Từ vụ nam sinh lớp 9 nhảy lầu vì bị bạn tụt quần: 'Họ chế giễu rồi cười mình: Trêu có thế đã khóc!'
Câu chuyện nam sinh nhảy lầu vì bị bạn trêu chọc là hồi chuông cảnh báo mối nguy hiểm của những hành động vui đùa quá trớn giữa các bạn học sinh.
Mới đây, vụ việc nam sinh lớp 9 nhảy từ tầng 3 xuống sân trường vì bị bạn bè trêu chọc có phần thái quá và có một số hành vi không phù hợp đã nhận về nhiều chú ý của cư dân mạng. Sự việc được xác định là xảy ra tại trường THCS Đức Giang (Hà Nội). Nam sinh này sau đó đã được đưa vào bệnh viện cấp cứu kịp thời, thế nhưng vẫn đã bị thương nặng và chịu tổn thương tâm lý lớn.
Liên quan đến vụ việc, cư dân mạng đã chia sẻ nhiều luồng ý kiến khác nhau. Nhiều người bức xúc cho rằng hành động của nhóm bạn với nam sinh lớp 9 kể trên đã đi quá giới hạn, thậm chí có thể coi là một hình thức bạo lực học đường. Một số khác thì đưa ra hồi chuông cảnh tỉnh về những trò trêu chọc giữa bạn bè trong môi trường học đường cần có giới hạn của chúng. Không dừng lại ở đó, nhiều người còn chia sẻ câu chuyện tương tự của bản thân, với mong mỏi những sự việc thương tâm sẽ không còn tái diễn.
"Trêu thế thôi mà cũng khóc"
Học trò được ví như lứa tuổi "nhất quỷ nhì ma", bởi họ luôn vô tư bộc lộ cảm xúc, nhất là thể hiện những hành động bông đùa với bạn bè đồng trang lứa mà chẳng cần suy nghĩ quá sâu xa. Tuy nhiên, như người ta vẫn nói, cái gì quá cũng không tốt, đùa một chút thì vui chứ đùa quá trớn sẽ không còn vui nữa, xa hơn là gây ra hậu quả khôn lường. Thực tế, cái ranh giới giữa hài hước và làm tổn thuơng người khác vốn mong manh vô cùng.
Nói về câu chuyện nam sinh lớp 9 vì uất ức mà nhảy từ tầng 3 xuống sân trường, Minh Đức (29 tuổi) cho hay: "Đọc tin này, mình thấy đau lòng và giận dữ. Đau lòng hơn cả là đọc những dòng bình luận "trêu thế thôi mà cũng phải làm vậy". "Trêu thế thôi mà cũng khóc" là câu nói mình sợ nhất. Nếu không trải qua những uất ức kiểu như vậy, mọi người không biết nó kinh khủng tới nhường nào".
Minh Đức cũng tâm sự trường hợp bản thân từng bật khóc vì bị trêu đùa quá trớn, đến mức phải chạy ra khỏi lớp. Thế nhưng, bên tai anh chàng vẫn văng vẳng những lời nói đùa mãi không dứt.
"Năm mình học lớp 9 (hoặc lớp 8), lớp tổ chức 8/3, con trai cả lớp góp tiền mua hoa tặng các bạn gái. Đến cuối buổi, cô giáo gọi bạn nam lên trước bục giảng để tuyên dương. Mình không thích trò này, vì học đường luôn có một sợi dây chắc nịch ngăn cách giữa "nam sinh" và "nữ sinh". Một bạn nam trong lớp đẩy mình xuống và nói: 'Đức có phải con trai đâu'.
Mình của 14, 15 năm trước ấy đứng chôn chân ở đó khi xung quanh là những tiếng cười. Ký ức đó có thể đánh lừa mình, rằng họ cười to lắm - nhưng chắc chắn họ đã cười. Mình chạy ra khỏi lớp, vừa chạy vừa khóc. Đằng sau mình có tiếng một đứa nào đó "trêu thế thôi mà cũng khóc". Cả đời mình không bao giờ quên bộ dạng lếch thếch vừa chạy vừa khóc, để hết cả sách vở ở lớp", Đức tâm sự.
Ngay sau khi câu chuyện của nam sinh lớp 9 được chia sẻ rộng rãi, nhiều người cũng thể hiện sự đồng cảm với câu chuyện của cậu. Tài khoản tên B.B tâm sự: "Mình nhớ mãi hồi học lớp 8, giữa giờ ra chơi mình đang chạy xuống cầu thang, có một em mới học lớp 6-7 gì đó chạy đến thật nhanh và tụt quần mình xuống. Và đương nhiên mình cũng không hề có mâu thuẫn gì với bạn, trừ việc bạn không chấp nhận mình khác biệt...
