Nữ sinh đỗ hàng loạt đại học ở nước ngoài đưa ra 5 lời khuyên khi 'apply' học bổng

Ứng Hà Chi,
Chia sẻ

Bằng loạt kinh nghiệm thực chiến, Đoàn Thục Quyên đưa ra những lời khuyên hữu ích tới các bạn học sinh trong quá trình chuẩn bị hồ sơ đi du học.

Đoàn Thục Quyên, 19 tuổi, quê tại tỉnh Quảng Trị. Hiện nữ sinh đang học song song 2 chuyên ngành là Khoa học máy tính và Thiết kế đồ họa tại trường Augustana College (nước Mỹ). Trước khi quyết định học ngôi trường hiện tại, em còn trúng tuyển hàng loạt ngôi trường danh tiếng gồm: Minerva University, Coe College, Gettysburg College (Mỹ), SP Jain (Úc), VinUni, Fulbright (Việt Nam),... Thục Quyên trúng tuyển tổng cộng 20 trường đại học trong nước và nước ngoài.

LỘ TRÌNH "APPLY" HỌC BỔNG HÀNG LOẠT TRƯỜNG DANH TIẾNG THẾ GIỚI

Ngay từ lớp 10, Thục Quyên đã xác định mục tiêu đi du học. Em bắt đầu lên kế hoạch chi tiết cho việc xây dựng bộ hồ sơ dưới sự hỗ trợ của một trung tâm tư vấn. Vấn đề nan giải đầu tiên mà em gặp phải là việc tìm những ngôi trường phù hợp. Thục Quyên tâm sự, em không có nhiều thời gian lập danh sách chi tiết các trường. Nếu được làm lại một lần nữa, em nhất định sẽ bỏ tâm huyết dành đọc thật kỹ mọi thông tin trên website từng trường.

Quá trình chọn trường chia thành 2 giai đoạn: Trước và sau khi "apply". Trước khi "apply", các bạn cần chú trọng đến ranking bằng cách lên trang web US ranking. Ngoài ra, cần đạt thành tích học tập tốt, điểm số cao,… Sau khi "apply", bạn cũng cần thường xuyên kiểm tra thư điện tử và truy cập website của các trường để nắm thông tin. Quá trình "apply" các trường đại học của Thục Quyên cụ thể như sau:

Năm lớp 10:

Thục Quyên chú trọng giữ vững GPA, cố gắng đạt GPA trên 9.0 tăng cơ hội nhận học bổng ở các trường top đầu. Nữ sinh còn thi chứng chỉ IELTS và đạt số điểm lên đến 8.0. Cuối năm lớp 10, nữ sinh tích cực tham gia nhiều hoạt động ngoại khóa để giúp bộ hồ sơ thêm "dày dặn".

Nữ sinh khuyên các bạn đang làm hồ sơ đi du học ở năm lớp 10 nên chia hoạt động theo các giai đoạn. Và nếu có thể, hãy thử nhiều hoạt động để xem bản thân phù hợp với hoạt động gì, vị trí gì. Có nhiều bộ phận mà bạn có thể thử sức như: Ban chuyên môn, ban hậu cần, ban truyền thông,.. ở các lĩnh vực giáo dục, môi trường,…

Những chia sẻ hữu ích trong việc làm hồ sơ đi du học mà Thục Quyên muốn gửi đến các bạn học sinh.

Năm lớp 11:

Thục Quyên tiếp tục tham gia các hoạt động ngoại khóa và một số cuộc thi trên mạng. Một số hoạt động nổi bật của nữ sinh gồm: Dạy học cho các em nhỏ tại Làng trẻ SOS, Đại sứ Việt Nam của tổ chức Global Playground, Phó Chủ tịch của Humans of Quoc Hoc, thực tập sinh tại VSPACE, Trưởng ban Truyền thông tại Quoc Hoc Model United Nations, thành viên tổ chức Bóng Đèn, Huy chương Đồng cuộc thi viết luận "The Queen's Commonwealth", giải 4 cuộc thi "Tự tin Gen Z".

Nếu như năm lớp 10 tham gia nhiều hoạt động ở các vị trí khác nhau để khám phá bản thân thì năm lớp 11, Thục Quyên chỉ tập trung chuyên sâu vào 2-3 hoạt động là thế mạnh của mình và có tầm ảnh hưởng đến cộng đồng. Một điều hết sức quan trọng mà Thục Quyên khuyên các bạn học sinh là cần giữ một vị trí lãnh đạo trong CLB/tổ chức/dự án lớn đó. Đây là điểm mà ban tuyển sinh đánh giá cao trong bộ hồ sơ.

Ngoài ra, Thục Quyên còn tích cực học tiếng Anh để thi IELTS. Nữ sinh học ngày học đêm với quyết tâm đạt điểm số tốt. Ở kỹ năng Đọc, em làm rất nhiều đề để trau dồi từ vựng và kỹ năng giải đề. Ở kỹ năng Viết, em đọc văn mẫu rất nhiều, tập trung đọc kỹ và phân tích từng câu, từng ý. Còn ở kỹ năng Nói và Nghe cần sự chăm chỉ luyện tập hàng ngày. Thục Quyên thường dành nhiều thời gian mỗi ngày để xem các video chứa nhiều chủ đề khác nhau.

