Tôi lên tiếng: Đấu tranh không khoan nhượng khi con gái 9 tuổi bị quấy rối tình dục, nhiều người chửi tôi dùng con câu like

Thiên Yết,
Chia sẻ

Mẹ nào cũng muốn giữ con của mình an toàn. Có con bị quấy rối tình dục, bị xâm hại là trải nghiệm đau đớn mà không ai muốn trải qua. Nhưng với người đã rơi vào tình huống ấy, cách họ ứng xử với nó rất quan trọng. Cách mẹ Nguyễn Thùy L. (Hà Nội) chọn là chiến đấu.

Chị Nguyễn Thùy L. (Hà Nội) là một trong những người mẹ đã bước qua những trải nghiệm tồi tệ vào năm ngoái. Con gái chị, khi đó 9 tuổi đã bị một (cựu) tài xế công nghệ quấy rối tình dục bằng lời nói. Trước có một luồng thông tin cho rằng không nên để trẻ con "chường mặt ra" để đấu tranh hay kiện tụng, vì như thế sẽ làm tổn thương hơn, khoét sâu thêm nỗi đau của bé, ảnh hưởng đến sự an toàn của bé, chị Thùy L. đã chia sẻ câu chuyện và quan điểm của mình với chiến dịch Quyền An Toàn của aFamily.

Tôi lên tiếng: Đấu tranh không khoan nhượng khi con gái 9 tuổi bị quấy rối tình dục, nhiều người chửi tôi dùng con câu like - Ảnh 1.

Ngày 16/5/2018, chị L. đặt một chiếc xe ôm công nghệ để đưa con gái đi học sớm. Chiều về nhà, con gái hoảng loạn kể với chị rằng tài xế chở con buổi sáng đã có những lời nói gạ gẫm, quấy rối tình dục bằng lời nói như: Cháu mặc quần lót màu gì? Cháu đã bao giờ nhìn thấy ngực mẹ chưa? Mẹ cháu mặc quần lót màu gì? Chú có thể chạm vào quần lót cháu không?...

Con chị đã nghĩ đến chuyện phải nhảy xuống đường thoát thân nếu tài xế kia không đi tiếp hoặc quay đầu lại nhìn bé, chạm vào người bé. May mắn là sau đó, bé đã đến trường an toàn và kể lại cho mẹ nghe sự việc vào buổi chiều.

Sau khi cùng bé ra công an lấy lời khai với công an, chị đã công khai chuyện này trên Facebook cá nhân, tuyên chiến với tài xế kia cũng như cảnh báo những người mẹ khác.

Đây là lý do: "Việc lên tiếng chính là hành động tự vệ đầu tiên! Tôi làm đến cùng, vì sao? Vì con tôi không sai, vì tôi tin con mình! Đứa bé có làm gì sai không? Tôi không giấu con mình đi như thể nó mới là tội phạm. Tôi nói với con rằng, con không làm gì có lỗi hết, nên con có phải sợ không? Con tôi trả lời rằng "Con không ạ", vì thế trước công an, giữa hình sự phường, hình sự quận con vẫn rất bình tĩnh và thoải mái khai và thậm chí tự viết lời khai của mình.

Quan trọng là người mẹ vững vàng đến đâu, gia đình vững vàng đến đâu. Tôi cho rằng, việc lên tiếng không phải chỉ vì bảo vệ thể xác của con mà còn bảo vệ tâm hồn của con, bảo vệ cả những bạn nhỏ khác của con. Nạn nhân không phải là người đáng phải chịu đựng tất cả, trốn tránh dư luận, trốn tránh xã hội! Nạn nhân không làm gì sai!

Bây giờ tôi kể lại nghe có vẻ nhẹ nhàng, chứ thời điểm vụ đó mới xảy ra, đã có những người trong gia đình muốn ém nhẹm đi; có người gọi đến tự xưng là nhà báo lúc 12 rưỡi đêm, yêu cầu tôi xóa bài tố cáo, nếu không bên công ty công nghệ có thể kiện ngược tội vu khống.

Bạn không tưởng tượng ra việc một công ty nước ngoài có tiềm lực kinh tế mà kiện ngược một công dân, sự việc có thể đẩy xa đến đâu, theo hầu tòa phức tạp thế nào đâu. Rồi bao nhiêu người không quen biết lao vào chửi bới, nhiều page cũng share lại bài để chửi bới tôi mang con ra câu like chỉ vì con bé có cách cư xử quá quyết liệt, thậm chí có ý định nhảy ra khỏi xe để người xung quanh chú ý. Nói chung áp lực đến mức cầm điện thoại trên tay còn run. Nhưng tất cả cũng không vấn đề gì nếu như nghĩ đến con mình và những đứa trẻ khác.

