6 loại rau rừng "đặc sản" của người Thái Tây Bắc
Trong những chuyến chu du Tây Bắc, tôi đã có dịp thưởng thức nhiều đặc sản của người Thái, nhưng hấp dẫn nhất vẫn là những thứ rau được lấy về từ những cánh rừng quanh nhà.
Người Thái vốn sống gắn bó với rừng, có ý thức giữ rừng, bởi vậy trong khi ở nhiều nơi rau rừng trở thành đặc sản thì ở Sơn La, những thứ rau dưới đây được bán với giá rất bình dân và cực kỳ dễ mua ở các phiên chợ hay bên lề đường.
Người Thái rất khéo léo và sáng tạo. Để giữ được sự tươi ngon và bổ của các món rau rừng, họ không luộc rau mà có món rau đồ. Rất nhiều thứ rau được trộn lẫn vào nhau, cho lên sửng để hấp như đồ xôi. Đây là món ăn đã trở thành bản sắc độc đáo của người Thái.
1. Rau sắng
Còn gọi là rau ngót rừng. Loại rau này thường có vào khoảng đầu hạ, nhiều nơi bán cả trăm ngàn một 1kg, nhưng Sơn La thì chỉ 10 ngàn là có một bó rau đủ cho cả nhà ăn thoải mái. Rau được chế biến và nấu như rau ngót, nhưng khác với rau ngót bởi cái vị bùi bùi mà ngầy ngậy khó tả.
Rau sắng có thể nấu với xương, thịt băm hoặc nấu không.
2. Rau dớn - dương xỉ
Ai không biết cứ tưởng đây là dương xỉ, nhưng kỳ thực nó ăn rất dòn, thú vị nhất là làm nộm hoặc xào tỏi.
Rau dớn, ăn không quen thấy hơi nhớt và chát, nhưng quen rồi
thì lại muốn thưởng thức lần tiếp theo.
3. Hoa đu đủ đực
Loại rau này thường được bán kèm quả cà rừng để làm nộm: thứ này cũng được bán ở chợ như những thứ rau nhà.
Hoa đu đủ đực và quả cà rừng.
Món hoa đu đủ đực xào này rất tốn đồ uống.
4. Cây vón vén
Các mế người Thái còn hay gọi vui là lá vén váy. Nó có vị chua chua, thường được dùng để nấu canh chua, đặc biệt dùng nấu với cá hoặc xương thì ngon chưa từng thấy.
Lá vén váy, thứ cây không thể thiếu khi nấu canh chua.
Phía sau là quả trám đen, cũng là thứ đặc sản đồng bằng hiếm có.
4. Măng rừng
Có vô vàn các loại măng như: măng vầu, măng nứa, măng mai, măng trúc, măng sặt, măng nứa, măng lay… thứ thì ngọt, thứ thì đắng, thứ màu trắng, thứ lại hơi vàng, thứ lại tim tím… tất tần tật các loại măng đều có thể dùng được với nhiều cách nấu khác nhau: luộc, xào, nấu canh, làm măng ớt, măng chua hoặc phơi khô để ăn dần…
Đặc biệt món măng nướng chấm chẳm chéo đã trở thành thứ đặc sản không phải ai cũng có may mắn thưởng thức.
Măng có nhiều ở tây bắc khi mùa mưa bắt đầu, cũng là lúc hoa ban nở rộ.
5. Hoa ban, ngọn ban
Hoa ban thường được nấu canh cùng măng đắng như khẳng định thêm về mối tình khăng khít giữa chàng Kho và nàng Han. Đọt non của cây hoa ban cũng thường được lấy về xào hoặc xôi lên rất ngon: chát chát, bùi bùi, ngọt ngọt.
Canh hoa ban nấu với rau cải, măng đắng và một vài loại rau khác.
6. Đọt cây móc, cây song mây
Hơi khó kiếm và ít khi bán hơn một chút, những đọt non của cây móc, cây song mây thường được dùng để nấu cháo, nấu canh, ngăn ngắt đắng, nhưng sau lại có vị ngọt rất sâu.
Ngọn cây móc, cây song mây.
Món cháo bổ dưỡng này nấu từ thịt chuột rừng, ngọn cây móc, cây song mây…
Những thứ cây rừng dùng làm rau của người thái nhiều vô kể, xin dừng lại ở đây. Chỉ mong bạn nhớ rằng những loại rau rừng, rau dại kể trên của Tây Bắc còn được coi là rau sạch vì mọc trong rừng tự nhiên hay mọc hoang dại ven suối chảy qua các làng bản. Hi vọng, khi đến Tây Bắc bạn có dịp thưởng thức chúng.