Xu hướng bạo lực học đường gia tăng ở nhóm nữ sinh: Kẻ bắt nạt là nữ giới đáng sợ không kém nam giới
Bạo lực học đường từ phía nữ giới không chỉ biểu hiện dưới các hành vi tấn công thể chất mà còn là bạo hành tinh thần, tra tấn tâm lý nạn nhân khiến nỗi đau càng dai dẳng và sâu sắc.
Nữ sinh mới là những kẻ bắt nạt tệ nhất?
Ngày 1/12/2021, đài truyền hình MBC của Hàn Quốc đưa tin về một vụ bắt nạt nghiêm trọng khiến cộng đồng quốc tế phẫn nộ. Theo các nguồn tin, một nữ sinh 13 tuổi người Mông Cổ đã bị 4 nữ sinh cuối cấp người Hàn Quốc đánh đập, tra tấn và đổ rượu vào miệng. Những kẻ bắt nạt tra tấn nạn nhân trong suốt 6 giờ.
Vụ việc xảy ra tại nhà của một kẻ bắt nạt ở thành phố Busan vào tháng 7 năm 2021. Tồi tệ hơn, những kẻ bắt nạt còn bán đoạn video ghi lại cảnh nạn nhân bị hành hạ cho người khác với giá 5000 KRW (90.000 đồng).
Dù vụ việc nghiêm trọng là vậy, 2 trong số 4 kẻ tấn công đã được tòa án Hàn Quốc trả tự do vì chưa đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự về hành động của mình theo luật định.
Mới đây, loạt phim The Glory “làm mưa làm gió” khắp thế giới đã bóc trần nhiều thủ đoạn và chiêu trò hành hạ ghê rợn tại xứ sở kim chi. Đáng chú ý, sau khi bộ phim lên sóng, nhiều nạn nhân đã xuất hiện trong các chương trình truyền hình tại đất nước này kể lại trải nghiệm tương tự, chứng minh rằng trong trường hợp này điện ảnh phần nào phản ánh đúng sự thật về thực trạng bạo lực học đường nhức nhối trong xã hội Hàn Quốc.
Nhưng không chỉ có Hàn Quốc là nơi duy nhất chứng kiến nạn bạo lực học đường ở mức độ tồi tệ như vậy.
Theo hình dung thông thường của đa số mọi người khi nhắc đến cụm từ “bắt nạt” hoặc “bạo lực học đường”, đó sẽ là hình ảnh một cá nhân hoặc một nhóm con trai tấn công vật lý và xúc phạm bằng lời nói một bạn học nam khác. Nhưng theo như nhà giáo dục Renee Wilson-Simmons người Mỹ cho biết, “Ngày nay, công chúng đang bớt cho rằng bắt nạt là lĩnh vực độc tôn của nam giới, vì các phương tiện truyền thông đã đưa tin về sự gia tăng tỷ lệ các vụ bắt giữ nữ giới vì hành hung, mang vũ khí và (kể cả là) hoạt động băng đảng”.
Tại một số quốc gia phát triển như Mỹ, nơi mà vấn nạn bắt nạt đã trở thành “ung nhọt” khó gạt bỏ trong trường học và đặc biệt được quan tâm theo dõi bởi các nhà nghiên cứu, ngày càng nhiều tư liệu chỉ ra rằng ở một số khía cạnh, bắt nạt xuất phát từ nữ giới còn tồi tệ hơn cả từ nam giới.
Chia sẻ trên một kênh truyền thông cho cha mẹ có con em tuổi teen tại Mỹ, tác giả Victoria Lorrekovich-Miller nhận định rằng các trò bắt nạt của nữ sinh tuổi teen có thể gây tổn thương vô cùng sâu sắc. Con gái cô tên Jillian từng có 2 lần bị bắt nạt đáng chú ý.