Thục Quyên chia sẻ: "Với em, năm lớp 11 là thời điểm nặng nhất vì phải tham gia khá nhiều hoạt động ngoại khóa. Bên cạnh đó vẫn phải đảm bảo điểm số trên lớp và tập trung ôn luyện chuẩn bị cho các kỳ thi chuẩn hóa như IELTS, SAT,... ".

Nữ sinh đỗ hàng loạt Đại học danh giá chỉ ra những sự cố tai hại khi "apply" học bổng - Ảnh 3.

Thục Quyên có sự chuẩn bị kỹ càng từ năm lớp 10 để đạt mục tiêu trúng tuyển vào những trường đại học top đầu ở nước ngoài.

Năm lớp 12:

Thục Quyên bước vào giai đoạn nước rút trong quá trình chuẩn bị hồ sơ. Em tham gia thi các kỳ thi chuẩn hóa, hoàn thành bài viết luận,...

Về bài thi SAT, Thục Quyên đăng ký 3 lần nhưng đều bị hủy bởi dịch COVID-19 diễn biến phức tạp. Đây là điều khiến nữ sinh cảm thấy tiếc nuối bởi SAT còn quan trọng hơn IELTS rất nhiều. Nếu như IELTS là chứng chỉ chứng minh khả năng thông thạo ngôn ngữ thì SAT là chứng chỉ giúp đánh giá tư duy một cách toàn diện qua các chủ đề: Toán học, Văn học, Chính trị.

Về bài viết luận, trước khi có ý định đi du học, Thục Quyên đã "ép" bản thân mỗi ngày nghĩ ra một chủ đề để viết. Điều này giúp em không bị bí ý tưởng nhưng lại gặp một khó khăn khác là không biết nên chọn chủ đề nào để tạo ấn tượng. Cuối cùng, nữ sinh viết về bói tử vi. Hồi nhỏ, Thục Quyên sống ở miền núi tỉnh Quảng Trị nên không có điều kiện đọc các loại sách khác nhau. Khi ấy, cuốn sách duy nhất mà nữ sinh nghiền ngẫm là cuốn tử vi coi tướng số.

Cuốn sách tử vi nói về cuộc đời Thục Quyên sẽ vất vả nếu đi xa gia đình, xa nơi đang sinh sống. Theo cuốn sách, để cuộc đời hanh thông, em chỉ nên ở địa phương để phát triển sự nghiệp. Đọc những dòng dự báo đó, em từng rất buồn phiền, trăn trở suy tư. Em là người muốn khám phá bản thân, muốn đến những vùng đất mới để thử thách nhưng em cũng sợ đi trái với lá số tử vi cuộc đời mình.

Nữ sinh Quảng Trị cho biết: "Bài luận của em là cuộc đấu tranh tư tưởng mãnh liệt trong em. Cuối cùng, em vẫn quyết định đi xa, vẫn học cấp 3 ở Huế. Em nhận ra rằng, mình hoàn toàn có thể tự viết lại cuộc đời mình. Khi đã thoát ra những suy nghĩ tiêu cực, em cởi mở hơn, được là chính mình. Em mới là người tạo ra quy luật của cuộc chơi. Ở bài luận, em còn sáng tác 1 bài thơ giống như một lời dự báo về cuộc đời em, để lại ấn tượng cho ban tuyển sinh".

Nữ sinh đỗ hàng loạt Đại học danh giá chỉ ra những sự cố tai hại khi "apply" học bổng - Ảnh 4.

Nữ sinh chia sẻ, sự liên kết trong bộ hồ sơ và trong vòng phỏng vấn là điều rất quan trọng.

Về vòng phỏng vấn, đầu tiên Thục Quyên cố gắng tạo sự ấn tượng ngay từ đầu vì đây là phần được ban tuyển sinh chú ý nhất. Sau đó, nữ sinh trình bày sự hiểu biết của mình về ngôi trường đó qua một số câu hỏi được đặt ra: "Bạn thích gì ở chúng tôi?", "Bạn nghĩ bạn sẽ đóng góp ra sao nếu được nhận vào trường?",...

Ban tuyển sinh sẽ đánh giá cao những ứng viên nắm thông tin chi tiết. Thục Quyên còn chuẩn bị sẵn những câu hỏi thông minh để hỏi ngược lại ban tuyển sinh và nở nụ cười tự tin trong suốt cuộc phỏng vấn. Em muốn thể hiện sự tự tin, thoải mái và lan tỏa năng lượng tích cực tới mọi người.

