"Vợ chứ đâu phải trời...!"
Nếu vợ không về, tôi biết lấy đâu ra 30 triệu đồng để đưa cho ông anh thanh toán viện phí? Rồi tôi biết ăn nói thế nào với anh chị? Dù sao thì Hương cũng phải giữ thể diện cho tôi chớ?
Đến giờ tôi vẫn không hiểu ánh mắt đó muốn nói điều gì với tôi. Ở với nhau gần 20 năm, lần đầu tiên tôi không thể hiểu hết những điều chất chứa trong ánh nhìn của người đã đi cùng mình một nửa chặng đường của một cuộc hôn nhân hạnh phúc.
“Anh tưởng em là cái máy in tiền chắc? Sao cái gì cũng đổ lên đầu em hết vậy? Anh có bao giờ nghĩ cho em không? Cái gì anh cũng lo cho nhà anh, chưa bao giờ... anh nghe rõ đây... chưa bao giờ anh biết nghĩ tới vợ mình, tới người đã đầu tắt mặt tối vì anh, vì con và vì cả nhà anh”. Khi nói điều này, ánh mắt Hương thật lạ. Tôi thấy trong khóe mắt ngân ngấn nước ấy có những ngọn lửa. Đúng, những ngọn lửa. Chính vì vậy mà nó thiêu đốt tôi suốt mấy ngày qua.
Ông anh ruột của tôi bệnh phải mổ. Chi phí khá nhiều. Anh chị đã lo nhưng vẫn không đủ. Tôi thấy vậy nên hứa: “Anh chị đừng lo. Nếu thiếu, vợ chồng em sẽ bù cho”. Khỏi phải nói là anh chị tôi vui mừng như thế nào. Thế nhưng khi tôi nói điều này với Hương thì mặt nàng sa sầm. Không có một lời nào đáp lại.
Đến hôm anh tôi gọi điện báo số viện phí phải đóng, phần thiếu hụt gần 30 triệu đồng, tôi bảo Hương: “Em coi đem tiền vô cho anh Tư”. Hương làm thinh. Tưởng vợ không nghe, tôi lặp lại: “Em coi đem tiền vô bệnh viện cho anh Tư thanh toán viện phí. Gần 30 triệu nhưng em đem luôn 30 triệu đi”.
Đến lúc đó thì Hương quay phắt lại. Và cái câu “bộ anh tưởng em là cái máy in tiền hả?” thốt lên từ miệng nàng như một viên đại bác bắn vào tư cách người chủ gia đình của tôi.
Bao nhiêu năm qua, tôi không hề bận tâm đến chuyện tiền nong trong gia đình. Bởi vợ tôi là người chu toàn mọi việc. Tháng tháng, lãnh lương, tôi đưa cho vợ 60% số tiền lãnh được; phần còn lại, tôi tự do tiêu xài cho nhu cầu cá nhân của mình. 60% đó khoảng 6 - 7 triệu đồng.
Tôi để cho vợ tự do chi xài, không bao giờ hỏi nàng chi tiêu vào việc gì. Hai đứa con đi học, cha mẹ tôi ở quê, đám tiệc, trả góp tiền mua nhà... tất cả đều do Hương quán xuyến. Thỉnh thoảng tôi có một khoản thưởng đột xuất, tôi lại cho cha mẹ một ít, anh chị một ít, mấy đứa cháu một ít...
Và lúc nào tôi thấy Hương cũng vui vẻ. Bà con ở quê lên, ai cũng thích đến nhà tôi. Có người lên chơi mà ở cả tháng không muốn về vì “ở với chú thím thật sướng”. Tôi chưa bao giờ nghe Hương than vãn, chưa bao giờ thấy vợ buồn phiền... Đó là niềm tự hào lớn nhất của người làm chồng như tôi.
Mới đây, công ty thưởng đột xuất 20 triệu đồng, mới đầu tôi hứa mua cho vợ cái điện thoại mới để thay cái điện thoại cùn nàng xài 4-5 năm nay. Lúc nghe tôi nói vậy, vẻ mặt Hương rạng ngời khiến tôi cũng thấy hạnh phúc vì được chăm sóc cho vợ. Thế nhưng bất ngờ bà chị kế của tôi có việc cần gấp, chạy vạy không có, tôi vội vàng lấy luôn 20 triệu vừa lãnh ra đưa cho chị.