Lần đầu tiên vào năm Jillian học lớp 7. Lúc đó, Jillian đang trong phòng vệ sinh nữ thì có 3 nữ sinh khác bước vào và nói điều gì đó tồi tệ về cơ thể cô bé theo kiểu xúc phạm, rồi cố tình nán lại để chờ Jillian xuất hiện nhằm chứng kiến biểu cảm trên khuôn mặt cô bé.
Lần khác, trong khi Jillian và bạn đang ngồi ăn kem trên đường đi học về, 3 nữ sinh kia lại xuất hiện, cướp lấy cặp xách của cô và ném về phía một chiếc ô tô đang chạy trên đường. Theo Victoria, lý do duy nhất khiến con gái mình bị bắt nạt đơn giản là vì một trong 3 nữ sinh kia ghen tức với việc bạn học nam có tình cảm với Jillian.
Đến năm lớp 12, có một sự kiện khác diễn ra cũng khiến Jillian hoảng loạn và Victoria phải đứng ra giải quyết. Vì mâu thuẫn nào đó, một người bạn học quyết định đem toàn bộ rác thải nhà mình đến đổ ở sân nhà Jillian trong đêm và cắm biển báo khắp khu dân cư rằng ở nhà Jillian đang có garage sale thanh lý, nhằm khiến cư dân đến làm phiền hai mẹ con.
Như Renee Wilson-Simmons chỉ ra, khái niệm bắt nạt truyền thống thường chú ý tới hành vi bắt nạt của nam sinh hơn do chúng rõ ràng hơn về mặt thể chất, trong khi đó hành vi bắt nạt từ phía nữ sinh mang nhiều tính khủng bố tinh thần, thao túng... Wilson-Simmons giải thích: “Mặc dù nhiều nghiên cứu đã phát hiện ra rằng con trai bắt nạt và bị bắt nạt nhiều hơn con gái, nữ giới có xu hướng thực hiện các hình thức bắt nạt tinh vi, kín đáo hơn mà người ngoài thường khó phát hiện và ước lượng”.
Theo đó, hành vi bắt nạt của nữ sinh thường đặc trưng bởi các biểu hiện như tẩy chay, thù ghét dai dẳng, phá hoại các mối quan hệ, thao túng tâm lý và bày mưu ác.
Cung cấp thêm thông tin chi tiết về các mô hình và hành vi này, Hiệp hội các nhà tâm lý học trường học quốc gia Hoa Kỳ (NASP) khẳng định rằng những hành vi bắt nạt này thực ra được định nghĩa là hành vi “gây hấn trong quan hệ”. Cụ thể, “Các hành vi gây hấn trong quan hệ phổ biến giữa các nữ sinh ở các trường học ở Mỹ. Những hành vi này có thể bao gồm lan truyền tin đồn, tiết lộ bí mật, kéo bè kết phái, đâm sau lưng, phớt lờ, loại trừ khỏi các nhóm và hoạt động xã hội, xúc phạm bằng lời nói và sử dụng ngôn ngữ cơ thể thù địch (chẳng hạn như đảo mắt và nhếch mép cười). Với những kỹ thuật thường không dùng lời nói này, các nhà chức trách gặp khó khăn hơn khi cố gắng bắt và/hoặc khiển trách nữ sinh vì hành vi bắt nạt”.
Như NASP cũng cho biết thêm, “Các hành vi khác bao gồm chế giễu quần áo hoặc ngoại hình của ai đó (bodyshaming) và cố tình va vào người. Nhiều hành vi trong số này khá phổ biến trong tình bạn của các nữ sinh, nhưng khi chúng xảy ra lặp đi lặp lại với một nạn nhân cụ thể, chúng cấu thành hành vi bắt nạt”.
Tại Anh, theo một nghiên cứu của chính phủ vào năm 2018, nữ sinh dễ bị bắt nạt ở trường hơn nhiều so với nam sinh, với tỷ lệ bị các học sinh khác bắt nạt trên mạng và tẩy chay cao gần gấp đôi.
