kỷ qua đã dẫn đến sự gia tăng đáng báo động.

Nghiên cứu cho thấy, hiện nay có 2,11 tỷ người lớn từ 25 tuổi trở lên cùng 493 triệu trẻ em và thanh, thiếu niên từ 5 - 24 tuổi bị thừa cân hoặc béo phì. Con số này tăng so với lần lượt là 731 triệu và 198 triệu vào năm 1990. Báo cáo cho biết, nếu không cải cách chính sách và hành động khẩn cấp, hơn một nửa số người từ 25 tuổi trở lên trên toàn thế giới (khoảng 3,8 tỷ người) và khoảng 1/3 trẻ em và thanh thiếu niên (khoảng 746 triệu người) dự kiến sẽ bị ảnh hưởng bởi “đại dịch” béo phì vào năm 2050. Hơn một nửa số người lớn được phân loại là thừa cân hoặc béo phì tập trung ở 8 quốc gia: Trung Quốc, Ấn Độ, Hoa Kỳ, Brazil, Nga, Mexico, Indonesia và Ai Cập.

Báo động về đại dịch béo phì - Ảnh 1.

Cách tính theo BMI để xác định thừa cân, béo phì

Giáo sư Emmanuela Gakidou, tác giả chính của nghiên cứu đến từ Đại học Washington (Hoa Kỳ), cho biết: "Đại dịch thừa cân và béo phì trên toàn cầu là vấn đề rất nghiêm trọng".

Dự kiến, gần 1/4 số người lớn béo phì trên thế giới vào năm 2050 sẽ ở độ tuổi 65 trở lên, điều này càng gia tăng gánh nặng cho các hệ thống chăm sóc sức khỏe vốn đã quá tải và gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến các dịch vụ ở các quốc gia có ít nguồn lực.

Theo Tổ chức Y tế thế giới, nhiều quốc gia có thu nhập thấp và trung bình vừa phải đối mặt với các vấn đề về bệnh truyền nhiễm và suy dinh dưỡng, đồng thời cũng đang chứng kiến sự gia tăng nhanh chóng các yếu tố nguy cơ mắc bệnh không lây nhiễm như béo phì và thừa cân.

Tác động kinh tế của nạn béo phì cũng rất quan trọng. Nếu không có biện pháp nào được thực hiện, chi phí toàn cầu cho tình trạng thừa cân và béo phì dự kiến sẽ lên tới 3.000 USD mỗi năm vào năm 2030 và hơn 18.000 USD vào năm 2060.

Cảnh báo tình trạng trẻ em béo phì

Các nhà nghiên cứu cảnh báo rằng, trẻ em ở khắp mọi nơi đang tăng cân nhanh hơn các thế hệ trước và tình trạng béo phì đang xảy ra sớm hơn, làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường tuýp 2, huyết áp cao, bệnh tim và ung thư ở độ tuổi trẻ hơn.

Tỷ lệ béo phì đang gia tăng nhanh chóng ở trẻ em và các nước có thu nhập thấp. Dự báo, tình trạng này có thể tăng hơn gấp đôi so với mức năm 2020, lên 208 triệu bé trai và 175 triệu bé gái vào năm 2035.

Báo động về đại dịch béo phì - Ảnh 2.

Cân nặng trở thành nỗi ám ảnh của nhiều người

Trẻ em ở các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình dễ bị tổn thương hơn do dinh dưỡng trước khi sinh, giai đoạn trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ không đầy đủ. Đồng thời, đối tượng này cũng phải tiếp xúc với các loại thực phẩm nhiều chất béo, nhiều đường, nhiều muối, nhiều năng lượng và ít vi chất dinh dưỡng, có xu hướng rẻ hơn nhưng chất lượng dinh dưỡng cũng thấp hơn. Các chế độ ăn uống không lành mạnh kết hợp với mức độ hoạt động thể chất thấp dẫn đến tình trạng béo phì ở trẻ em tăng mạnh trong khi các vấn đề về suy dinh dưỡng vẫn chưa được giải quyết.

Béo phì ở trẻ em là một tình trạng sức khỏe nghiêm trọng liên quan đến việc có quá nhiều mỡ trong cơ thể ngay từ khi còn nhỏ. Cân nặng tăng thêm thường dẫn đến các tình trạng sức khỏe khác như tiểu đường và huyết áp cao. Trẻ em bị béo phì có thể bị bạn bè trêu chọc hoặc bắt nạt. Kết quả là, chúng có thể có nguy cơ mắc chứng trầm cảm, lo âu và rối loạn ăn uống cao hơn.

“Đại dịch” béo phì có thể được kiểm soát?

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, thừa cân và béo phì, cũng như các bệnh không lây nhiễm liên quan, phần lớn có thể phòng ngừa và kiểm soát được.

Ở cấp độ cá nhân, mọi người có thể giảm nguy cơ của mình bằng cách áp dụng các biện pháp can thiệp phòng ngừa ở mỗi bước của vòng đời, bắt đầu từ trước khi thụ thai và tiếp tục trong những năm đầu, bao gồm:

Báo động về đại dịch béo phì - Ảnh 3.

Tiêu thụ quá nhiều đồ ăn nhanh, thực phẩm siêu chế biến làm tăng nguy cơ béo phì (Ảnh: Pexels)

Báo động về đại dịch béo phì - Ảnh 4.

Các sản phẩm chứa nhiều đường tăng tích mỡ trong cơ thể, góp phần tạo nên nguy cơ béo phì (Ảnh: Anastasia Collection)

-Đảm bảo tăng cân hợp lý trong thời kỳ mang thai.

-Thực hiện nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu sau khi sinh và tiếp tục cho con bú đến 24 tháng hoặc lâu hơn.

-Khuyến khích, định hướng cho trẻ em ăn uống lành mạnh, tích cực hoạt động thể chất.

-Giới hạn thời gian sử dụng, tiếp xúc với màn hình, các thiết bị điện tử, chú trọng chăm sóc giấc ngủ, tránh xa rượu bia, thuốc lá, tự điều chỉnh cảm xúc.

-Hạn chế tiêu thụ đồ uống có đường và thực phẩm siêu chế biến, đồ ăn nhanh, khuyến khích xây dựng, thực hiện chế độ dinh dưỡng cân bằng, lành mạnh.

-Hạn chế lượng năng lượng hấp thụ từ tổng lượng chất béo và đường, tăng lượng tiêu thụ trái cây và rau quả cũng như các loại đậu, ngũ cốc nguyên hạt và các loại hạt.

-Tham gia hoạt động thể chất thường xuyên.

Chia sẻ