Tình trạng bắt nạt học đường ở Hàn Quốc còn tồi tệ hơn trong phim 'The Glory'
Một ủy viên trường học tại Hàn Quốc cho rằng thực trạng bắt nạt học đường ngoài đời còn tồi tệ hơn những gì khán giả thấy trong bộ phim 'The Glory'.
Bộ phim "The Glory" đã đạt được một cơn sốt toàn cầu từ thời điểm ra mắt cuối tháng 12 năm ngoái. Dù mới ra mắt 8 tập trong phần 1, hứa hẹn sức hút của loạt phim này sẽ không hề giảm đi mà còn tăng mạnh khi phần 2 ra mắt.
Nội dung xoay quanh nhân vật chính là Moon Dong Eun (do Song Hye Kyo thủ vai), một nạn nhân của bạo lực học đường lớn lên và tìm cách trả thù những kẻ bắt nạt mình khi xưa. Động chạm đến một vấn đề nhạy cảm của xã hội Hàn Quốc, bộ phim còn gây bất ngờ vì không ngại lột tả lại những trò bắt nạt kinh khủng khiến người xem phải rùng mình.
Trên thực tế, nhiều chi tiết có nội dung đáng sợ tới mức khán giả thắc mắc liệu sự việc như vậy có xảy ra thực ngoài đời hay chỉ là phóng đại? Trả lời thắc mắc này, một ủy viên trường học tại Hàn Quốc cho rằng thực tế còn tệ hơn cả vậy.
Cảnh bắt nạt kinh hoàng lấy cảm hứng từ đời thực
Trong phim, có một phân cảnh khiến nhiều khán giả cảm thấy sốc là khi Moon Dong Eun bị các kẻ bắt nạt dùng máy uốn tóc kẹp bỏng cánh tay. Chi tiết này khiến cộng đồng dậy sóng vì nó gợi nhắc lại một vụ việc tương tự ngoài đời thực xảy ra cách đây 17 năm ở một trường trung học nữ sinh tại Cheongju, tỉnh Bắc Chungcheong.
Trong phim, Park Yeon-jin, kẻ bắt nạt chính, kẹp tay Moon Dong-Eun bằng một chiếc máy uốn tóc trong phòng tập thể dục của trường để trả thù cho việc Moon quyết định báo cảnh sát về hành vi bạo lực học đường của cô.
Nạn nhân tìm đến giáo viên và cảnh sát để nhờ giúp đỡ nhưng đám thủ phạm - tất cả đều có gia thế - thoát tội mà không bị kỷ luật vì hành động của mình. Sau đó, bạo lực kéo dài khiến Moon phải bỏ học và từ bỏ ước mơ trở thành kiến trúc sư.
Trong vụ việc ngoài đời diễn ra năm 2006, 3 học sinh lớp 9 bị phát hiện đã bắt nạt bạn cùng lớp trong 20 ngày và trấn lột tiền nạn nhân. Vào những ngày không nộp đủ, nạn nhân sẽ bị đánh bằng gậy bóng chày, cào vào ngực bằng kẹp tóc và thậm chí đốt bỏng cánh tay bằng máy uốn tóc. Bạo lực thể chất khiến nạn nhân chịu nhiều chấn thương và phải nhập viện tới 6 tuần.
Nạn nhân cho biết trong một cuộc phỏng vấn với hãng truyền thông Newsis vào thời điểm đó rằng vết thương của cô còn không có thời gian lành lại vì những kẻ bắt nạt sẽ đốt cơ thể cô để kiểm tra nhiệt độ của máy uốn tóc vài ngày một lần. Nạn nhân nói thêm rằng những kẻ thủ ác thậm chí còn dùng móng tay của chúng lột những lớp vảy đang lành của cô như một hình phạt.
Tuy nhiên, không giống như bộ phim, Tòa án quận Cheongju đã ban hành lệnh bắt giữ đối với một trong những thủ phạm, với lý do là sự tàn bạo và mức độ nghiêm trọng của vụ việc. Được biết, học sinh này ban đầu đã đe dọa nạn nhân không được tiết lộ danh tính nhưng sau đó đã phải thừa nhận hành vi bạo lực của mình trong quá trình điều tra.
Nhà trường và giáo viên cũng bị phạt hành chính vì xử lý yếu kém tình trạng bạo lực học đường trong vụ việc.