Các số liệu từ một cuộc khảo sát 10.000 học sinh tại các trường học ở Anh với học sinh lớp 11 - trẻ em ở độ tuổi 15 hoặc 16 - cho thấy sự sụt giảm trong các vụ bắt nạt bạo lực thể chất, chủ yếu ảnh hưởng đến các nam sinh.
Nhưng nữ sinh lại cho biết tình trạng bắt nạt gia tăng, với hơn 1/3 nói với các nhà nghiên cứu rằng họ đã bị ảnh hưởng bởi nạn bắt nạt trong 1 năm trở lại, so với 1/4 ở nam sinh.
Đối với các em gái, hình thức bắt nạt phổ biến nhất là xúc phạm và loại trừ xã hội, cả hai hình thức này đã tăng lên đáng kể từ năm 2006. Nhưng sự gia tăng hoàn toàn xảy ra đối với nữ sinh, trong khi các nam sinh cho biết không có sự gia tăng nào trong cả hai hình thức bắt nạt. Cứ 5 nữ sinh thì có 1 người cho biết mình là nạn nhân của tình trạng bị tẩy chay, chưa đến 1/10 nam sinh thừa nhận mình là nạn nhân của hình thức bắt nạt này.
Trẻ em khuyết tật và trẻ em có nhu cầu đặc biệt cũng bị bắt nạt thường xuyên hơn nhiều so với các học sinh khác.
Bạo lực học đường tồn tại phổ biến đến mức không ngờ ngay tại Việt Nam
Những ngày gần đây, dư luận xã hội vô cùng bàng hoàng với vụ việc em N.T.Y.N (17 tuổi, là học sinh lớp 10A15, Trường THPT chuyên - Đại học Vinh, Nghệ An) tự tử nghi do liên quan đến bạo lực học đường.
Được biết, em N. là con cả trong 3 chị em, bố mẹ đều là công chức nhà nước. N. có tiếng là học giỏi và ngoan ngoãn, thi đỗ vào trường chuyên có tiếng của tỉnh nên việc em đột ngột ra đi theo cách tức tưởi ở tuổi 17 càng khiến gia đình và mọi người đau lòng. Theo chia sẻ của người thân, em N. là nạn nhân của nhiều hình thức bạo lực học đường, dẫn tới suy nghĩ tiêu cực và cuối cùng là hành động đáng tiếc.
Điều khiến dư luận xã hội bức xúc và đặt câu hỏi không chỉ là hậu quả nghiêm trọng mà bạo lực học đường có thể dẫn đến, mà còn là thực trạng việc tình trạng này ngày càng gia tăng giữa các nữ sinh với nhau ngay tại Việt Nam.
Thời gian gần đây, những vụ nữ sinh đánh bạn và quay video liên tiếp diễn ra ở nhiều địa phương như Thanh Hóa, Vĩnh Long, Nghệ An… Hồi đầu tháng 4, trường THCS Quảng Long ở xã Quảng Xương, tỉnh Quảng Bình thông tin đã đình chỉ học 7 ngày với một nữ sinh vì liên quan đến clip bạo hành bạn học hồi tháng 2 và đưa video lên mạng xã hội.
Cuối tháng 3, tờ Thanh Niên đưa tin lãnh đạo Trường THCS Trần Phú (TP Tuy Hòa) cho biết sẽ xử lý nghiêm vụ việc nữ sinh đánh bạn chỉ vì một câu nói. Theo đó, nạn nhân chỉ nói một câu “Đi mà mắt cứ liếc liếc" rồi được “hẹn ra nói chuyện” và bị bạn đánh.
Trên thực tế, những trường hợp nữ sinh bắt nạt bạn học không phải lúc nào cũng dễ dàng nhận ra và phát hiện như các trường học bạo lực về thể xác. Đôi khi, các hành vi bạo lực về mặt tâm lý còn có tác động dai dẳng, khủng bố và để lại hậu quả sâu sắc không kém gì.
