Trong ngày "đèn đỏ", nếu không cẩn thận chị em rất dễ bị loại nhiễm trùng này

Mai Nhung,
Chia sẻ

Những triệu chứng nhiễm trùng nấm men như ngứa, sưng đỏ, tiết dịch âm đạo đi kèm với nhưng cơn đau bụng kinh là điều không mấy dễ chịu.

Mắc nhiễm trùng nấm men trong ngày đèn đỏ là hiện tượng không hề hiếm gặp. Sự khó chịu dường như nhân đôi khi các triệu chứng của nhiễm trùng đi kèm với những cơn đau bụng kinh. Không ít người lựa chọn đến gặp các chuyên gia y khoa để giải quyết tình trạng này.

Nếu bạn nghi ngờ bản thân đang mắc nhiễm trùng nấm men vào ngày "đèn đỏ", hãy tham khảo những thông tin dưới đây để tìm hiểu nguyên nhân và biện pháp khắc phục:

Điều gì xảy ra khi bị nhiễm trùng nấm men?

Loại nấm thường gây nhiễm trùng nấm men được gọi là Candida, chúng có thể xuất hiện tự nhiên trong cơ thể, đặc biệt ở vùng kín. Thông thường, vi khuẩn Lactobacillus ở âm đạo sẽ ngăn chặn loại nấm này phát triển quá mức. Tuy nhiên, nếu Candida sinh sôi mạnh mẽ, vượt quá kiểm soát, chúng sẽ dẫn tới nhiễm trùng, gây ra các triệu chứng đặc trưng là ngứa, kích ứng và tiết dịch ở âm đạo.

Mắc nhiễm trùng nấm men trong ngày "đèn đỏ": Nguyên nhân và biện pháp khắc phục - Ảnh 1.

Nhìn chung, nhiễm trùng nấm men là hiện tượng vô cùng phổ biến.

Theo thống kê của Viện Mayo, sự phát triển quá mức của loại nấm này có thể bắt nguồn từ một số lý do, bao gồm sử dụng kháng sinh làm giảm vi khuẩn trong vùng kín, mất cân bằng hormone, các vấn đề sức khỏe như bệnh tiểu đường và thói quen sinh hoạt thường xuyên mặc quần áo bó sát, thấm đẫm mồ hôi.

Trên thực tế, theo thống kê của Viện Mayo, 75% phụ nữ phải đối mặt với tình trạng này ít nhất hai lần trong đời.

Mắc nhiễm trùng nấm men trong ngày "đèn đỏ" hoàn toàn có thể xảy ra

Taraneh Shirazian, chuyên gia y khoa kiêm bác sĩ phụ khoa tại Trung tâm y tế NYU Langone Health cho biết, tình trạng này dễ xảy ra do hormone, độ pH âm đạo và vi khuẩn đều có thể dao động trong chu kỳ kinh nguyệt, từ đó khiến nấm men phát triển mạnh, vượt quá khả năng kiểm soát. 

Hơn nữa, H. Frank Andersen, bác sĩ phụ khoa kiêm tiến sĩ tại Đại học y Washington giải thích, estrogen tăng đột ngột trước ngày "đèn đỏ" có thể khiến bạn đối mặt với nhiễm trùng nấm men và những cơn đau bụng kinh. Tình trạng này ảnh hưởng tới độ pH ở âm đạo, tăng tính axit và tạo điều kiện cho nấm dễ phát triển tới mức gây viêm nhiễm.

Mắc nhiễm trùng nấm men trong ngày "đèn đỏ": Nguyên nhân và biện pháp khắc phục - Ảnh 2.

Ngay cả khi bạn dùng thuốc để cân bằng hormone trong cơ thể, estrogen trong thuốc cũng có thể làm tăng nguy cơ mắc nhiễm trùng nấm men.

Theo Viện Mayo, một số nghiên cứu còn chỉ ra rằng vi khuẩn Lactobacillus giảm đáng kể trong ngày đèn đỏ và khiến độ pH thay đổi, tạo điều kiện cho nấm phát triển.

May thay, tiến sĩ Andersen lưu ý, mọi người không nên lo lắng chu kỳ kinh nguyệt sẽ khiến vấn đề nhiễm trùng trở nên nghiêm trọng hơn. Hiển nhiên, bạn có thể cảm thấy vô cùng khó chịu, dù việc hành kinh không kéo dài và làm trầm trọng thêm tình trạng viêm nhiễm. Sau một thời gian điều trị và dùng thuốc, mọi thứ sẽ tự khỏi.

Cách giải quyết nhiễm trùng nấm men trong ngày đèn đỏ

Thông thường khi nhận thấy dấu hiệu bản thân mắc nhiễm trùng nấm men, nhiều người có thói quen mua thuốc bôi ngay. Tuy nhiên, bạn tốt hơn hết nên hỏi ý kiến chuyên gia trước khi cố gắng điều trị tại nhà. Bác sĩ sẽ xác định nguyên nhân bắt nguồn từ nhiễm trùng nấm men hay tình trạng sức khỏe khác có thể gây ra triệu chứng tương tự.

Theo tiến sĩ Andersen, dù bạn đang trong thời kỳ kinh nguyệt hay không, dùng thuốc uống một liều như fluconazole để trị nhiễm trùng nấm men vừa dễ dàng vừa đem lại hiệu quả cao so với thuốc bôi không kê đơn.

Tuy nhiên, nếu cảm thấy cực kỳ ngứa ngáy, khó chịu ở vùng kín và cần giảm thiểu tình trạng này trước khi đi khám, bạn có thể áp dụng một số phương pháp điều trị nhiễm trùng nấm men tại nhà. Với những người đã từng đến bác sĩ để điều trị tình trạng này, họ có thể lựa chọn dùng thuốc không kê đơn nếu cảm thấy hiệu quả.

Biện pháp ngăn ngừa nhiễm trùng nấm men

Mắc nhiễm trùng nấm men trong ngày "đèn đỏ": Nguyên nhân và biện pháp khắc phục - Ảnh 3.

Mọi người nên dùng đồ lót làm bằng chất liệu thoáng khí và thay quần áo thường xuyên khi tập luyện ra nhiều mồ hôi.

Tiến sĩ Andersen khuyên, mặc đồ lót làm bằng cotton sẽ thoáng khí hơn chất liệu nilon hoặc một số loại vải dễ giữ nhiệt và độ ẩm, hai yếu tố chủ yếu tạo điều kiện cho nấm phát triển mạnh mẽ. Hơn nữa, việc thay đổi lối sống có thể giúp giảm nguy cơ mắc nhiễm trùng nấm men, chẳng hạn như ít mặc đồ bó sát, thay quần áo thường xuyên khi tập luyện. Đồng thời, bạn nên hạn chế sử dụng các sản phẩm chứa hóa chất, xà phòng ở vùng kín và không dùng thuốc kháng sinh trừ khi thực sự cần thiết.

Nếu nhận thấy bản thân vẫn mắc nhiễm trùng nấm men, ngay cả khi đã áp dụng các loại phương pháp phòng ngừa này, mọi người nên đi khám bác sĩ. Tiến sĩ Shirazian lưu ý, bệnh tái phát nhiều lần có thể là dấu hiệu cảnh báo một vấn đề sức khỏe khác.

Theo Self

Chia sẻ