Vì sao điều dưỡng Công thay đổi lời khai về bác sĩ Hoàng Công Lương?
Chiều 22/5, đại diện Viện kiểm sát tiếp tục truy hỏi điều dưỡng trưởng Đinh Tiến Công để làm rõ chi tiết ở phiên xử chiều 21/5, người này khai nhận đã ghi thêm vào sổ giao ban nội dung "phân công cho bác sĩ Lương phụ trách đơn nguyên chạy thận" sau khi sự cố chạy thận xảy ra.
Đại diện VKS hỏi: Tại sao trước đây khi được truy hỏi sau vụ tai biến y khoa, VKS thẩm vấn ông về việc có bổ sung thêm gì trong cuốn sổ phân công nhiệm vụ không ông vẫn nói "sổ họp giao ban là ghi đúng khách quan không ghi thêm", nhưng tại phiên toà hôm qua ông lại thay đổi lời khai và thừa nhận có bổ sung thêm nội dung trên?
Điều dưỡng Công đáp: Lý do tôi thay đổi vì thực tế sự thật là như vậy.
Phiên tòa buổi chiều 22/5
Điều dưỡng Công đưa ra lý do rằng, bản thân không nhớ thời điểm chính xác ghi bổ sung vào sổ phân công công việc mà chỉ nhớ sau khi xảy ra sự cố chạy thận.
"Tôi ghi bổ sung thông tin này tại khoa. Lúc đó có lãnh đạo khoa là bác sĩ Khiếu và bác sĩ Tình. Bác sĩ Khiếu và bác sĩ Tình có chỉ đạo ghi và tôi đã ghi nội dung như thế. Tôi là cán bộ cấp dưới nên chỉ theo chỉ đạo như vậy", ông Công nói.
Theo ông Công, cuộc họp đánh giá viên chức năm 2015-2016 chưa có chữ ký nào, sau khi ông viết nội dung bổ sung "phân công cho bác sĩ Lương phụ trách đơn nguyên chạy thận" lãnh đạo khoa mới ký chốt văn bản.
VKS tiếp tục hỏi: Có biết việc ghi nội dung như vậy sẽ làm thay đổi thực tế khách quan không?
Ông Công cho biết: "Bản thân tôi chỉ nghĩ hoàn thiện thủ tục hành chính chứ không nhằm mục đích cá nhân hay gì cả".
Các bị cáo trả lời VKS
Tiếp theo HĐXX hỏi bị cáo Hoàng Công Lương cảm nghĩ thế nào sau khi xảy ra sự cố chạy thận xảy ra?
Bị cáo Hoàng Công Lương trả lời bản thân rất đau buồn vì sự cố xảy ra rất bất ngờ.
"Ngày 29/5/2017 là ngày khủng khiếp đối với bị cáo, bị cáo rất đau buồn khi sự cố xảy ra, bị cáo làm tất cả những gì có thể bằng sức lực của mình để cứu chữa các bệnh nhân. Sau khi xảy ra sự cố gia đình bị cáo cùng đại diện khoa phòng đến động viên chia buồn với gia đình các nạn nhân", bác sĩ Lương giải trình.
Bộ Y tế nói gì
Sau khi các bị cáo trả lời, phía HĐXX bắt đầu truy hỏi đại diện Bộ Y tế để làm rõ chức năng quản lý nhà nước của Bộ Y tế cũng như việc có trách nhiệm hay không sau sự cố y khoa đặc biệt nghiêm trọng này.
Ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ pháp chế (Bộ Y tế)
Cũng trong hôm nay, lần đầu tiên, Bộ Y tế cũng đã cử một đoàn công tác theo sự phân công của Bộ trưởng Bộ Y tế đến tham gia phiên xét xử.
Khi được HĐXX thẩm vấn, ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ pháp chế (Bộ Y tế) thông tin về quy trình chạy thận nhân tạo, để đảm bảo an toàn nước dùng cho lọc máu, Bộ Y tế đang áp dụng do tiêu chuẩn Bộ khoa học công nghệ.
Theo ông Quang Bộ Y tế quyết định ban hành 52 quy trình, trong đó có 7 quy trình liên quan lọc nước RO, vào tháng 4-2018, nghĩa là sau khi xảy ra sự cố y khoa ở BVĐK Hòa Bình.
"Bộ đã triển khai các văn bản quy phạm pháp luật tới các Sở Y tế, các đơn vị trực thuộc để phổ biến xuống cơ sở. Còn quy trình quản lý hệ thống lọc nước RO thực hiện theo tiêu chuẩn của nhà sản xuất", ông Quang nói.
Vụ trưởng cũng cho biết thêm: "Toàn bộ vấn đề liên quan hệ thống nước RO áp dụng theo căn cứ 2 tiêu chuẩn Việt Nam do Bộ Khoa học và công nghệ công bố, đó là tiêu chuẩn mang tính chất tự nguyện áp dụng, các nhà sản xuất cũng phải công bố tiêu chuẩn cơ sở đáp ứng tối thiểu tiêu chuẩn Việt Nam quy định".
Phiên tòa thu hút sự chú ý của nhiều người
Về chủ trương xã hội hóa Việt Nam áp dụng toàn bộ theo Nghị định 85 Nghị quyết 93. Việc mượn máy hay thuê máy đều phải đáp ứng các tiêu chuẩn có cơ sở pháp luật, được bộ y tế cho phép. Thẩm quyền việc chạy thận liên doanh liên kết do Bộ trưởng Bộ y tế quyết định, với bệnh viện tỉnh thì sở y tế cho phép hoạt động chạy thận nhân tạo.
Cho đến thời điểm này, Bộ y tế chưa nhận được thông tin nào về việc BV tỉnh Hòa Bình được phép chạy lọc máu nhân tạo.
Toà hỏi: Thông qua sự cố chạy thận 9 người tử vong, quan điểm của Bộ Y tế có thấy trách nhiệm của mình không?
Ông Quang đáp: Như chúng tôi nhiều lần khẳng định thông qua các cuộc họp và các cơ quan truyền thông báo chí, đây là sự cố y khoa đặc biệt nghiêm trọng không chỉ ảnh hưởng đến uy tín của BV đa khoa tỉnh Hòa Bình mà còn ảnh hưởng đến Sở Y tế tỉnh Hòa Bình và Bộ Y tế.
Ông Quang cũng nêu rõ, đơn vị đã rà soát lại các quy trình chuyên môn và có ban hành Quyết định của Bộ trưởng Bộ Y tế về các quy trình liên quan đến chạy thận nhân tạo cho bệnh nhân.
Cụ thể là tháng 4/2018 Bộ Y tế có ban hành 52 quy trình trong đó có 7 quy trình liên quan đến hệ thống lọc nước RO.
Lần lượt những người có liên quan đều đã trả lời trong chiều nay
Thông tin thêm về vấn đề trên, ông Nguyễn Trọng Khoa Phó Cục trưởng Cục Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) thừa nhận đây là sự cố y khoa đặc biệt nghiêm trọng mà cả thế giới chưa từng gặp. "Sự cố trên đặc biệt nghiêm trọng, ở Mỹ cũng có một trường hợp tương tự nhưng chưa nghiêm trọng như thế này. Hoá chất sử dụng để tẩy rửa hệ thống lọc nước RO là hoá chất không được sử dụng. Qua đây thấy rõ phải xem lại quy trình an toàn mặc dù các nhà sản xuất đã có hướng dẫn sử dụng, bảo trì bảo hành", ông Khoa nói.