Một trong số những hình thức bạo lực tâm lý phổ biến nhất được thực hiện bởi các nữ sinh là tẩy chay và nói xấu. Chia sẻ với chúng tôi, bạn Thanh, sinh viên năm cuối một trường đại học tại châu Âu cho biết khi còn đi học phổ thông (lớp 9) ở Việt Nam, bạn bị một nhóm bạn nữ cùng lớp tẩy chay, lập nhóm nói xấu và cho rằng mình “thảo mai, giả tạo” chỉ vì không bao giờ nói tục và đồng thời có được tình cảm của một bạn nam cùng lớp.
Chuyện nói xấu, cô lập này khiến Thanh cảm thấy sợ phải đến trường suốt một thời gian và cũng vô tình phá hỏng tình bạn với bạn nam kia. Tới năm lớp 12, câu chuyện tương tự lại tái diễn với một nhóm bạn nữ khác. Lần này, Thanh bị bạn gái cũ của cậu bạn trai mới quen nói xấu, lan truyền tin đồn trong trường và cười đùa, khiêu khích, mạt sát ngoại hình mỗi khi vô tình chạm mặt trên hành lang.
Đối với Dương (23 tuổi, nhân viên một công ty có trụ sở tại Cầu Giấy) thì trải nghiệm lại khác. Cũng từng là nạn nhân của bạo lực học đường và các chiêu trò tẩy chay, phân biệt đối xử, nhưng trường hợp của cô không chỉ là vì lý do “cổ điển” liên quan đến con trai, mà có lần còn vì khác biệt về gia cảnh.
Mặc dù không có hành vi bạo lực thể chất cụ thể từ phía những kẻ bắt nạt, nhưng Dương cũng cảm thấy tổn thương vì cách mình bị một số bạn cười nhạo khi hỏi về số tiền được bố mẹ cho khi đi tham quan cùng trường. Đáng chú ý, trong số nhóm bắt nạt này có bạn nữ từng chơi thân với Dương và thường xuyên được cô đưa đi đón về do tiện đường đến trường.
Sau này, nhờ việc đi dạy thêm kiếm thêm thu nhập, Dương được tiếp xúc với những em học sinh thuộc nhiều thành phần và đã được nhìn hé vào suy nghĩ của những kẻ bắt nạt.
“Hồi năm 2022 mình có dạy một em nữ học lớp 9. Nhà em này ở một khu chung cư tại quận Thanh Xuân và học một trường công lập gần đó. Con bé cũng thuộc dạng cao ráo xinh xắn, hot girl ở trường, chơi bóng rổ… Đi dạy thỉnh thoảng em ấy kể chuyện, ‘Chị ơi con này liếc rồi lườm em với bạn em, em với bạn em ngứa mắt lôi ra đánh luôn ở giữa đường’, xong còn quay video lại cho mình xem rồi ngồi cười hỉ hả, mình thấy mà sợ toát mồ hôi.
Địa điểm bắt nạt thông thường sẽ là chỗ chung cư nhà em ý, khu tầng thượng ấy. Tầng thượng chung cư vừa vắng, vừa có công trình dở nên hiếm người qua lại, đặc biệt là chung cư đó còn đối diện trường”.
Theo lời Dương, “kẻ bắt nạt” tuổi teen này không hề cảm thấy hối hận mà còn tỏ ra thích thú về việc bạo lực bạn bè của mình và cho rằng nạn nhân xứng đáng bị như thế qua các phát ngôn:
“Chị ơi chị xem bọn em đánh con này này, con này nó láo lắm, trước em giúp đỡ nó bao nhiêu, cho nó tiền mua đồ ăn các thứ mà nó phản bội em”, vừa nói vừa đưa video mình đánh bạn cho chị gia sư xem và bình luận: “Nhìn nó né này (cười)”.
