Va chạm với... bố chồng
Nhiều nàng dâu không chỉ "cơm không lành, canh chẳng ngọt" với các bà mẹ chồng mà nhiều khi, còn có sự va chạm không đáng có với các ông bố chồng.
Từ trước đến nay, khi đề cập đến những khúc mắc hay những mối quan hệ không được “xuôi chèo mát mái” trong gia đình, người ta chỉ nhắc đến quan hệ mẹ chồng nàng dâu như một cái gì đó rất điển hình cho sự ấm êm hay bất trắc của hạnh phúc nơi tổ ấm nhỏ. Song, không phải vì thế, mà vai trò hay vị trí của những ông bố chồng không mấy được để ý. Trái lại, khi những người chủ gia đình đã phải lên tiếng, thì chắc hẳn, tình cảm cũng đã không còn được yên ả.
Bố chồng khó tính
Người con gái khi lấy chồng, dù xa hay gần, dù thân quen hay xa lạ, cái mà họ sợ va chạm và đối mặt nhất bao giờ cũng là những người mẹ chồng, bởi:
Nhìn vào không khí của một gia đình người ta có thể đánh giá, quan hệ mẹ chồng nàng dâu ở đó là tốt hay không, thật lòng hay giữ kẽ. Cũng như thế, nhìn vào quan hệ nàng dâu mẹ chồng, người ta có thể biết người con gái ấy lấy chồng sẽ sướng hay là khổ. Tất nhiên, còn vô vàn những nhân tố khác, mà trọng yếu nhất là tình cảm vợ chồng, nhưng đặt bên cạnh tình cảm của người mẹ, tình cảm đó có lúc cũng phải nhường đường.
Suốt một thời kì dài, người ta nói và nhắc đến mối quan hệ “cơm chẳng lành, canh chẳng” ngọt ấy như một điển hình cho các mối quan hệ trong một xã hội thu nhỏ. Ngày nay, với sự phát triển của xã hội và sự đi lên của nhận thức, mối quan hệ đó đã được cải thiện và tốt hơn rất nhiều, thậm chí có những bà mẹ chồng đã coi những nàng dâu như con cái của mình. Nhưng, trong một gia đình, thay vì tiếng nói của những người mẹ, những ông bố chồng lại bắt đầu lên tiếng.
Đàn ông khác đàn bà ở nhiều điểm, nhất là ở cách nuôi dưỡng con cái và chăm sóc gia đình. Họ thường dành tâm trí của mình vào những việc lớn hơn là nhìn nhận, quan sát và tham gia vào những chuyện thường ngày. Vì thế, mà mối quan hệ giữa người bố và những người con ít khi được nhắc đến, nhất là quan hệ nàng dâu bố chồng thì lại không. Bởi một điều đơn giản, đàn ông bao giờ cũng có cái nhìn thoáng hơn với “con em mình” chứ không chi ly như phụ nữ.
Tuy nhiên, không phải đại đa số các ông bố đều vậy mà trái lại, có những người rất khó tính và khắt khe, và nếu không may phải làm dâu một gia đình như vậy, có lẽ sự ý tứ và tế nhị của bạn, còn cần hơn rất nhiều so với một bà mẹ chồng tính khó.
Hảo, một cô sinh viên gốc Hà Nội vừa mới ra trường, đang đợi việc, đã đi lấy chồng ngay vì đó là “ngày lành tháng tốt”, mà chồng cô cũng đã lớn tuổi và không thể đợi cho đến lúc cô có việc mới cưới được. Thành ra, dù là con gái Hà Nội, lại tốt nghiệp từ một trường Khoa học Xã hội vào hàng danh tiếng, nhưng hành trang cô mang theo về nhà chồng vẫn là “hai bàn tay trắng”.
Nhà không mấy khá giả, nên cô không nhiều “của hồi môn”, tốt nghiệp đại học, nhưng trong một xã hội cơ chế thị trường đẩy mạnh về kinh tế như hiện nay, dù tốt nghiệp loại giỏi như cô, cũng không hẳn là đã có thể trở ngay thành một giáo viên trên bục giảng. Vì thế, cô lấy chồng mà nhiều người cứ bảo, “đó cũng là một giải pháp”.
Không biết có phải vì những lời nói đó hay không mà mối quan hệ giữa cô và những người bên nhà chồng không được tốt lành, nhất là trong mối quan hệ với ông bố chồng khó tính.
