Vụ xe tải lùi làm 3 mẹ con tử vong thương tâm ở Hà Nội: Lái xe tải phải đối mặt với mức xử phạt nào?

BÀI - ẢNH: LÊ BẢO,
Chia sẻ

Trao đổi với chúng tôi, Luật sư cho biết lái xe tải đã vi phạm quy tắc hoạt động giao thông đường bộ, vi phạm khoản 1, điều 15 và có thể bị phạt tù đên 15 năm.

Lái xe tải đã vi phạm lỗi gì trong lúc điều khiển xe tải?

Như chúng tôi đã thông tin đến bạn đọc về vụ tai nạn thương tâm xảy ra ở đường Võ Quốc Huân (Bắc Từ Liêm – Hà Nội), chiếc xe tải lùi không để ý đã cuốn xe máy vào gầm khiến người phụ nữ phải sinh con tại chỗ. Sau đó, đứa bé mới sinh cùng mẹ và bé gái 3 tuổi tử vong. Riêng người chồng chỉ bị thương nhẹ.

Khi xảy ra vụ tai nạn, nhiều người dân chứng kiến vụ việc đã không khỏi thương xót đồng thời tìm mọi cách đưa các nạn nhân đi cấp cứu nhanh nhất với hy vọng sẽ cứu sống được 3 mẹ con. Tuy nhiên, khi tiếp nhận, các Bác sĩ tại BV 19-8 phát hiện cả 3 nạn nhân đều đã ngưng tim.

Theo thông tin của chúng tôi, tài xế gây ra vụ tai nạn thương tâm là Bùi Tuấn Anh (sinh năm 1992 trú tại Phù Ninh – Phú Thọ). Trong lúc anh Tuấn Anh điều khiển xe tải mang BKS 29C -49902 lùi trúng xe máy mang BKS 37P1 – 386xx do anh Nguyễn Văn Hoàng cầm lái chở theo con nhỏ 3 tuổi cùng vợ mình đang mang bầu tháng thứ 8.

Vụ xe tải lùi làm 3 mẹ con tử vong thương tâm: Lái xe tải phải đối mặt với mức xử phạt nào? - Ảnh 1.

Hiện trường vụ tai nạn thương tâm.

Liên quan đến vụ tai nạn thương tâm trên, trao đổi với chúng tôi Luật sư Nguyễn Anh Thơm (văn phòng Luật sư Nguyễn Anh, Đoàn Luật sư TP Hà Nội) nêu quan điểm.

Trong vụ tai nạn giao thông này, người điều khiển phương tiện xe ô tô đã có lỗi vi phạm:

+ Vi phạm Điều 4 Luật giao thông đường bộ: Nguyên tắc hoạt động giao thông đường bộ

"Người tham gia giao thông phải có ý thức tự giác, nghiêm chỉnh chấp hành quy tắc giao thông, giữ gìn an toàn cho mình và cho người khác. Chủ phương tiện và người điều khiển phương tiện phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc bảo đảm an toàn của phương tiện tham gia giao thông đường bộ", Luật sư Thơm trích dẫn.

+ Vi phạm Khoản 1 Điều 16 Luật giao thông đường bộ: Lùi xe

"Khi lùi xe, người điều khiển phải quan sát phía sau, có tín hiệu cần thiết và chỉ khi nào thấy không nguy hiểm mới được lùi".

Vụ xe tải lùi làm 3 mẹ con tử vong thương tâm: Lái xe tải phải đối mặt với mức xử phạt nào? - Ảnh 2.

Anh Nguyễn Văn Hoàng khóc ngất trước sự mất mát quá lớn.

Hành vi lùi xe ô tô không quan sát của lái xe ô tô đã có mối quan hệ nhân quả dẫn tới cái chết của 02 mẹ con đã có dấu hiệu phạm tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ. Tội phạm và hình phạt được qui định tại điểm đ Khoản 2 Điều 260 BLHS 2015.

Lái xe phải chịu hình thức phạt tù thế nào?

Điều 260. Tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ

1. Người nào tham gia giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

a) Làm chết người;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương có thể 61% trở lên;

c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;

Vụ xe tải lùi làm 3 mẹ con tử vong thương tâm: Lái xe tải phải đối mặt với mức xử phạt nào? - Ảnh 3.

Chiều ngày 31/5 gia đình đã đưa thi thể 3 mẹ con về quê an táng.

d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:

a) Không có giấy phép lái xe theo quy định;

b) Trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định, có sử dụng chất ma túy hoặc chất kích thích mạnh khác;

c) Bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm hoặc cố ý không cứu giúp người bị nạn;

d) Không chấp hành hiệu lệnh của người điều khiển hoặc hướng dẫn giao thông;

đ) Làm chết 02 người;

e) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%:

g) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

a) Làm chết 03 người trở lên;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;

c) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.

4. Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ trong trường hợp có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả quy định tại một trong các điểm a, b và c khoản 3 Điều này nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm.

5. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Ai là người chịu trách nhiệm bồi thường dân sự?

Căn cứ Điều 601 Bộ luật dân sự 2015 quy định bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra "Chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra; nếu chủ sở hữu đã giao cho người khác chiếm hữu, sử dụng thì người này phải bồi thường, trừ trường hợp có thỏa thuận khác".

Như vậy, theo quy định của pháp luật dân sự thì việc xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại này không phụ thuộc vào việc chủ xe có mặt trên xe hay không mà dựa vào việc ai là người đang chiếm hữu, sử dụng chiếc xe đó.

Nếu người gây tai nạn là người được thuê lái xe thì không phải là người chiếm hữu, sử dụng chiếc xe, mà chủ xe mới là người chiếm hữu, sử dụng. Do đó, chủ xe là người bồi thường thiệt hại cho người bị tai nạn.

Chủ phương tiện có thể khởi kiện lái xe để giải quyết đòi lại số tiền đó ở vụ kiện dân sự khác, nếu có yêu cầu. Trường hợp không khởi kiện thì thì hai bên thỏa thuận về số tiền bồi thường. Nguyên tắc bồi thường là xét trên cơ sở chủ phương tiện, là người có điều kiện để để bồi thường.

Chia sẻ