4 chính sách người lao động cần nằm lòng trong mùa dịch để đảm bảo quyền lợi của bản thân
Tình hình dịch bệnh phức tạp như hiện tại kéo theo sự sụt giảm về kinh tế và nỗi lo mất việc, giảm lương của người lao động.
Kinh tế suy giảm vì dịch Covid-19, đó là điều mà ai cũng nhìn ra. Nhiều doanh nghiệp đã phải cho nhân viên nghỉ việc không lương nhằm đảm bảo hoạt động sản xuất diễn ra bình thường. Người lao động ngậm ngùi rời đi trong tay trắng. Nhưng liệu điều này có là hợp pháp theo pháp luật? Bên cạnh đó, nếu người lao động bị đi cách ly thì có được hưởng lương không?
Những thắc mắc trên được rất nhiều anh chị em quan tâm nhưng chưa thực sự rõ ràng về đáp án. Hãy cùng làm sáng tỏ 4 thắc mắc về 4 chính sách cho người lao động trong mùa dịch này nhé!
1. Người lao động phải đi cách ly có được nhận lương không?
Bộ Lao động - thương binh và xã hội vừa gửi văn bản đến các Sở Lao động - thương binh và xã hội địa phương hướng dẫn về việc trả lương ngừng việc, và giải quyết chế độ cho người lao động trong thời gian ngừng việc liên quan đến dịch Covid-19. Theo đó, trường hợp người lao động không thể trở lại làm việc do dịch Covid-19, trong đó có đi cách ly theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền thì người lao động vẫn được hưởng lương theo quy định của khoản 3 điều 98.
Theo luật, khoản lương cũng được quy định rõ ràng dựa trên thỏa thuận của hai bên nhưng không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định.
2. Người lao động ngừng việc do tác động dịch Covid-19 có được nhận lương không?
Cũng trong văn bản nêu trên, người lao động phải ngừng việc do tác động trực tiếp của dịch Covid-19, như phải đi cách ly, thì vẫn được hưởng lương bình thường. Ngoài ra, nhiều lao động nước ngoài không thể trở lại làm việc. Thậm chí có những lao động thuộc diện phải đi cách ly theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền. Theo điều 98 của Bộ luật lao động hiện hành về trả lương khi ngừng việc, có quy định rất rõ về quyền lợi của người lao động trong trường hợp này.
Trường hợp phải ngừng việc do lỗi của người sử dụng lao động, hay ngừng việc vì sự cố về điện, nước mà không do lỗi của người sử dụng lao động hoặc do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh nguy hiểm, địch họa, di dời địa điểm hoạt động theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì người lao động vẫn được hưởng lương.
3. Người lao động nghỉ việc do tác động dịch Covid-19 có được nhận lương không?
Theo điều 38 Bộ luật Lao động 2012, nếu doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất, người lao động chỉ được hưởng trợ cấp thôi việc cho thời gian làm việc tại công ty mà không đóng BHTN theo mức mỗi năm làm việc là nửa tháng lương.
Nếu doanh nghiệp áp dụng Điều 44 tổ chức lại lao động thì người lao động được hưởng chế độ trợ cấp mất việc làm cho thời gian không tham gia BHTN với mức mỗi năm làm việc là 1 tháng lương nhưng ít nhất cũng bằng 2 tháng lương (theo Điều 49 Bộ luật Lao động 2012).
4. Người lao động nhiễm Covid-19 có được chi trả viện phí không?
Theo quy định tại Điều 3 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm, Covid-19 là bệnh viêm đường hô hấp cấp nặng do virus nên thuộc nhóm A các bệnh truyền nhiễm đặc biệt nguy hiểm có khả năng lây truyền rất nhanh, phát tán rộng và tỷ lệ tử vong cao.
Theo khoản 2 Điều 48 của Luật trên, người bị mắc bệnh được khám và điều trị miễn phí. Ngoài ra nếu mắc Covid-19, người lao động được hưởng chế độ ốm đau, được bảo hiểm xã hội chi trả khi có giấy xác nhận của cơ sở y tế.
Hãy ghi nhớ 4 chính sách trên để hiểu rõ những nghĩa vụ cũng như quyền lợi chính đáng mình được nhận nhé!