Về Bắc Giang ăn gỏi cá tanh ngon "trứ danh"
Trong các loại cá, cá mè đứng đầu bảng về độ tanh. Vậy mà qua bàn tay khéo léo của những người dân làng Lý Viên (Hiệp Hòa, Bắc Giang) chúng trở thành món gỏi thơm ngon hảo hạng, khiến bất kì vị khách nào từng nếm thử cũng không thể quên.
Vì vị tanh, cá mè không được ưa chuộng như nhiều loại cá khác. Thế nhưng gỏi cá mè lại là món đặc sản đáng tự hào của vùng quê miền Bắc Bộ này. Đây không phải thức ăn hàng ngày, cũng chẳng phải bữa nào cũng có thể ăn bởi tính cầu kì trong chế biến, nên thường chỉ để mời khách hoặc hội họp bạn quý thăm nhà.
Trong việc chế biến bất kì món ăn nào, nguyên liệu tươi cũng quyết định tới quá nửa vị ngon của thành phẩm. Gỏi cá mè cũng không phải ngoại lệ. Trước tiên phải lựa được con cá tươi, tốt nhất là tự tay đi câu ở các ao cá trong làng để vừa được trải nghiệm cái thú vị của việc câu cá làng quê, lại vừa đảm bảo có chú cá mè tươi nguyên để mang về đánh vẩy. Cá ao làng sạch tinh tươm, chắc mẩy do lớn lên tự nhiên, vẩy bạc óng ánh quẫy đạp nom qua đã thấy vui mắt.
Trước khi làm gỏi, người làm cần rửa sạch cá, bóc bỏ mang rồi vớt ra rổ để ráo nước rồi khéo léo đánh vẩy, lọc da cá thái thành những lát mỏng. Cá từ lúc này không rửa thêm với nước mà chỉ được thấm khô bằng giấy, đến khi cá sạch và khô rang như miếng thịt thăn thì bắt đầu thái mỏng, làm nguyên liệu chính cho món gỏi. Riêng công đoạn thấm khô cá cũng tốn cả vài tiếng đồng hồ mới đảm bảo thịt cá khô ngon nhất.
Món gỏi cá không thể thiếu là các loại lá đinh lăng, xương sông, lá lốt, lá sung, lá mơ...Tất thảy có cả chục loại lá vườn được dùng để cuốn kèm với gỏi cá. Các loại lá cũng phải thật khô, phần thái nhỏ, trộn đều với cá, phần để dành cuộn gỏi.
Gỏi cá mè được chấm cùng một loại nước chấm đặc biệt mà người làng gọi là hạt. Hạt được chế biến từ đầu cá băm nhỏ nhuyễn như xay bột nhưng không được xay, sau dùng nước riềng, tương, mẻ, muối nêm nếm rồi nấu trên lửa nhỏ đến khi được loại nước chấm sánh sệt như bánh đúc là hoàn thành. Không có hạt, không thể có món gỏi cá mè Bắc Giang.
Cá trộn riềng giã mục, thính gạo rang loại ngon hoặc bánh đa quê giã vụn bày lên đĩa cùng các loại lá vườn đẹp mắt. Khi ăn, đặt miếng gỏi vào lá, xúc một thìa hạt, nhặt thêm đôi ba thứ lá yêu thích rồi cuốn cùng lá mơ to hoặc lá sung, cứ thế bỏ vào miệng thưởng thức. Gỏi cá mè không còn chút vị tanh nào, chỉ còn thấy hương thơm và mùi vị đặc trưng của các loại lá, vị ngọt chắc của thịt, thanh tao mà quyến rũ lạ lùng.
Ăn gỏi cá mè trong khung cảnh sân vườn mát mẻ của làng quê miền Bắc là một trải nghiệm thú vị không mấy người muốn bỏ qua. Chẳng những vậy, món gỏi cá mè Hiệp Hòa còn mang theo niềm tự hào của người dân Bắc Giang khi có mặt trong kỷ lục Guiness ẩm thực Việt Nam năm 2012.