Bố chồng - nàng dâu, chuyện bây giờ mới kể

,
Chia sẻ

Bố chồng – nàng dâu, mối quan hệ tưởng như không có gì đáng phải bàn cãi. Nhưng sự thật thì...

Từ trước đến nay trong dân gian nói nhiều về mối quan hệ mẹ chồng - nàng dâu vì đây là mối quan hệ đã từng gây ra nhiều sóng gió nhưng dường như không mấy ai đề cập đến mối quan hệ bố chồng - nàng dâu. Phải chăng mối quan hệ này không đáng quan tâm vì nó không có vấn đề gì đáng bàn? Nhưng có lẽ chỉ những ai đã đi làm dâu mới biết. Quan hệ giữa bố chồng với nàng dâu cũng không kém phần quan trọng. Đôi khi nó đóng vai trò quyết định hạnh phúc gia đình. Cho nên nếu chúng ta không quan tâm đúng mức có thể dẫn đến những hậu quả đáng tiếc.

Khi người con gái lần đầu tiên bước chân vào gia đình nhà chồng cần phải biết ai là "thủ lĩnh" của gia đình đó. Thông thường đó là người cha. Vì thế người con dâu nếu được lòng bố chồng không khác gì được lòng "thủ trưởng" ở cơ quan. Khi xảy ra bất cứ mâu thuẫn gì, tiếng nói của bố chồng rất có trọng lượng, nếu không muốn nói là quyết định. Do sự khác biệt đối lập về giới tính nên bố chồng - người đàn ông cứng cáp - thường thương con dâu - người phụ nữ yếu đuối. Cũng như cha thường hay yêu con gái và mẹ thường hay quý con trai. Ngay cả học trò cưng của các thầy phần lớn cũng là trò gái trong khi học trò cưng của các cô giáo lại thường là con trai. Âu đó cũng là lẽ thường tình của quy luật âm dương.

Nghiên cứu về các mối quan hệ trong gia đình, người ta nhận thấy, nói chung các thành viên trong một gia đình thường gắn kết với nhau trên hai cơ sở. Một là quan hệ huyết thống. Hai là quan hệ lựa chọn. Quan hệ bố chồng - nàng dâu rơi ra ngoài cả hai cơ sở ấy. Bởi vì giữa hai người không có quan hệ huyết thống. Cũng không được lựa chọn mà ngày nay do người con trai lựa chọn là chính. Cho nên nếu có sự không hợp nhau cũng là dễ hiểu. Nhưng cũng do đặc điểm giới tính, đàn ông ít quan tâm đến những chuyện lặt nhặt, thu vén trong nhà nên thường không mấy ông bố xét nét những chuyện vụn vặt của con dâu. Đàn ông thường lo việc xã hội, đàn bà lo việc nội trợ nên phạm vi hoạt động của bố chồng và nàng dâu thuộc hai lĩnh vực khác nhau, do đó ít va chạm. Thậm chí có những gia đình phong kiến, con dâu không được ngồi ăn cùng mâm với bố chồng. Chỉ có gọi dạ bảo vâng, sai gì làm nấy. Vì thế hình ảnh bố chồng trong con mắt nàng dâu luôn là một cái gì tôn kính, cách biệt và bố chồng cũng thường độ lượng, không chấp nhặt con dâu.

Trong thực tế, ngay cả khi người con dâu phải chịu nhiều o ép trong gia đình nhà chồng, cũng không mấy nàng dâu phải kêu ca phàn nàn về bố chồng. Tuy nhiên có trường hợp quan hệ bố chồng - nàng dâu quá thân thiết cũng gây ra dị nghị. Nhiều ông bố chồng vui tính hay nói bông đùa với con dâu chẳng khác gì hai người bạn, khiến ngay cả mẹ chồng cũng phải cau mày chứ chưa nói người con trai. Có nàng dâu quá tự nhiện ăn mặc thiếu kín đáo trước mặt bố chồng là điều không những chỉ thiếu nền nếp gia phong mà còn có thể vô tình như khêu gợi những ý nghĩ không lành mạnh. Bởi vì bố chồng dù sao cũng là một người đàn ông.

