9 sai lầm cần tránh khi sử dụng thẻ tín dụng nếu không muốn trở thành "con nợ" của ngân hàng
Xu hướng người tiêu dùng sử dụng thẻ tín dụng cho việc chi tiêu mua sắm đang ngày càng tăng lên vì sự tiện lợi và nhiều ưu đãi. Tuy nhiên, nếu bất cẩn bạn sẽ tốn kém nhiều hơn từ những rủi ro bị phát sinh.
1. Mở nhiều thẻ tín dụng
Hiện nay với sự nhanh gọn trong hình thức mở thẻ tín dụng từ các ngân hàng mà người tiêu dùng có cơ hội sở hữu nhiều chiếc thẻ cùng một lúc. Đây là một cám dỗ lớn đối với những ai không quản lý được việc chi tiêu của bản thân.
Đặc biệt, khi đánh giá xếp hạng tín dụng, các tổ chức tín dụng biết bạn mở quá nhiều thẻ thì mức độ tín nhiệm cũng không cao. Chính vì vậy, mỗi người nên có tối đa là 2 thẻ tín dụng. Nếu ở hạn mức cao chỉ nên dùng 1 thẻ.
2. Không lầm tưởng giữa "số tiền có thể nợ" với "số tiền có thể trả"
Thẻ tín dụng là một hình thức cấp tín dụng của ngân hàng. Nếu bạn có thể chứng minh được thu nhập và có điểm tín dụng tốt sẽ được ngân hàng cấp hạn mức tín dụng lên tới 10 lần thu nhập bình quân hàng tháng.
Điều này đồng nghĩa với việc, số tiền bạn có thể vay và nợ ngân hàng cao hơn rất nhiều so với khả năng chi trả của bản thân. Chính vì sự chênh lệch lớn này mà nhiều người chủ quan trong việc cân đối giữa thu nhập và khả năng chi trả. Dẫn tới rơi vào tình trạng không còn khả năng thanh toán.
Bạn nên phân định rạch ròi giữa "số tiền có thể nợ" với "số tiền có thể trả" để biết bản thân nên dừng lại ở đâu.
3. Chi tiêu chỉ để nhận các phần thưởng
Đây là trường hợp mà nhiều "con nghiện mua sắm" mắc phải. Họ thường sử dụng thẻ tín dụng vào những mục đích không cần thiết chỉ để kiếm thêm các mức phần thưởng hấp dẫn. Nó vừa không có lợi ích cho bản thân lại khiến bạn tốn thêm một đống tiền.
Phần thưởng cũng tuyệt vời nhưng thói quen tiêu dùng chỉ để sở hữu vài thứ miễn phí sẽ được coi là không có lợi cho tài chính cá nhân. Nếu bạn vượt qua giới hạn và phá vỡ sự cân bằng trong chi tiêu chỉ vì việc này sẽ khiến tài chính của bạn lâm vào khủng hoảng.
Tất cả những phần thưởng miễn phí mà bạn nhận được cũng không bằng khoản phí lãi mà bạn đã bỏ ra.
4. Không nhớ ngày thanh toán
Hậu quả của việc sở hữu quá nhiều thẻ tín dụng và bận rộn sẽ dẫn tới việc không nhớ ngày, nhớ sai ngày thanh toán thẻ. Khi đó, khoản tiền lãi trên tổng chi tiêu trong tháng và phí phạt chậm sẽ khiến bạn ngao ngán. Quan trọng hơn, lịch sử tín dụng của bạn sẽ không tốt do bị nhảy vào nhóm nợ xấu nếu đến hạn mà chưa trả.
Vì thế, hãy khắc phục tình trạng này bằng cách ghi chú, note vào máy tính hoặc điện thoại thông minh, lịch làm việc hoặc chủ động thanh toán ngay khi có tiền.
5. Để lộ thông tin trên thẻ
Khác với thẻ ATM, thẻ tín dụng không bắt bạn nhập mã PIN (mật khẩu) khi thanh toán. Đây là nguyên nhân dẫn đến tình trạng mất thông tin trên thẻ. Bạn không nên vô tư cho người thân, bạn bè mượn thẻ; giao thẻ cho nhân viên nhà hàng để tiến hành thanh toán, không cất thẻ sau khi sử dụng.
Bạn chỉ cần chụp hình mặt trước và mặt sau thẻ tín dụng để họ có đầy đủ thông tin tiến hành mua hàng trực tuyến. Tuyệt đối giữ bí mật thông tin thẻ và luôn giữ chiếc thẻ trong tầm mắt.
6. Sử dụng thẻ tín dụng tại ATM
Một sai lầm mà nhiều người thường vấp phải khi sử dụng thẻ tín dụng là sử dụng nó như chiếc thẻ ATM. Mỗi giao dịch rút tiền từ thẻ tín dụng bạn sẽ phải chịu phí rút tiền cao và lãi ngân hàng ngay lập tức.
Không những thế, nguy cơ bị đánh cắp thông tin cũng rất lớn. Vì thế, các chủ thẻ tín dụng không nên sử dụng thẻ tín dụng để rút tiền mặt.
7. Thanh toán online qua một trang trung gian
Visa và master card giúp việc thanh toán khi mua hàng quốc tế hoặc chuyển khoản online một cách dễ dàng. Nhưng khi dùng thẻ tín dụng để thanh toán, chỉ nên điền thông tin tài khoản của mình trên những trang trung gian uy tín hoặc ebanking của ngân hàng.
Bạn nên tránh những website yêu cầu nhập thông tin thanh toán kèm theo tài khoản (để thanh toán hàng tháng). Họ sẽ trừ tiền bạn bất cứ khi nào và đây là "kho báu" cho các hackers tùy vào mức độ bảo mật của website bạn dùng.
8. Dùng thẻ tín dụng thanh toán qua điện thoại
Hiện nay, công nghệ hiện đại đã cho phép bạn mua sắm và thanh toán bằng thẻ tín dụng qua chiếc điện thoại thông minh. Tuy nhiên, điều này cũng dẫn tới việc nhiều cá nhân, tổ chức lừa đảo có các chiến thuật để đánh cắp thông tin của người tiêu dùng.
Ngay khi bạn cảm thấy nghi ngờ, hãy chủ động gọi cho tổ chức phát hành thẻ, yêu cầu họ giúp đỡ. Một nguyên tắc nhỏ, nếu không chắc chắn về nguồn gốc của các cuộc gọi, tin nhắn, bạn không bao giờ được cung cấp thông tin cá nhân.
9. Không lập tức báo mất khi bị thất lạc thẻ tín dụng
Hầu hết các nhà phát hành thẻ sẽ có biện pháp bảo vệ chủ thẻ khỏi những thanh toán phát sinh trên thẻ bị thất lạc, nhưng bạn phải thông báo đủ nhanh để giảm thiểu rủi ro xuống mức thấp nhất.
Mặc dù một số ngân hàng sẽ cho phép bạn gỡ bỏ hoàn toàn các khoản phí giả mạo sau khi báo mất thẻ, nhưng một số sẽ cân nhắc xem bạn có phải chịu một khoản phí trách nhiệm hay không. Vì vậy, hãy thông báo ngay khi phát hiện mất thẻ.