Tôi lên tiếng: Đấu tranh không khoan nhượng khi con gái 9 tuổi bị quấy rối tình dục, nhiều người chửi tôi dùng con câu like - Ảnh 2.

Sau sự việc của con tôi, hàng xóm hay bạn bè của con tôi không hề nói gì chế giễu con, thậm chí nhiều bạn cùng lớp còn tỏ ra khâm phục vì con dám lên tiếng và có thể bình tĩnh giải quyết, nhấn mạnh cho rất nhiều phụ huynh tầm quan trọng của việc giáo dục giới tính và dạy con cách xử lý tình huống chứ không phải dạy con im lặng!

Chiều hôm đó về, con bé bảo tôi là: "Mẹ ơi con kể cho mẹ chuyện này lạ lắm, nhưng mẹ có tin con không?". Với con trẻ, lòng tin của cha mẹ và thái độ của cha mẹ ảnh hưởng cực kỳ lớn với thái độ đối diện với sự việc thế nào. Tôi tin con, và bé đã vững tâm vượt qua chuyện đó.

Nếu bạn chú ý đến những trang tâm sự thì sẽ thấy những phụ nữ, trẻ em bị xâm hại nhưng vô cùng xấu hổ không dám nói ra, vì sợ người thân của mình không tin. Hoặc có người đã nói ra nhưng bị gia đình gạt đi, không tin rằng đó là sự thật.

Thậm chí có những đứa trẻ bị lạm dụng bởi chính người thân của mình, người đáng lẽ ra phải bảo vệ chúng. Rồi mẹ và đứa trẻ vì danh dự gia đình, vì "tính mạng" của người lớn trong nhà mà phải im lặng. Còn tôi, tôi đã chọn và cổ vũ cách nói ra cũng như tranh đấu đến cùng, đơn giản vì con trẻ không hề sai, nạn nhân không hề sai, nên chẳng có gì đáng xấu hổ.

Tôi lên tiếng: Đấu tranh không khoan nhượng khi con gái 9 tuổi bị quấy rối tình dục, nhiều người chửi tôi dùng con câu like - Ảnh 3.

Giấu con đi trước sóng gió, nó cũng là một cách tự vệ. Nhưng cách tự vệ này, theo tôi, nhìn một cách nào đó, sẽ khiến cho mọi chuyện tồi tệ thêm. Nó tạo thành tâm lý sợ hãi cho nạn nhân, tạo điều kiện cho những lần phạm tội tiếp theo, đặc biệt là những hành vi mang tính nhạy cảm như xâm hại tình dục.

Nếu bản thân nạn nhân không trình báo, không yêu cầu sự bảo vệ của pháp luật, đấy là việc từ bỏ quyền được bảo vệ của chính mình! Ở phần lớn trường hợp, cơ quan công an họ chỉ có thể bắt tay vào điều tra khi có đơn trình báo. Nhưng nhiều người không hiểu điều ấy, họ không trình báo vì sợ điều tra lằng nhằng giấy tờ thủ tục, sợ các loại rắc rối rồi họ đổ lỗi cho pháp luật là không đủ nghiêm minh, không bảo vệ được họ.

Đồng ý rằng luật hiện hành còn nhiều thiếu sót, (mà tôi tin đây không phải việc cá biệt ở nước ta) thế nhưng không phải vì thế mà buông xuôi, im lặng vì ngại, vì thủ tục các kiểu, vì phải thuê luật sư... Nếu không lên tiếng, luật sẽ không thể sửa đổi!

Tôi cũng biết có nhiều người hiện nay đang ứng xử, đấu tranh với cái xấu theo cách phi pháp luật (như việc người dân đến sơn xịt, ném đồ bẩn, check-in "đen" vào ngôi nhà của người đàn ông sàm sỡ bé gái trong thang máy - PV). Nhiều người vin vào lý do luật cũ không còn đủ khả năng xử lý những hành vi phạm tội của hiện tại nên tự cho mình cái quyền đứng trên pháp luật. Đó chỉ là một vấn đề.

Cá nhân tôi cảm thấy cách ứng xử lệch lạc đó là do đạo đức bây giờ bị xuống cấp. Người ta đề cao cái tôi của cá nhân đồng nghĩa tự cho bản thân có nhiều quyền mà trước đây tự bản thân họ cũng không cho phép làm. Nhiều khái niệm luân thường đạo lý hay khái niệm đúng sai cơ bản bị hạ thấp so với những thế hệ trước, kéo theo đấy là hệ luỵ họ muốn dùng luật rừng.

