Tư thế ngồi được nhiều chị em ưa chuộng vì cho rằng quý phái nhưng thực tế nó lại mang lại nhiều tác hại đến không ngờ
Theo Tạp chí Dịch tễ học Hoa Kỳ, ngồi lâu có mối liên hệ mật thiết với việc tăng nguy cơ tử vong do các bệnh mãn tính gây nên.
Hiện nay không ít người có thói quen ngồi bắt chéo chân trong thời gian dài bởi với họ đó là tư thế ngồi thanh lịch, lịch sự và sang trọng, quý phái. Thật ra, tư thế ngồi này sẽ khiến bạn có nguy cơ bị đau hông và đầu gối đấy!
Tư thế ngồi này có thể gây nên những vấn đề sức khỏe từ tắc nghẽn mạch máu đến huyết áp cao và bệnh về lưng. Trên thực tế, phụ nữ ngồi liên tục trong 24 giờ ở tư thế bắt chéo một chân sẽ gặp phải các vấn đề lưu thông và tình trạng giãn tĩnh mạch.
Liệu thói quen này có thực sự nguy hiểm như vậy không? Dưới đây là lời giải thích của các chuyên gia về tác hại của việc ngồi bắt chéo chân:
Gây ra chứng đau lưng
Không ít người cảm thấy thoải mái hơn khi ngồi bắt chéo hai chân so với ngồi kiểu truyền thống.
Robert A. Hayden, bác sĩ chuyên khoa xương khớp kiêm phát ngôn viên của Hiệp hội Chiropractic Hoa Kỳ cho biết, rất ít người sở hữu kết cấu xương khớp cân xứng tới mức hoàn hảo. Ví dụ, ở một số người, chênh lệch chiều dài của hai chân khiến xương chậu bị nghiêng khi đứng. Ngồi bắt chéo chân hoặc đặt một chân này lên chân kia giúp chống lại sự mất cân bằng này.
Dù vậy, ngay cả khi thói quen này giúp bạn cảm thấy thoải mái, chúng sẽ gây nên những vấn đề nghiêm trọng sau này. Bác sĩ Hayden giải thích, ngồi bắt chân chéo tạo áp lực không cân xứng lên các khớp giữa xương chậu và lưng dưới.
Xương sụn tại các khớp hứng chịu trọng lượng này có thể sưng lên khi bị lệch hoặc kích thích, từ đó dẫn đến hiện tượng đau lưng.
Tạo nên tư thế xấu
Thường xuyên ngồi bắt chéo chân ép buộc cơ thể vào một tư thế không tự nhiên. Một nghiên cứu đăng trên Tạp chí Khoa học Vật lý trị liệu cho thấy, thói quen này có khả năng gây vẹo cột sống, biến dạng cột sống và giảm chiều cao. Bác sĩ Hayden cho biết, tư thế xấu để lại hậu quả lâu dài tới xương. Vào thời điểm nhận ra, chúng có thể đã gây ảnh hưởng rất lớn tới cơ thể và khó có khả năng khắc phục.
Phát triển cục máu đông
Marc Bonaca, chuyên gia y khoa, trưởng khoa huyết học ở Đại học Y Colorado kiêm phát ngôn viên tại Viện Tim mạch Hoa Kỳ giải thích, đảm bảo quá trình lưu thông máu diễn ra bình thường là việc làm rất quan trọng nhằm duy trì hoạt động của các cơ quan cũng như ngăn ngừa bệnh tim và đột quỵ.
Trên thực tế, ngồi bắt chéo chân gây nên cục máu đông là hiện tượng hiếm gặp. Tuy nhiên, chuyên gia Bonaca khuyên, mọi người vẫn nên tránh ngồi trong tư thế này quá 10-15 phút. Những người có tiền sử mắc bệnh đông máu tốt hơn hết nên loại bỏ thói quen ngồi này. Theo Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), phụ nữ mang thai cũng cần tránh do ngồi bắt chéo chân sẽ làm hạn chế quá trình lưu thông máu tới tĩnh mạch chủ và tim.
Tăng huyết áp
Nếu bạn đang mắc bệnh về huyết áp, hãy duy trì thói quen ngồi thẳng chân kiểu truyền thống. Theo chuyên gia Bonaca, lượng máu đến tim có thể gia tăng tạm thời do quá trình lưu thông bị hạn chế. Đây không phải là vấn đề lớn, ngoại trừ người mắc huyết áp cao hoặc bệnh tiểu đường. Nếu biết cách kiểm soát, thói quen ngồi này sẽ không ảnh hưởng lâu dài tới cơ thể.
Gây tê
Một số người có thể cảm thấy ngứa ran hoặc tê chân khi ngồi lâu ở tư thế này. Nguyên nhân chủ yếu là do ngồi bắt chéo chân gây chèn ép các dây thần kinh. Tuy khả năng bị bại liệt hoặc yếu cơ khó xảy ra, bạn vẫn nên hạn chế ngồi ở tư thế này.
Tư thế ngồi lý tưởng
Tư thế ngồi lý tưởng nhất là chân để thẳng, hai bàn chân đặt trên sàn, lưng thẳng, mắt tập trung nhìn về phía trước. Mọi người cần điều chỉnh ghế sao cho đầu gối gập ở một góc phù hợp. Nếu ngồi trong phòng làm việc, bạn nên đặt màn hình máy tính, điện thoại, chuột và các thiết bị khác ở vị trí phù hợp để tạo cảm giác ngồi thoải mái nhất.
Bác sĩ Hayden cho biết, nếu thói quen ngồi bắt chéo chân đã ăn sâu vào tiềm thức và không thể loại bỏ, bạn ít nhất hãy đổi chân thường xuyên.
Ngoài ra, đừng ngồi trên ghế quá lâu và nên vận động hoặc nghỉ giải lao sau mỗi 30 phút. Đi bộ, tập thể dục sẽ thúc đẩy quá trình lưu thông máu trong cơ thể.
Theo Livestrong