Điểm đặc biệt hơn nữa mà Dương quan sát được khi còn đi dạy ở nhà cô bé này là thái độ của phụ huynh kẻ bắt nạt với con và với hành vi của con. “Nhìn chung bà mẹ rất khéo léo, rất quan tâm con, nhà rất có điều kiện, chiều con hết mực. Hồi đấy đi dạy mà mình đau đầu với nhà đấy luôn. Kiểu như con bé này lười học với lươn lẹo, hay muốn trốn học thì mẹ cũng xuề xòa báo trước giờ nghỉ sát nút luôn.
Nhớ nhất là có lần ngồi trong phòng dạy em này xong em ý vừa kể đánh đứa này đứa nọ tối qua xong, thì một lát sau đi về, bà mẹ bảo: ‘Nay em *** học có đuối sức lắm không? Khổ, thương quá, tối qua đi chơi vui đùa với bạn về thế nào mà thấy mệt phờ ra, may vẫn cố gắng học hành’. Lúc đấy mình chỉ biết cười trừ rồi té vội”.
Em Minh, học sinh lớp 8 một trường THCS trên địa bàn Hà Nội thì cho biết thời điểm khoảng 1 năm trước mình cũng phải chịu rất nhiều áp lực từ bạn bè cùng lớp và ngày nào về cũng khóc, thậm chí xin bố mẹ chuyển lớp, chuyển trường vì bị nhóm bạn nữ cùng lớp cô lập. Ngoài lý do hay chơi với con trai, Minh cho biết em bị các bạn miệt thị ngoại hình (do có dáng vóc không giống với kiểu mảnh mai truyền thống) hoặc giẫm lên giày mới mua, cùng những trò trêu đùa độc hại khác như lập nhóm nói xấu, bắt nạt mạng, lập nick ảo mang tên em để bình luận linh tinh trên mạng xã hội, làm ảnh hưởng tới hình ảnh của em.
Tại Việt Nam, số liệu được Bộ Giáo dục và đào tạo (GD- ĐT) đưa ra gần đây nhất, trong một năm học, toàn quốc xảy ra gần 1.600 vụ việc học sinh đánh nhau ở trong và ngoài trường học (khoảng 5 vụ/ngày). Cũng theo thống kê của Bộ GD-ĐT, cứ khoảng trên 5.200 học sinh (HS) thì có một vụ đánh nhau; cứ hơn 11.000 HS thì có một em bị buộc thôi học vì đánh nhau; cứ 9 trường thì có một trường có học sinh đánh nhau.
Tuy nhiên, đó mới chỉ là con số thống kê bạo hành về mặt thể chất có thể ghi nhận được. Còn các vụ bạo hành thể chất không được báo cáo, hoặc bạo hành tinh thần khó phát hiện hơn thì chưa thể thống kê một cách đầy đủ.
Nhìn vào tâm lý của những kẻ bắt nạt là nữ giới
Theo chuyên gia giáo dục Wilson-Simmons, có sự khác biệt nhất định giữa động lực bắt nạt của nam sinh và nữ sinh. Trong khi con trai bắt nạt bạn vì các vấn đề cá nhân như lòng tự trọng, mong muốn được chú ý, tranh giành quyền lực,... thì con gái có thể bắt nạt do các yếu tố liên quan đến cộng đồng và xã hội nhiều hơn, như được công nhận, tìm kiếm đồng minh, ghen tị…
Giống như nam giới, những nhóm bắt nạt nữ cũng hình thành xung quanh một kẻ cầm đầu. Nhưng trong những bè phái kiểu này, các thành viên luôn cạnh tranh lẫn nhau vị trí dẫn đầu và không bao giờ tin tưởng nhau. Kết quả là đôi khi chính những kẻ từng là người đi bắt nạt chung nhóm lại trở thành kẻ bị bắt nạt, cô lập bởi chính nhóm đó khi không còn nạn nhân tiềm năng nào khác.