Con người văn minh bị kéo ngược trở về bản năng sử dụng bạo lực để giải quyết vấn đề. Nó là một hệ luỵ rồi. Vấn đề cần lên tiếng thay đổi luật là có thật, nhưng đó là cuộc chiến trường kỳ và cần phải có sự chung tay, lên tiếng của cả cộng đồng.

Nhưng trước hết, bạn cần lên tiếng đã. Lên tiếng để kêu gọi pháp luật bảo vệ mình, để biết rằng mình không thỏa hiệp với cái ác, và sống trên tinh thần thượng tôn pháp luật.

Tôi lên tiếng: Đấu tranh không khoan nhượng khi con gái 9 tuổi bị quấy rối tình dục, nhiều người chửi tôi dùng con câu like - Ảnh 4.

Để bảo vệ con và bản thân mình, thực ra ngoài dạy con kiến thức về tình dục thì còn phải dạy con bình tĩnh giải quyết tình huống nữa. Nhiều khi cách con mình giải quyết vấn đề mới là quan trọng nhất, quyết định việc con mình bị tổn thương ít hay nhiều. Tiếp theo đó là cách mẹ và gia đình tiếp nhận sự việc và lòng tin của con vào mẹ và gia đình.

Dạy con tự vệ không phải là một tuần hay một tháng hay một buổi học, nó là cả một quá trình rất dài. Với tôi, quá trình đó bắt đầu từ khi con 2 - 3 tuổi, là con bắt đầu nhận thức được vệ sinh cá nhân của bản thân rồi, tôi bắt đầu dạy con bài đầu tiên là không bao giờ được để ai thấy con thay quần áo, không bao giờ được đi vệ sinh ở nơi công cộng như đường, gốc cây hay vỉa hè, rồi không cho ai tốc áo tốc váy hay chạm vào quần con.

Tôi không dạy con theo cách nặng nề là làm "con phải làm theo lời mẹ" mà để con hiểu được đúng sai, ví dụ như "ôi xấu xấu, để mọi người nhìn thấy mông là xấu hổ lắm vì mông toàn làm thối". Cứ vậy, mọi bài học tăng dần lên theo độ tuổi của con, theo sự nhận thức của con và hàng ngày dựa vào cách cư xử cũng như thái độ của con nữa để điều chỉnh.

Tôi cũng để con tự đọc một vài bài báo hay bài viết, xem những đoạn phóng sự ngắn về ấu dâm hay quấy rối để con hiểu chính xác vấn đề mà con sẽ gặp phải ở môi trường xung quanh nó là thế nào chứ không phải những khái niệm mơ hồ. Dạy con về vấn đề tế nhị như tình dục thì việc tôn trọng con và dạy con về việc tôn trọng chính bản thân mình là vấn đề mấu chốt.

Thậm chí ngay cả khi tình huống xấu nhất xảy ra, thì tôi dạy con rằng "mạng sống của con là quan trọng nhất, tất cả mọi thứ đều có thể làm lại, nhưng mất con mẹ sẽ không thể có lại con lần nữa. Vì thế, bất cứ chuyện gì xảy ra thì phải giữ cho bản thân mình an toàn, để về nhà với mẹ".

Khi sự việc tài xế công nghệ kia có những lời quấy rối tình dục con bé xảy ra vào năm ngoái, nhiều người không tin rằng con bé nhà mình lúc ấy mới 9 – 10 tuổi lại có thể có cách xử lý tình huống rất tốt như thế. Tôi cũng giật mình vì chưa dạy bé chuyện nhảy xuống xe bỏ trốn, nhưng bản năng của bé mách bảo như vậy. Sau sự việc, tâm lý bé cũng hoảng nhưng không đến mức không biết gì và sợ hãi nhiều ngày, có lẽ vì đã có sự chuẩn bị tốt từ nhỏ và đồng hành, tin tưởng từ mẹ.

Phụ nữ, trẻ em phải được an toàn dù ở bất cứ nơi đâu. Hãy lên tiếng cùng aFamily trong chiến dịch "Quyền an toàn" để chặn đứng xâm hại, sàm sỡ, bảo vệ phụ nữ, trẻ em, vì một cộng đồng tốt đẹp hơn!

Đã đến lúc lên tiếng. Im lặng là đồng lõa với tội ác.

Hãy chia sẻ câu chuyện của bạn với chúng tôi tại ĐÂY hoặc qua email doisong@afamily.vn và Fanpage chính thức của aFamily để góp tiếng nói của mình vào chiến dịch này. Chúng tôi sẽ đảm bảo bí mật danh tính của bạn.

Chia sẻ