Cứ đi vắng thì không sao nhưng nếu ở nhà, lúc nào cô cũng đụng mặt ông, và tất nhiên, không khỏi bị ông “cằn nhằn”. Từ chuyện to đến chuyện bé, từ việc đi đứng, ăn nói, cho đến việc bếp núc, không khi nào cô được làm theo ý mình. Mà có phải cô phạm phải lỗi gì to tát đâu, chỉ là những chuyện hàng ngày thôi mà, mẹ chồng cô đã không để ý thì thôi, vậy mà bố chồng cô lại xét nét mọi thứ.
Mà nào có phải cô có tư tưởng sống dựa dẫm hẳn vào chồng, thấy bố chồng khó tính, cô cũng muốn tìm cho mình một công việc, vừa đỡ buồn, vừa kiếm thêm thu nhập cho đỡ mang tiếng, nhưng chồng cô cứ gàn. Anh bảo đợi hẳn một việc tử tế không thì cứ ở nhà chăm sóc gia đình, chứ không đi làm linh tinh, được mấy đồng bạc, hại người. Nhưng anh nào biết “ở nhà” với cô là một cực hình.
Khi bố chồng lên tiếng
Có những ông bố rất khó tính, nhưng cũng có những người đàn ông điềm đạm và rất thoáng trong cách cư xử với con cái. Bố chồng Hải cũng là người như vậy.
Là người quê nên ông rất thật thà, đôn hậu, có cậu con trai duy nhất nên vợ chồng ông phải lên “sống với chúng nó", vừa để cha mẹ con cái sum vầy, lại vừa để trông nom cửa nhà. Nhưng con dâu ông lại là con gái thành phố, sắc sảo và hơi đáo để, nên vốn đã không muốn gây mất hòa khí trong nhà, ông lại luôn cố gắng để thành một người cha đúng mực. Nếu con dâu ông vì những bực dọc bên ngoài, mà mang không khí u ám về gia đình hay “đá thúng đụng nia”, “gây sự với chồng”, lúc nào ông cũng chỉ nhẹ nhàng khuyên bảo và tìm cách để không khí gia đình tốt hơn.
Dù đôi lúc ông rất tức và muốn quát lên nhưng cái ý nghĩ “Không phải mình sợ, nhưng vì mình là người quê, ít nhiều cũng không thể dung hòa hai lối sống, nên là người cha, mình phải bao dung hơn” đã kìm ông lại. Vì thế, ít khi ông to tiếng hay nạt quát con dâu, kể cả khi cô xấc xược.
Không hiểu có phải vì thấy ông hiền hay nghĩ ông sợ, mà cô con dâu càng ngày càng chẳng coi ông ra gì, đi về như không. Thấy bố mẹ “hầu hạ”, cô vênh váo như bà hoàng, thậm chí còn dám to tiếng mắng chồng trước mặt ông bà như chỗ không người. Không muốn mất vui, chồng cô cũng “búa xua” cho qua chuyện, nhưng cô lại nghĩ “chắc anh ta sợ mình bắt nạt ồng bà già lẩm cẩm nên không dám”, càng thế, cô làm làm lớn để thị uy.
Biết tính con dâu “ruột ngựa”, nóng tính nhưng thật thà, không hay để bụng, nên ông bà bỏ qua nhiều, chỉ mong cô thật lòng hiểu và yêu thương ông bà đúng như tình yêu mà ông bà đã dành cho cô. Được như thế chẳng có gì bằng.
Song, càng ngày cô càng không hiểu mà cứ bực tức cái gì lên là không kiềm chế được mình, cô nói, cô mắng, rồi vơ đũa cả nắm. Thấy con dâu quá quắt quá, một lần, không thể giữ bình tình được nữa, ông lên tiếng, dù chỉ một vài câu nhẹ nhàng:
- “Biết con đi làm mệt mỏi và nhiều ức chế, nhưng con có biết mọi người ở cái nhà này cũng đang phải chịu thay con tất cả những thứ đó không. Hãy suy nghĩ rồi hãy nói, đừng để mọi thứ mất đi rồi mới thấy tiếc. Làm người, dễ có mấy khi…”
Cô không hẳn hiểu hết những điều ông nói, nhưng cô nhận ra rằng, từ trước đến giờ, chưa bao giờ ông mắng hay nói gì nặng trước mặt con, nhất là với cô, dù cho không ít lần, cô tỏ ra không đúng hay ngang ngược, nhưng một khi ông đã lên tiếng, thì nghĩa là sức chịu đựng của ông đã có giới hạn. Là người có học, cô hiểu rằng, nếu vượt qua cái giới hạn ấy, mọi thứ sẽ chẳng được như cũ nữa.