Tuy nhiên cũng có trường hợp bố chồng - nàng dâu xảy ra mâu thuẫn quyết liệt, khi những "bố già khó tính" cảm thấy mất vị trí trong gia đình. Nói vợ, nói con không được, quay ra thể hiện uy quyền với con dâu. Vì đó là đối tượng dễ "bắt nạt" nhất. Trong trường hợp ấy, có khi nàng dâu còn khiếp đảm bố chồng hơn cả mẹ chồng. Có những ông bố không hợp với con dâu. Câu chuyện dưới đây có thể không phải là phổ biến nhưng đó là chuyện có thực còn ghi trong nhật ký đàm thoại của một trung tâm tư vấn hôn nhân. Từ ngày con trai cưới vợ về sống chung dưới một mái nhà, bà mẹ chồng thấy con dâu tuy có dáng vẻ quê mùa, nhan sắc bình thường nhưng hết lòng với chồng con, lại biết ăn ở phải đạo nên cũng thương như con gái. Điều khổ tâm nhất của người con dâu là cách đối xử bất công của bố chồng. Nhất là những lúc có chén rượu vào, chỉ cần thức nhắm không vừa miệng một chút là ông nổi giận đùng đùng. Ông mượn hơi men mắng con trai là "đồ ngu như con lợn", cái con Thuý - người yêu trước của con trai ông - đẹp người đẹp nết là thế, lại con nhà gia giáo không lấy, đi rước cái "đồ nhà quê", "vụng thối vụng rời", "người khô như que củi" về làm vợ, chỉ trông cái mặt nó đã ghét. Những lúc đó con dâu ức đến muốn trào nước mắt nhưng phải cố ngăn lại. Anh con trai cũng giận bố nhưng không biết nói thế nào đành giả đui giả điếc. Chỉ cần cãi lại một câu, ông bảo "mày đặt vợ mày lên ban thờ mà thờ".

Đôi khi lại có cảnh con dâu đối xử tàn tệ với bố chồng. Từ ngày anh Minh đón bố ở quê lên sống với vợ chồng anh ở thành phố, vợ anh không bằng lòng ra mặt. Thực ra, ông cụ là người hiền lành, chẳng có đòi hỏi gì cao, ăn uống thế nào cũng được, chỉ thích đọc báo, nghe đài và chơi với thằng cháu nội. Nhưng điều ấm ức trong lòng cô con dâu là tại sao con trưởng, con thứ ở quê không chăm được bố, lại để ông cụ phải lên thành phố sống với vợ chồng chị là con thứ ba. Rồi những anh chị kia không góp tiền nuôi bố được đồng nào, trút cả gánh nặng cho vợ chồng chị. Từ những thắc mắc đó chị không ưa bố chồng đủ đường. Có lúc ông cụ đang say sưa nghe đài, con dâu tắt nghoéo vì toàn những dân ca với hát chèo í a í ới điếc cả tai. Có lẽ vì thương con, thương cháu nên ông cụ giận lắm mà không nói ra, cho đến một hôm ông cụ không thể nín nhịn được nữa. Đó là lần vợ chồng anh Minh cãi nhau vì vợ đòi phải sửa cái nhà vệ sinh theo kiểu hiện đại, có bình nóng lạnh, có vòi hoa sen và có chỗ thay quần áo cho kín đáo. Nhưng có lẽ anh Minh quá bận nên cứ khất lần. Nói chồng không được chị tức mình đứng giữa nhà thay quần áo dù bố chồng đang ngồi chơi với cháu gần đấy. Ông cụ giận tím mặt, chỉ thẳng vào con dâu nói: "Từ nay tôi từ chị, tôi có chết cũng không khiến chị để tang", rồi xách khăn gói ra ga về quê luôn.

Tuy nhiên trong thực tế ngày nay cũng không hiếm những chuyện cảm động về mối quan hệ nàng dâu - bố chồng. Chị Hiền về làm dâu nhà chồng đến nay đã được 14 năm. Trong thời gian ấy, bố chồng ốm đau liên tục, nhiều lần ông cụ đi nằm viện, chị phải vào chăm sóc thâu đêm, sáng về lại đi làm mà không hề kêu ca phàn nàn gì. Những bệnh nhân nằm cùng phòng với ông cụ ai cũng tưởng cụ có cô con gái hiếu thảo nhưng khi biết đó là con dâu, mọi người càng cảm phục. Trong khi hai người con gái cụ nghe nói buôn to bán lớn nay Bắc, mai Nam nhưng từ ngày cụ vào viện đến giờ chưa thấy mặt người nào. Ông cụ thương con dâu cứ khuyên con về nhà nghỉ ngơi, còn đi làm và chăm sóc con cái nhưng chị không nghe, vì không thể yên tâm khi bố chồng đã gần 80 tuổi, lại cụt một tay mà không có người giúp đỡ. Có người nói: "Cụ được người con dâu như thế còn quý hơn cả con đẻ". 

Ngày nay có tìm kỹ trong kho tàng ca dao, tục ngữ nước ta cũng khó thấy câu nào nói về sự cay nghiệt của bố chồng đối với nàng dâu, có lẽ vì nếu có chăng một ông bố như thế cũng chỉ là hiện tượng cá biệt. Trong xã hội hiện đại ngày càng nhiều những bố chồng hiểu biết, cư xử với con dâu bao dung, độ lượng, lo toan cho cháu nội từng ly từng tí.  Bởi thế có những người con dâu yêu quý bố chồng như bố đẻ, hết lòng chăm sóc lúc tuổi già. Phải chăng đó là những nét đẹp trong cuộc sống hôm nay mà tất cả những gì trái với nó đều bị mọi người lên án.
 
Trịnh Trung Hòa
Chia sẻ