Hồi mình đi bơi ở bể bơi Nhà thiếu nhi, lớp 7 hay gì đó, vừa xuống dưới bể là thấy một nhóm mấy bạn khác cùng trường, có thể là họ không ưa gì mình. Bơi được một lúc thì nhóm đó tụm lại và kéo mình ra chỗ nước sâu, rồi cố nhấn đầu mình xuống... Chỉ đến khi mình sợ hãi, uống không biết bao nhiêu nước thì họ mới chịu dừng lại".
"Họ khiến mình bật khóc. Thế nhưng khi mình phản ứng lại thì họ vừa cười vừa bảo sao mình nhạy cảm cảm thế" - là những gì mà Lan Anh (22 tuổi) nhớ lại khi bản thân thường xuyên trở thành nhân vật chính trong câu chuyện trêu đùa quá đà của đám bạn năm lớp 8. Mà nguyên nhân khiến Lan Anh bị trêu chọc là bởi cô nàng có thân hình hơi mũm mĩm.
Lan Anh nhớ lại: "Họ thường xuyên lấy cân nặng của mình ra trêu đùa. Mỗi giờ ra chơi, họ sẽ tụm năm tụm ba lại, vừa cười phá lên vừa chỉ trỏ vào mình. Không biết bao nhiêu từ ngữ xấu như "béo như heo","đùi to như đàn ông"... đã được họ dùng để bodyshaming mình nữa".
Lời nói đùa vui nhưng nỗi đau là thật và còn mãi
Khi vô tình trở thành trung tâm của trò đùa vô duyên, cảm giác xấu hổ và bị tổn thương ở thời điểm đó chỉ là một trong vô vàn các hậu quả mà người bị trêu phải gánh chịu. Khi nhìn rộng hơn, những tổn thương mà nạn nhân phải trải qua sẽ hình thành vết sẹo trong tâm lý, có thể đi theo các cô, cậu học trò này cho đến tận khi trưởng thành.
Câu chuyện bị bạn bè trêu chọc đã diễn ra từ hơn chục năm trước, thế nhưng đến hiện tại, Minh Đức vẫn còn chịu nhiều tổn thương tâm lý bởi những lời nói được xem "vui đùa" của những đứa trẻ mới 14, 15 tuổi.
"Nhiều năm về sau, mỗi khi đứng lên trước một sân khấu, một bục giảng, một khán phòng, mình vẫn luôn sợ có người đẩy mình xuống. Nó còn không còn là câu chuyện về nam sinh - nữ sinh nữa, về giới hay tính dục, nó đã thành nỗi sợ của sự không công nhận. May mắn cuộc đời đã để lại những người như vậy phía sau với nhiều cánh tay đưa ra nắm lấy tay mình.
Nếu không nói được những điều tốt đẹp, tốt nhất đừng nói gì, dù chỉ một câu đùa. Và nỗi đau của những trò đùa vui cũng dai dẳng và cay đắng", Minh Đức chia sẻ.
Cũng bởi vô tình trở thành nạn nhân của tình trạng bodyshaming trong trường học, đến nay Lan Anh vẫn chưa thoát khỏi tâm lý tự ti về vẻ bề ngoài của bản thân. Trước đó khi còn bị bạn bè trêu chọc, cô nàng từng lao đầu vào giảm cân bất chấp, chỉ với hy vọng giản đơn là thoát khỏi những lời miệt thị và được bạn bè chấp nhận.
"Khi bị bạn bè trêu chọc, thay vì đáp trả lại hoặc chia sẻ câu chuyện với người lớn để tìm kiếm giúp đỡ, mình lại chọn lao vào ăn kiêng, giảm cân bất chấp. Điều này không hề tốt với một đứa học sinh cấp 2 như mình lúc ấy, bởi ảnh hưởng đến sức khoẻ và tình hình học tập vô cùng.
Giờ đây, kể cả khi không học chung cùng các bạn đó nữa, mình vẫn bị nhạy cảm về cân nặng và vẻ ngoài của bản thân. Chỉ cần mình lên cân một chút là sẽ cảm thấy vô cùng tự ti và ngại giao tiếp. Mình vẫn đang cố gắng học cách yêu thương bản thân nhiều hơn, thế nhưng điều này cũng chẳng hề dễ dàng".
Mai Hương (20 tuổi), một du học sinh Nhật Bản cho biết, cô không thể nào quên những ngày tháng học cấp 3 bị chính các bạn trong lớp buông lời khiếm nhã về ngoại hình.
