Bố chồng và nàng dâu
Có những ông bố chồng yêu thương con dâu không khác gì con đẻ.Vì vậy "gánh nặng làm dâu" giờ đã giảm rất nhiều trên vai những cô gái trẻ.
Bước chân về nhà chồng, Thu được bà chị dâu cả thủ thỉ: “Cẩn thận, em sẽ béo lên đấy. Lúc đó thì phải lo thể dục thẩm mỹ mà giữ dáng như chị đây này”. Mắt tròn mắt dẹt hỏi lý do nhưng Thu chỉ nhận được câu trả lời đầy ẩn ý: “Rồi sẽ biết”.
Tuần trăng mật trở về, buổi sáng đầu tiên Thu đã bị đánh thức bởi mùi thuốc bắc thơm nức mũi. Thò mặt ra khỏi phòng thấy bố chồng xởi lởi: “Con ăn sáng đi rồi uống thuốc bổ”. Dù đã khăng khăng giải thích “Con rất khỏe”, Thu vẫn phải nghe những lý lẽ riêng: “Con vẫn cần bồi bổ để chuẩn bị mang thai”.
Kể từ hôm đó, chiến dịch bồi dưỡng đặc biệt cho con dâu mới trong nhà bắt đầu. Đều đặn tuần 3 buổi, Thu được bố chồng cẩn thận sắc thuốc rồi đổ đầy bình mang đến cơ quan uống dần. Nhiều khi cũng lích kích, phiền phức muốn từ chối nhưng cảm động trước tình yêu thương của bố, Thu lại không nỡ.
Hai tháng sau, Thu có tin vui. Giờ thì đồng nghiệp trong cơ quan không ai lạ lẫm trước hình ảnh Thu luôn xuất hiện với chiếc bình sắt, thậm chí cô còn được gắn thêm nickname: “Thu bình sắt”. Nghe Thu kể về nguồn gốc chiếc bình, ai cũng kêu: “Sướng thế, sướng thế”.
Bố chồng là nhà giáo
Chị Thắm, nhà ở huyện Từ Liêm mới được phong danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp cơ sở. Có niềm vui này, tất cả là nhờ người bố chồng tận tụy, gương mẫu của chị.
Trước, cụ cũng là nhà giáo. Hơn nữa lại là thầy giáo giỏi, hết lòng vì học sinh. Thậm chí, bao lớp học sinh giờ đã thành đạt vẫn không quên công lao dạy dỗ của thầy ngày xưa. Bởi thế, cứ dịp lễ tết, nhà chị luôn tràn ngập hoa tươi và tiếng cười. May mắn thay, chị đang là cô giáo bộ môn trùng khớp với chuyên môn của bố chồng.
Bởi thế, ngay từ khi mới chập chững về làm dâu, bố chồng đã gợi ý để chị đứng lớp học thêm của cụ: “Làm thầy, trước hết phải có cái tâm. Thứ hai, chuyên môn phải giỏi con ạ”. Thế là bao nhiêu tâm huyết của cụ được truyền hết cho cô con dâu trẻ. Nhiều khi mẹ đẻ chị phải gọi điện than phiền: “Sao không về thăm nhà? Hay con có gì khổ sở, khó nói?” mất công chị phải giải thích: “Con bận giải toán với bố chồng”.
Bố chồng là thợ sửa xe
Có chồng là lính đảo xa nên dù đang chung sống với đại gia đình nhà chồng, chị Xuyến vẫn không tránh khỏi cảm giác cô đơn, buồn tủi. Nhất là khi chiếc xe máy cổ lỗ sĩ “trái gió trở trời”. Có lần, tan ca học buổi tối, chị phải hì hục dắt bộ cả mấy cây số đường dài.
Sáng nay, mọi chuyện đã khác. Bố chồng chị mới xuất viện. Như thường ngày, chị hối hả vơ vội túi xách, định dắt xe ra ngoài cho kịp giờ đi làm. So với anh chị em trong nhà, chị phải khởi hành sớm nhất. Nhưng thật ngạc nhiên vì xe máy của chị đã nằm bên ngoài tự bao giờ: “Bố khóa càng rồi, con mở ra mà đi”.
Từ hôm đó, vô vàn điều bất ngờ khác xảy ra với chiếc xe của chị. Khi thì nó mới choang, bóng loáng, chạy êm ru. Lúc thì được lắp thêm gương chiếu hậu và thay mới bộ đèn pha đã hỏng...
Khỏi phải hỏi chị cũng biết, tác giả khéo tay ấy không ai khác ngoài bố chồng. Dù gì, ông cụ cũng đã có hàng chục năm với nghề sửa chữa ô tô, xe máy. Giờ, chị thực sự thấy yên tâm và hạnh phúc vì gia đình chồng cũng ấm áp, hòa thuận như gia đình nhà mình.
Theo Ngọc Anh
Dân Trí