Hầu hết những kẻ bắt nạt nữ không hành động một mình. Thay vào đó, họ có xu hướng lôi kéo người ủng hộ - đó có lẽ là lý do mà nói xấu, tẩy chay, bắt nạt trên mạng, tung tin đồn là các chiêu trò ưa thích. Ngoài ra, vì nhạy cảm trước áp lực xã hội và sự công nhận của bạn bè đồng trang lứa, nhiều nữ sinh cũng sẽ bắt nạt bạn kể cả khi biết điều đó là sai chỉ để bản thân không bị biến thành nạn nhân.
Một yếu tố nguy hiểm là nữ giới bị bắt nạt tình dục nhiều hơn nam giới, theo một nghiên cứu của Hiệp hội Phụ nữ Đại học Hoa Kỳ. Ví dụ, họ có thể gặp phải những tin đồn về hoạt động tình dục bất kể tính chính xác của những tuyên bố đó (slut shaming), hoặc bị quấy rối tình dục.
Có nhiều lý do dẫn đến hành vi bắt nạt ở nữ giới. Một số cảm thấy cô đơn, thiếu thốn và sợ hãi, và bắt nạt để cảm thấy mạnh mẽ hoặc che giấu sự bất an của họ. Một số hùa theo bắt nạt để khỏi bị bắt nạt. Số khác có thể là nạn nhân của sự bạo hành tại nhà hoặc nơi sinh sống nên phải tìm kiếm hành vi giải tỏa.
Nhưng những kẻ bắt nạt không nhất thiết phải là nạn nhân của bạo hành cụ thể nào mà đôi khi là do sự chiều chuộng, định hướng sai của gia đình. Thậm chí họ còn có thể là những cá nhân được yêu mến và nổi tiếng ở trường. Bằng cách kiểm soát một nhóm đồng trang lứa, những kẻ bắt nạt đạt được quyền lực đám đông và tiếp tục khủng bố những nạn nhân mà họ tin là mối đe dọa.
Các nạn nhân có thể bị nhắm mục tiêu một cách ngẫu nhiên, nhưng thường được lựa chọn vì ghen tị, sự khác biệt, từ chối tuân theo nhóm hoặc sở hữu điểm yếu về ngoại hình, tính cách. Bắt nạt cũng có thể được châm ngòi bởi một sự thay đổi đột ngột trong tình bạn, khi kẻ bắt nạt cảm thấy bị đe dọa và quyết định rằng mình phải trả đũa vì bạn làm mình phật ý.
Mặc dù có thể không hiện diện về mặt thể chất, nhưng hành vi bắt nạt tâm lý có thể để lại dấu ấn tàn khốc đối với nạn nhân và gây ra đau đớn kéo dài. Vì đặc tính sinh học và xã hội hóa, nữ giới nhạy cảm hơn với sự cô lập về mặt cộng đồng.
Một số nạn nhân nữ bị bắt nạt trở nên thu mình và thậm chí bỏ học. Trong một số ít trường hợp, nạn nhân có thể trở nên chán nản và vô vọng đến mức họ coi tự sát là lựa chọn duy nhất của mình.
Nạn nhân thường giữ im lặng do xấu hổ, tự trách mình hoặc sợ bị trả thù, vì vậy các vụ bắt nạt có thể không được phát hiện. Hãy điều tra xem có bắt nạt hay không nếu người thân, bạn bè hoặc học sinh của bạn có bất kỳ dấu hiệu nào sau đây: tâm trạng thất thường, đột ngột xa lánh bạn bè, từ chối đến trường hoặc các sự kiện xã hội, khó ngủ, khó khăn trong học tập, phàn nàn về thể chất và ngoại hình của bản thân, sụt cân hoặc tăng cân, hay quấy khóc…
*Danh tính một số nhân vật trong bài đã được thay đổi.