"Theo em, trong bộ hồ sơ, không có phần nào quan trọng nhất, phần nào cũng có vai trò riêng. Điều quan trọng là sự hòa hợp trong bộ hồ sơ của bạn. Chẳng hạn em thể hiện niềm đam mê với Toán học thì điểm số các môn trong khối Tự nhiên phải đồng đều và đạt thành tích cao. Những hoạt động xung quanh mà em tham gia cũng cần liên quan đến Toán. Trong cuộc phỏng vấn, em cũng nhắc đến môn Toán. Sự liên kết là điều quan trọng nhất", nữ sinh đưa ra lời khuyên.

MỘT SỐ LƯU Ý TRONG QUÁ TRÌNH CHUẨN BỊ HỒ SƠ DU HỌC

Dù chuẩn bị hồ sơ du học từ khá sớm và có sự hỗ trợ của trung tâm tư vấn du học nhưng Thục Quyên vẫn gặp nhiều khó khăn. Từ trải nghiệm của mình, nữ sinh đưa ra một số lời khuyên dành cho các bạn học sinh có ý định hoặc đang "apply" học bổng các trường Đại học quốc tế trong nước và các trường đại học ở nước ngoài.

1. Đừng để "nước đến chân mới nhảy": "Apply" là một cuộc đua dài hạn. Nhiều bạn đến khi bước sang năm 12 mới cuống cuồng tìm hiểu thông tin du học, đây là điều rất đáng tiếc. Hãy cố gắng chuẩn bị hồ sơ càng sớm càng tốt nếu các bạn có ý định đi du học. Đừng nghĩ bản thân có nhiều thời gian chuẩn bị rồi "bình chân như vại". Thời gian có bao nhiêu không đủ, càng có nhiều thời gian càng nên cố gắng chuẩn bị kỹ càng để tăng cơ hội trúng tuyển. Chuẩn bị tốt là đã chiến thắng một nửa cuộc chơi.

2. "Chọn mặt gửi vàng": Trong quá trình "apply", bạn rất cần sự hỗ trợ của trung tâm tư vấn du học, mentor (người cố vấn) hay các anh chị đi trước. Nếu chọn trung tâm tư vấn, bạn cần bỏ thời gian tìm hiểu thật kỹ trung tâm đó, tham khảo ý kiến những người đã sử dụng dịch vụ. Nếu tìm mentor hoặc các anh chị đi trước để họ tư vấn thì bạn cần xác định, họ sẽ không sát sao như ở trung tâm được. Vì vậy, hãy nâng cao tính chủ động của bản thân và tìm những người có tâm để được hỗ trợ.

Nữ sinh đỗ hàng loạt Đại học danh giá chỉ ra những sự cố tai hại khi "apply" học bổng - Ảnh 5.

3. Dành nhiều thời gian để chọn trường: Hãy bỏ nhiều thời gian tra cứu thông tin trên một số website uy tín để nắm được thứ hạng, thông tin các trường đại học. Ngoài ra, hãy chú ý đến vấn đề tài chính trong khi chọn trường. Bạn cần xem trường có bao nhiêu suất học bổng, số tiền tối đa cần chi trả cho việc học là bao nhiêu? Một số vấn đề khác cần quan tâm khi tìm hiểu trường là: Môi trường học tập, vị trí địa lý, các câu lạc bộ, cơ hội thực tập,... Đại học chính là khoảng thời gian tươi đẹp, là "thanh xuân" của mỗi người. Vì vậy, bạn cần tìm hiểu để đưa ra lựa chọn đúng đắn nhất.

4. Đừng chạy theo hoạt động ngoại khóa mà bỏ quên điểm số: Thục Quyên từng lầm tưởng rằng hoạt động ngoại khóa chiếm phần lớn trong bộ hồ sơ nên chỉ tập trung vào deadline (thời hạn) các sự kiện mà chểnh mảng việc học tập. Trong mục "Common app" của bộ hồ sơ, ban tuyển sinh chỉ cho mình điền 10 hoạt động, mỗi hoạt động được viết tối đa 50 từ. Vì thế, các bạn không có nhiều "đất" để chia sẻ thông tin cụ thể. Hãy chỉ liệt kê những hoạt động ở tầm quốc gia, quốc tế; những hoạt động độc đáo hoặc tạo nên sự ảnh hưởng tới cộng đồng.

5. Đừng ngại sáng tạo: Nhiều khi Thục Quyên từng có những ý tưởng táo bạo như gửi một bài rap tự sáng tác, viết một bài thơ hay gửi portfolio cho nhà trường. Nhưng nữ sinh cảm thấy lo lắng, không tự tin vì nghĩ những điều đó không phù hợp với trường. Nhnưng sau này, em mới nhận ra rằng những điều sáng tạo mới khiến bản thân trở nên thú vị. Nếu được quay trở lại, Thục Quyên sẽ cố gắng khiến bộ hồ sơ thật độc đáo, mới lạ.

"Không quan trọng đích đến như thế nào, trong lúc "apply" đã giúp em có những trải nghiệm tuyệt vời. "Apply" chính là hành trình khám phá bản thân, nhờ việc này đã giúp em nhận ra những giá trị tiềm tàng của mình", Thục Quyên tự hào chia sẻ.

Chia sẻ