Đường đắt nhất Thủ đô, Nguyễn Văn Huyên (Cầu Giấy - Hà Nội) chuẩn bị hoàn thành rộng rãi, sạch đẹp thế nhưng vì mặt đường thấp hơn nền nhà hàng mét nên hàng chục ngôi nhà cạnh mặt đường bất ngờ phải lên "đồi" sống.
Đường Nguyễn Văn Huyên được khánh thành dịp Tết Ất Mùi vừa qua, đây là con đường có chiều dài chỉ 565 mét, được đánh giá là đường đắt nhất thủ đô tới thời điểm này. Tổng mức đầu tư dự án hơn 969 tỷ, trong đó chi phí đền bù giải phóng mặt bằng hơn 680 tỷ, xây lắp hơn 79 tỷ.
Đến nay, các hạng mục còn lại như cống thoát nước, cáp ngầm, vỉa hè đang được gấp rút hoàn thiện. Thế nhưng một điều trớ trêu đối với hàng chục hộ dân sinh sống trên con đường đắt nhất thủ đô đầu đoạn đường (giao với đường Cầu Giấy) bỗng dưng phải lên "đồi" sống vì hiện tại mặt đường thấp hơn nền nhà đến gần 2 mét.
Nếu như ở Sài Gòn, một con đường khi làm xong người dân phải chui xuống "hầm" mới vào được nhà thì tại Hà Nội người dân buộc phải bắc thang cao hàng mét để trèo lên nhà.
Trao đổi với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Ngoan cho biết: "Nhà tôi đã ở đây hàng trăm năm rồi, giờ làm đường khiến nhà cao hơn mặt đường 1.55 mét. Giờ không biết làm cách nào để lên nhà cả đành phải đóng tạm một chiếc thang gỗ để leo lên nhà thôi".
Với gia đình này hiện đang có 2 đứa trẻ nhỏ luôn luôn sống trong tình trạng lo sợ bởi nếu chẳng may lơ đễnh là trẻ nhỏ có thể bị trượt chân xuống dưới hè đường.
Một số gia đình khác lại thuê thợ đổ đất, bắc tạm chiếc cầu, lát ván để thuận tiện cho việc đi bộ cũng như xe cộ ra/vào nhà.
Việc bỗng nhiên phải sống trên "đồi" giữa Thủ đô khiến không ít người tỏ ra bức xúc, họ chỉ biết đưa ra những giải pháp tạm thời là dựng thang tạm, cầu tạm để đi lại.
Thậm chí nhiều người không dám điều khiển xe máy để leo lên/xuống "đồi".
Một con dốc dẫn vào con ngõ trên "đồi".
Xe máy khó lòng vượt qua đoạn dốc này bởi chiều cao quá lớn.
Bà Nguyễn Thị Ngoan sợ phải leo thang lên nhà nên đã lựa chọn cách leo dốc đi bằng cửa sau của ngôi nhà trong sự mỏi mệt.
Ở vị trí này cho thấy mặt đường thấp hơn đến 2 mét so với nền nhà các hộ gia đình.
Hệ thống cấp thoát nước cũ bị đập bỏ, thay vào đó là cống ngầm thấp hơn đến gần 2 mét ở vị trí này.
Trong bức ảnh này, một gia đình bên góc trái đã phải xây mới, hạ thấp nền móng nhà để tương xứng với mặt đường mới.
Việc bỗng dưng bị sống trên "đồi" giữa Thủ đô đã và đang khiến hàng chục gia đình rơi vào cảnh hoang mang bởi không phải ai cũng có thể hạ móng nhà xuống tương xứng với nền đường. Hiện tại hàng chục hộ gia đình tại đây vẫn chưa thể nghĩ ra phương án nào để khắc phục tình trạng này. Trả lời báo chí, ông Trần Mạnh Hà, Phó chủ tịch quận Cầu Giấy cho biết, việc có nhà cao hơn đường1,3m là do 'lịch sử để lại'. Những ngôi nhà này được xây dựng từ lâu và cốt nền cao hơn những nhà khác. Khi làm đường, đơn vị thi công phải làm đồng bộ chứ không thể theo cốt nhà được.