Uống rượu bia xong, tuyệt đối không được đụng tới 4 loại nước này kẻo thêm say, hại thận
Uống quá nhiều rượu bia có thể dẫn đến say, nôn nao khó chịu. Một khi đã say rượu, bạn không nên đụng tới 4 đồ uống này.
Trong những ngày trước, trong và sau Tết, mọi người thường cùng nhau tụ tập ăn uống, do đó, việc sử dụng rượu bia thường tăng lên. Điều đáng lo ngại là uống quá nhiều rượu bia ngày Tết có thể dẫn đến say, nôn nao khó chịu.
Một số đồ uống được cho là có khả năng giải rượu, giúp giảm các triệu chứng của say rượu. Các đồ uống giải rượu phổ biến là nước lọc, nước điện giải, trà, nước hoa quả…
Nước lọc là lựa chọn an toàn và dễ tiếp cận nhất đối với hầu hết mọi người. Trong lúc uống rượu, để tránh say thì mọi người có thể thử uống nước xen kẽ với rượu. Sau đó, mọi người cần liên tục bổ sung nước để đảm bảo cơ thể không bị mất nước do rượu.
Đồ uống có chứa chất điện giải, chẳng hạn như đồ uống thể thao, cũng có thể giúp giảm một số triệu chứng say rượu. Với trà, bạn nên chọn loại không chứa caffeine. Một số nghiên cứu cho thấy một số loại trà nhất định, chẳng hạn như trà xanh và trà hoa cúc mật ong, có thể giúp cơ thể xử lý rượu nhanh hơn và ngăn ngừa tổn thương gan.
Mọi người cũng có thể thấy các triệu chứng say rượu giảm bớt sau khi uống một số loại nước ép trái cây và rau quả, sinh tố hoặc các loại đồ uống khác có chứa thảo mộc, vitamin và khoáng chất.
Mặc dù các đồ uống kể trên có thể giúp ích, nhưng cách duy nhất để ngăn ngừa tình trạng say rượu là tránh uống rượu hoặc uống có chừng mực ngay từ đầu.
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ, uống quá nhiều rượu bia nghĩa là hơn 15 ly rượu/bia một tuần đối với nam giới, hơn 8 ly một tuần đối với nữ giới. Một ly rượu/bia được quy ước là 1 chai bia 350 ml, 1 ly rượu vang 150 ml hoặc 1 ly rượu mạnh 45 ml.
Nếu chẳng may “quá chén” trong dịp Tết Ất Tỵ năm nay, bạn hãy cố gắng tránh tiêu thụ thêm những đồ uống dưới đây vì chúng có thể khiến tình trạng của bạn trở nên tồi tệ hơn.
4 đồ uống cần tránh khi say rượu
1. Rượu bia
Rượu làm cơ thể mất nước, do đó, nó sẽ làm cho tình trạng mất nước (vốn đã xảy ra do uống quá nhiều rượu trước đó) trở nên tồi tệ hơn.
Một số người tin rằng "uống thêm rượu bia có thể giúp giảm say tạm thời”, nhưng sự thật là uống thêm rượu chỉ kéo dài các triệu chứng say. Sử dụng phương pháp này thường xuyên cũng có thể dẫn đến rối loạn sử dụng rượu.
2. Đồ uống chứa caffeine
Caffeine là chất lợi tiểu, do đó, nó sẽ làm cơ thể mất nước nhiều hơn và có thể kéo dài một số triệu chứng say rượu. CDC Mỹ còn lưu ý những nguy cơ tiềm ẩn khi kết hợp rượu và caffeine. Một nghiên cứu năm 2014 phát hiện ra rằng việc pha rượu với caffeine không ngăn ngừa được tình trạng say rượu.
3. Đồ uống nhiều đường
Tiêu thụ đường ở liều cao, chẳng hạn như đường có trong soda và một số loại nước trái cây, có thể gây mất nước. Một nghiên cứu năm 2016 phát hiện ra rằng việc "bù nước" bằng nước ngọt làm tăng tình trạng mất nước và tăng nguy cơ tổn thương thận.
4. Đồ uống nhiều muối
Đồ uống có lượng muối nhỏ có thể giúp phục hồi cân bằng điện giải. Tuy nhiên, đồ uống chứa nhiều muối (chẳng hạn như nước ép rau củ có hàm lượng natri cao hay một số loại cocktail) có thể ‘rút’ nước ra khỏi tế bào và khiến thận sản xuất quá nhiều nước tiểu. Điều này có thể gây mất nước và các biến chứng khác.
(Theo Medical News Today)