Vợ tôi chờ mãi không thấy tôi mua điện thoại mới hỏi. Lúc đó tôi giật mình, chỉ còn biết cười trừ: “Anh cho chị Năm hết rồi. Chị ấy đang kẹt, định nói với em mà quên mất”. Tôi thấy vợ tôi quay đi không nói gì. Tôi nghĩ bụng, để lần sau mua cho vợ cũng được; người một nhà, có gì đâu phải gấp gáp. Với lại tôi biết Hương rất dễ tính, nàng chẳng bao giờ so đo, nhất là đối với người nhà...
Ấy vậy mà lần này nàng đã bỏ về ngoại ở mấy hôm nay. Điện thoại không nghe, nhắn tin không trả lời, có điên không chứ? Vợ chớ đâu phải trời, làm gì mà dữ vậy? Nếu Hương không về, tôi biết lấy đâu ra 30 triệu để đưa cho ông anh thanh toán viện phí? Rồi tôi biết ăn nói thế nào với anh chị? Dù sao thì Hương cũng phải giữ thể diện cho tôi chớ? Càng nghĩ tôi càng bực bội.
“Để ba qua ngoại làm cho mẹ một trận”- tôi bảo con gái. Nó nhăn mặt: “Làm một trận là làm gì hả ba? Ba có thấy là ba quá đáng với mẹ không? Con nói cho ba biết, bao nhiêu năm nay, mẹ một mình gánh vác, ba lúc nào cũng hời hợt, vô tư. Ba biết mẹ đã khóc với tụi con bao nhiêu lần không? Ba chỉ biết lo cho mọi người, còn mẹ và tụi con thì hình như không có trong bộ nhớ của ba”.
Những lời con gái nói càng khiến tôi bực bội: “Con đừng có bênh vực mẹ. Đàn bà thì phải biết vun vén cho gia đình, không lẽ ba phải lo chuyện đó nữa sao?”. Con gái tôi kể, số tiền tôi đưa mỗi tháng chỉ đủ lo cho mỗi một mình con út đi học; mọi thứ còn lại mẹ nó phải lo hết. Mẹ làm ngày, làm đêm, mang công việc về làm thêm mới đủ chi tiêu cho mọi thứ chứ không phải suốt ngày nhổng nhổng đi chơi như ba”.
Suýt chút nữa tôi đã tát tai con gái vì cái tội hỗn láo; thế nhưng tôi kịp kềm lại.
Và bây giờ tôi thấy nó nói đúng. Càng nghĩ tôi càng thấm thía. Cả ngày chủ nhật, tôi không đi cà phê, không lai rai với bạn bè mà ngồi nhà tính toán. Tôi không hiểu làm sao vợ tôi có thể lo cho cha con tôi ngày ba bữa ăn tươm tất; quần áo đẹp đẽ, con cái học hành đàng hoàng; cha mẹ, anh em lúc nào cần là vợ tôi có mặt...
Ừ, bao nhiêu năm nay tôi tự coi mình là ông chủ trong gia đình nhưng mọi thứ trong cái gia đình ấy tôi hình như chẳng biết gì cả... Bây giờ biết rồi thì thấy sượng sùng quá đỗi. Nhưng bây giờ chẳng lẽ phải hạ mình đi năn nỉ, rước vợ về? Không được, đàn ông ai lại mềm yếu như vậy, sau này vợ con nó leo lên đầu mình ngồi thì làm sao dạy dỗ cho được?
Nhưng nếu không rước thì làm sao tôi trả lời với anh chị tôi về khoản viện phí thiếu hụt mà tôi đã hứa chắc như đinh đóng cột? Coi mòi này thì vợ tôi nhất quyết không nhân nhượng rồi. Nói xui xẻo, lỡ nàng không về luôn, thậm chí đòi ly hôn thì tôi biết ăn làm sao, nói làm sao với gia đình hai bên đây?
Ôi, thật là đau cái đầu, chỉ một chuyện cỏn con như vậy mà tính mãi không ra...