Thực tế còn tệ hơn trên phim
Chương trình "News High Kick" của đài MBC Radio gần đây đã mời một khách mời tên Choi Woo Sung. Choi là ủy viên trường học tại Văn phòng Giáo dục Gyeonggi Suwon và anh giám sát các trường hợp liên quan đến bạo lực học đường. Trong chương trình, anh được hỏi liệu cảnh những kẻ bắt nạt Moon Dong Eun tra tấn cô bằng máy uốn tóc nóng có thật không? Choi trả lời: "Thực tế còn tồi tệ hơn".
Ngoài vụ việc năm 2006 kể trên, Choi còn chỉ ra một số trường hợp bạo lực khác liên quan đến trẻ vị thành niên. Trong vụ hành hung ở trường trung học nữ sinh Yangsan xảy ra vào năm 2021, một học sinh nước ngoài bị cả nhóm học sinh cấp 2 hành hung. Thủ phạm đã ghi lại vụ tấn công và thậm chí trơ tráo phát tán trên các diễn đàn internet.
Trước đó, trong vụ án bạo hành ký túc xá Cheonghak-dong (2020), nạn nhân bị một nhóm nữ sinh hành hạ theo cách mất vệ sinh khiến cả Hàn Quốc bàng hoàng. Gần đây hơn là vụ án xâm phạm một bé gái nhỏ tuổi hơn của nam sinh 12 tuổi khiến ai nấy đều kinh hãi.
Ủy viên Choi bày tỏ sự nuối tiếc sâu sắc về thực tế là hầu hết thủ phạm bạo lực học đường đều dưới 14 tuổi, điều này khiến chúng được pháp luật bảo vệ vì được coi là "vị thành niên phạm pháp". Thuật ngữ này đề cập đến trẻ em trong độ tuổi từ 10 đến 14 đã phạm tội nhưng là đối tượng được bảo vệ. Phạm tội dạng này bị kết án nhẹ bằng lao động công ích hoặc giam giữ vị thành niên thay vì bị xử phạt hình sự.
Ủy viên Choi nêu ý kiến: "Trong cả 3 trường hợp trên, một số thủ phạm hoặc tất cả thủ phạm đều là trẻ vị thành niên dưới 14 tuổi, vì vậy sẽ có giới hạn để trừng phạt chúng… Tôi đồng ý rằng giới hạn độ tuổi tiêu chuẩn nên được hạ thấp dần vì (thủ phạm) ngày càng trẻ hóa và tội ác của chúng ngày càng tinh vi và bạo lực hơn… Đồng thời, với tư cách là một xã hội, những nỗ lực của chúng ta cần phải gây dựng và ngăn chặn những vụ việc như vậy xảy ra ngay từ đầu".
Vào tháng 12 năm ngoái, chính phủ Hàn Quốc đã thông qua dự luật hạ thấp giới hạn độ tuổi vị thành niên được bảo vệ từ 14 xuống 13.
Đồng tình với Choi, một cựu giáo viên tiếng Anh ở trường quốc tế tại Hàn Quốc, hiện đang làm sáng tạo nội dung cũng cảnh báo về thực trạng bạo lực học đường. Chia sẻ trên tài khoản Queentiwa, cô cho hay ở ngôi trường tư thục cô từng dạy, nơi tất cả các học sinh đều có cha mẹ giàu có hoặc nổi tiếng, cảnh bắt nạt như trên phim không hề phóng đại và còn phổ biến.
Cô bày tỏ sự thất vọng của mình khi không thể giúp đỡ những học sinh bị bắt nạt: "Kiểu như, chúng tôi không thể làm bất cứ điều gì". Lý do là bởi mỗi lần cô cố can thiệp, Queentiwa đều rơi vào rắc rối. Những kẻ bắt nạt không chỉ sử dụng bạo lực với học sinh khác, mà ngay cả với giáo viên. Có lần, cô từng bị một học sinh dí kéo vào cổ đe dọa.
Cũng theo Queentiwa, không phải giáo viên nào cũng dám đứng ra bảo vệ học sinh bởi lẽ họ ngại việc bị cha mẹ những kẻ bắt nạt gây khó dễ. Cô giải thích thêm rằng tình trạng mà cô chứng kiến là ở các cấp học bé, nên ở cấp trung học phổ thông, mọi chuyện có khi còn tồi tệ hơn trên phim nhiều.