"Thời điểm đó mình có phần trông "phổng phao" hơn nên thường bị các bạn trong lớp lôi ra làm trò đùa. Chính nỗi ám ảnh đó đã khiến mình quyết định du học Nhật Bản, tránh xa những bạn học đó. Đi du học xa nhà, mình không dám ra đường vào buổi tối. Chỉ cần đi qua đoạn đường vắng là mình lại run người, sợ đột nhiên ai đó xuất hiện, động chạm vào người. Nhìn thấy các bạn nữ khác tự tin mặc đồ ngắn, mình ngưỡng mộ nhưng không dám mặc như vậy".
Đã đến lúc ngưng đổ lỗi cho nạn nhân
Thực tế, đây không phải lần đầu tiên xảy ra trường hợp học sinh có quyết định tự làm đau bản thân vì chịu những lời đả kích và hành động trêu chọc của bạn bè. Quay trở lại câu chuyện của nam sinh lớp 9, cậu bạn này không chỉ bị nhóm bạn 4 người trêu chọc một lần mà hành vi này đã lặp lại 3 lần liên tiếp. Bên cạnh đó, thay vì bênh vực và an ủi nam sinh, nhiều học trò khác còn hùa theo 4 bạn học kia cười đùa và buông lời chế giễu khiến cậu bạn càng thêm xấu hổ.
Tất cả hành động sai lầm này được gắn dưới vỏ bọc "trêu đùa chút thôi mà", khiến cho những người làm sai nghĩ rằng mình không sai và tiếp tục tái diễn.
Tài khoản N.N chia sẻ: "Những trò đùa học đường thường khó được giải quyết, bởi người thực hiện là những đứa trẻ mới 14, 15 tuổi. Các em thường không dễ dàng nhận ra sai lầm của mình bởi suy nghĩ đây chỉ là hành động vui đùa, không làm tổn thương ai cả.
Đơn cử như trường hợp của mình, mình từng bị bạn giấu dép và vở, lấy ra làm trò đùa nơi đông người. Khi lớn lên, thông qua lời một bạn học khác, mình mới biết hoá ra kẻ bắt nạt từng nói về mình thế này: Hồi đó tao còn bé quá nên không biết gì. Tao chỉ đùa cho vui thôi, chứ không biết nó buồn đến mức đấy".
Ở một diễn biến khác, trong nhiều trường hợp hành vi "trêu đùa" đi quá giới hạn, thay vì làm rõ nguyên nhân và xác định người chịu trách nhiệm thì người ta lại quy lỗi lầm vào chính nạn nhân. Họ nhận thấy được nỗi đau của nạn nhân, mà thay vào đó họ gán ghép lên người bị hại nhiều dán nhãn xấu xí như "không hoà đồng", "suy nghĩ quá nhạy cảm", "chuyện chẳng có gì mà làm quá lên"...
Nói về câu chuyện bị bạo lực bằng lời nói năm nào, Minh Đức nhận định: "Những kẻ bắt nạt có thể sẽ không bao giờ bị điểm mặt chỉ tên và đôi khi người bị phán xét lại là những đứa như mình: không biết đùa, nhạy cảm, chuyện chẳng có gì, không hoà đồng với lớp, lập dị…. bạn có thể kể thêm rất nhiều cái tên khác. Đến cả bố mẹ mình cũng chỉ nói "chừng nào nó đánh mày thì hẵng mách tao".
Cùng quan điểm là cô bạn Lan Anh, cô nàng bày tỏ nếu bạn không ở trong trường hợp của người bị trêu chọc, thật khó để bạn hiểu được cảm giác mà họ phải trải qua. "Thời điểm bị trêu chọc, lẽ ra mình phải là người được bảo vệ và bênh vực. Thế nhưng tiếng nói của mình trở nên vô nghĩa khi nhiều bạn cho rằng mình bị nhạy cảm, không biết hùa theo mọi người... Điều này khiến hành vi bắt nạt mình được 'trốn thoát' dễ dàng hơn, bởi chẳng ai thấy người đi bắt nạt là có lỗi".
Suy cho cùng, câu chuyện của nam sinh lớp 9 nhảy lầu vì bị bạn bè trêu chọc đã trở thành hồi chuông cảnh báo về mối nguy của những hành động vui đùa quá trớn, không nghĩ đến những tổn thương tâm lý cho nạn nhân. Không ai biết chính xác nạn nhân sẽ nghĩ gì, hành xử ra sao, thay đổi tâm lý như thế nào... nếu trò đùa không được dừng lại đúng lúc.